Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

CẢM NHẬN THƠ HÀ LINH


Khoảng tháng 2 năm 2011, tôi nhận được 3 tập thơ của Hà Linh
 do bloggers Ban Mai tặng. Mãi bây giờ tôi mới biết đây là món quà "đúp - bồ" của nhà thơ Hà Nội hào phóng tặng cho bạn gái Sài Gòn địu đàng của mình. Để rồi cô bạn ấy tặng lại cho tôi với lời dặn dể thương nhất trong năm 2011 là "chờ mãi mới gặp được tri kỉ để gởi vàng đấy, nhớ viết cho Hà Linh một bài hay hay đấy".

Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng ngẫm lại bỗng dưng tôi thành người mắc nợ từ một món quà "đúp - bồ" của "họ". Tôi nợ Ban Mai, nợ Hà Linh. Nợ 3 tập thơ một bài phân tích ...

Bình thường phân tích một bài thơ đã khó, phân tích một tập thơ khó hơn. Tôi nhận phân tích cùng lúc 3 tập thơ với hơn 100 bài cho dầu có đắm đuối có mê hoặc đến mấy vẫn là điều không tưởng. Nhưng sẽ là "cái khó ló cái khôn". Tôi chọn một "gùi cỏ" xanh xanh trong cái thảo nguyên thơ mênh mông bát ngát của anh để trải lòng, để ê a đánh vần từng con chữ đã được "mã hóa" với tựa bút là HÌNH ẢNH MẸ TRONG THƠ HÀ LINH.


Anh ạ!
Hạnh phúc thật đầy
Mẹ già cười móm mém mỗi ngày
(bài Nén Nhang - trong tập thơ Đa Thức)

Vâng, tôi thật sự bất ngờ bởi bài thơ Nén Nhang có tới 2 người mẹ, 2 người chồng cùng hiển hiện. Người chồng trước "cưới nhau mới được nửa năm" anh đi bộ đội và hi sinh. Người vợ ở nhà vò vỏ "nuôi bố mẹ thay anh đêm vẫn khóc thầm". Cho đến một ngày

Tiễn bố mẹ đi ...
Em mới sang đò
(bài Nén Nhang - trong tập thơ Đa Thức )

Và, hơn ai hết. Là chị, chính chị, mỗi chị chứ không được ai khác để thay mặt cho Phụ Nữ Việt Nam làm Người Mẹ Kính Yêu với,

Em bây giờ đã có hai con
Chồng sau cũng là bộ đội.
(bài Nén Nhang - trong tập thơ Đa Thức)

Có lẽ, không ở đâu trên trái đất nầy có một người bạn / người yêu / người vợ / người con dâu hiếu thảo / người mẹ tuyệt vời đến vậy. Cảm ơn Mẹ, cảm ơn Hà Linh đã cho chúng tôi phút yên bình bên họ.

Một "gùi cỏ" khác lất phất tỏa lan trong tập Khuông Gió xuất bản quý 3/2009 Hà Linh lại có một cái nhìn khác về Mẹ.

Mẹ đi cấy
Kí tên mình vào đất
Từng giọt trăng lặng lẽ nhỏ xuống bùn
(bài Chữ Kí của mẹ trong tập thơ Khuông Gió)

Riêng cái "giọt trăng" của anh không thôi đã cho đời một hình ảnh người mẹ "một thời xuân ngực che nắng hạn" bỏng rát đến vậy đó ... rồi thổn thức nghe "trãi mùa vàng hạt gọi tên em" trong tầng nấc của thơ có chứa âm, có đựng cả hình nên "chia mùa đông nửa lạnh nửa nghiêng che con ấm" đâu đó vang vang một thời "đánh thức trống trường trong ngực tuổi thơ".

Mẹ trong thơ Hà Linh có ủy thác, có gởi gắm cho đời. Mẹ kí tên mẹ trong "... từng manh vá nhỏ". Bỗng nhớ lời bài hát "tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc" để nói thêm sự hi sinh cao cả của người cứ lặng thầm đến giấu cả đời mình kí thác một đời con, cho mặt ruộng nứt rứt chân chim, cho góc vườn thì thầm con nắng nhạt, cho chân trời tỏa sáng ước mơ. Mẹ ơi!

Trở lại tập thơ Đa Thức, hiển hiện một Hà Linh mộc mạc chân tình đến sâu lắng. Có bài thơ Nối Lại Lời Ru côi cút, chắc chiu anh đã nhặt nhạnh từng con chữ để "thập thững gieo vần" cho câu thơ Mẹ nền nã mượt mà đến tự mỗi " ... bến sông với con đò li biệt". Hay là khổ thơ sau đây:

Sớm mất ông bà
Đứt sớm lời ru
Nẻo đường quê gần thế hóa xa mờ
Một mình mẹ một đàn con nhỏ
Điệu ầu ơ chẳng tới được ban mai
(bài Nối Lại Lời Ru trong tập thơ Đa Thức)

Thi thoảng, Hà Linh vẽ hộ cuộc đời một bức tranh bằng thơ mà các gam màu mơ màng như một "vầng trăng tơ lụa" kéo kén tằm khâu vá khúc dân ca. Nhưng có lẽ phải đợi đến cặp "song sinh" Bàn Chân (trong tập thơ Khúc Vĩ Cầm Chiều xuất bản 8/2010) / Bàn Tay (trong tập Đa Thức xuất bản 12/2008). Mặc dầu 2 bài thơ ở 2 tập thơ với 2 thời điểm khác nhau nhưng vẫn một tác giả đau đáu về Mẹ "giấu khổ đau sau những nụ cười". Hóa ra CƯỜI không hẳn đã VUI!

Mỗi chuyến đi xa
Quà của con là chiếc bấm móng tay
(bài Bàn Tay trong tập thơ Đa Thức)

Là cái bấm móng tay ư!. Đơn sơ lắm nhưng linh hồn bài thơ lại nằm ở kỉ vật be bé đấy, lại chính "là cơ hội cắt rời quá khứ đắng cay / để bàn tay xanh ngược ngày tháng cũ". Anh "đã âm thầm giữ lại giấc mơ xưa" trong sự bồn chồn cuộc mưu sinh thôi thúc!

Nếu Mẹ trong bài thơ Bàn Tay là những lần di trú, những lục tìm kiếm soát, những giữ nâng bảo bọc cho những đứa con thân yêu thì Mẹ trong bài thơ Bàn Chân lại khắc khoải chạnh lòng cho những chuyến đi xa được tác giả thẫm thấu qua "độ mòn của đá". Ra đi, mẹ để lại một thông điệp "trắng" bởi không có mỉ từ ngợi ca, không con dấu làm chứng, không sắc màu hoành tráng. Mẹ lặng lẽ hi sinh cho những hết thảy mọi người ...

Chân mẹ giờ thôi thuộc về con đường
Thời gian đã trở thành quá nặng
Con xin lau mọi giá trị gập ghềnh ngụ ngôn mưa nắng
Phút tiễn đưa lén gởi mẹ một đôi hài!
(bài Bàn Chân trong tập thơ Khúc Vĩ Cầm Chiều)


Là Tiến Sĩ Khoa Học chuyên ngành cơ khí chế tạo máy, nên thơ Hà Linh có lực đẩy, có đạo hàm, có tâm điểm, có tầng nấc ... với vô nghiệm vô miền xa xôi nhưng với Mẹ thì thơ anh là những "ngôn từ không có trong thơ".

Vài vuông thơ lành lặn cầu kì
Chẳng là tấm màn ngăn được muỗi vo ve góc vắng
Không thành lửa hâm nóng cơm và bát canh rau đắng
Mẹ vẫn nâng niu áp vào giữa ngực mình
(bài Ngôn Từ Không Có Trong Thơ trong tập thơ Khúc Vĩ Cầm Chiều)

Để thấy những con chữ "hợm mình ích kỉ / chỉ vẽ tên con trên sách báo phố phường" mà thôi, chứ không thể cảm nhận những cơn đau nơi mẹ lúc trở trời bứt nhứt xương gan. Để thấy những câu thơ khô khốc, quăn úa sẽ không bao giờ "chợt trỗ một nụ cười". Đế thấy một Hà Linh viết về Mẹ với những câu thơ "mặt sau không chữ / từng giọt lệ hoen mẹ giấu những ngày xa" là vậy!


Vẫn biết là "lực bất tòng tâm" với Ban Mai, với Hà Linh, với tôi hoặc là ai đó nữa khi nói về Mẹ, khi viết về Mẹ, khi vẽ về Mẹ sẽ là hết sức khiêm tốn, hết sức li ti trong cái biển trời bao la của Mẹ muôn đời che chở cho các con. 

Trong 3 tập thơ của Hà Linh một bài duy nhất có chữ Mẹ, tôi thích và xin tạm dẫn ra đây để thay cho lời kết bài viết nầy

Tre mẹ măng con sinh sôi tự sống
Đa rỗng lòng ôm hình của cây bàng đã chết
Những mùa hoa vô danh tự ngát
Đá cũng lên rêu tự hát với côn trùng
(bài Trong Rừng Nguyên Sinh trong tập thơ Khúc Vĩ Cầm Chiều)


Thôi thì hãy để mọi việc cuốn theo chiều gió. Ấy cũng là lẽ tự nhiên như "tre già măng mọc" vậy!

Xin chúc cho Hà Linh "đa thức" hơn để chiều về ngồi bên "khuông gió" nghe "khúc vĩ cầm ..." rồi làm thơ về Mẹ.

Trân trọng! 

Sài Gòn 22/5/2011
Bình Địa Mộc



2 nhận xét:

  1. entry nầy có bị lỗi không mà hổng thấy ai còm hết vậy ta?

    Trả lờiXóa
  2. Một entry tuyệt vời đấy Mộc à..có lẽ bài viết đã nói hết tâm trạng người đọc và tác giả rồi nên khó comm thui.Mình biết những blogger được Mộc nhắc trong entry này và thực lòng mến mộ và trân trọng ho. Có lẽ quá bận rộn nên ko có nhiều thời gian để qua thăm và mãi đến nay mới được đọc entry này của Mộc,quả là thấy chút thiệt thòi vì sự chậm trễ này,thứ lỗi Mộc nhé.
    Chúc bạn và tất cả các blogger bạn bè năm mới tốt lành &nhiều thành công.
    Trân trọng

    Trả lờiXóa