Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

TRUYỆN NGẮN 67: TÌNH YÊU TỪ NHỮNG VƯỜN TIÊU

(ảnh minh họa)

1.-
Năm ấy, ăn tết xong Lịch tiễn Thung đi Sài Gòn tìm việc. Bến xe Tam Kỳ chen chúc kẻ đứng, người ngồi. Đợi được một chặp, Thung bảo:
- Hay là mình lên đường Nguyễn Hoàng đón “xe dù” đi đi em, chờ ở đây nóng ruột lắm.
- Không được anh à, kể từ bây giờ trở đi anh là công dân của một thành phố công nghiệp, văn minh và hiện đại, nên chi phải tập thói quen sắp hàng mọi lúc, mọi nơi kể cả trước nhà vệ sinh. Còn ngẫu hứng qua cầu như “lý ngựa ô” sẽ chẳng giải quyết được gì đâu.

Không ngờ câu nói nửa đùa, nửa thật của người yêu ngày nào đã đồng hành cùng Thung suốt những năm tháng làm ăn sinh sống ở Miền Nam. Một lần sắp hàng trong siêu thị tình cờ anh gặp Nga, cô gái quê Thanh Hóa, nước da ngăm đen chen ngang trước mặt anh. Anh liền ngăn lại, nói:
- Nếu muốn lập nghiệp ở thành phố nầy, cô hãy tập thói quen sắp hàng, không được “ngẫu hứng” như thế.
- Vâng, biết rồi, nhưng bố em cấp cứu ở bệnh viện, người nhà vừa mới nhắn tin, nên hơi vội, mong các bác bỏ quá cho ạ. Card visit của em đây, có gì anh alo cho em nhé!

Nếu cuộc sống mãi mãi là những cuộc ngẫu biến như ý kiến của Lịch, hành động của Nga thì Thung là một “con ngựa ô” với những đêm Phương Nam nằm nghe tiếng thầm thào của hồ Phú Ninh liu tiu sóng nước. Với những vườn tiêu luôn cho ra năng suất cao hơn cây lúa mà đồng vốn bỏ ra thấp hơn, lợi thế nữa là hiệu quả lũy tiến theo cấp số nhân, năm sau cao hơn năm trước. Vòng đời dây tiêu dài khoản 20 năm, là loại cây bán chùm gửi, thích nghi với khí hậu nhiệt đới, có sinh lí nhạy cảm, không hợp với nhiệt độ dao động lớn trong ngày, nên dây tiêu rất thích nghi trồng ở quê Thung.
Còn nhớ, trong một lần anh và Lịch đi hái tiêu. Nhìn những quả tiêu bé tí, Thung nói:
- Đúng là “bé bé hạt tiêu”.
- Ý anh là gì, hi vọng anh không chê em nhỏ con chứ.
- Không, ngược lại là khác. Em tuy nhỏ con nhưng khôn lanh, lợi hại … như hạt tiêu ấy.
- Xí, em không “lợi hại” như anh nghĩ đâu, em chỉ muốn mình luôn ở vị thế thẳng đứng, vươn lên để tồn tại như dây tiêu mà thôi, không chấp nhận đeo bám. 

Thung cười, anh không hề có ý chê người yêu nhưng lặng lẽ nhìn vườn tiêu, chạnh nghĩ về những ngày sau tết khí hậu hanh khô. Thậm chí sau một đêm, sương không còn đọng trên lá cỏ, tất cả các loài sinh vật hầu như chẳng còn nước uống. Như vậy dây tiêu sẽ sống ra sao, chưa kể các loài như kiến, rệp, sáp … đều tập trung vào gốc tiêu để uống nước hoặc giữ ẩm da. Bởi, khi đó nguồn nước tưới cạn kiệt, chúng không còn cách gì khác ngoài đục khoét rễ, thân cây tiêu để hút nhựa. Rồi đến lúc mưa xuống những lỗ thủng trên thân rễ cây tiêu sẽ là một cái “hồ” nho nhỏ tạo môi trường cho một cuộc chiến với các loại thuốc hóa học phun vào đấy, bắt đầu hoành hành dây tiêu. Thật đắng lòng, vì mọi “cuộc chiến” xảy ra đều có sự mất mát. Đã không ít vườn tiêu bị hủy hoại hàng loạt, thiệt hại kinh tế lớn lắm.
Thung hỏi:
- Thế, năm vừa rồi nhà em thu hoạch tiêu có khá không?
- Dạ, được khoản 300kg, em nghe ba nói bán được gần 50 triệu đó anh. Vì nhà em trồng ít, năm này ba sẽ tiếp tục cho cải tạo lại vườn tạp, trồng thêm vài chục chói tiêu nữa mới bảo đảm đời sống anh ạ!
- Trồng thì dễ nhưng chăm sóc mới là vấn đề, nhất là việc lạm dụng phân bón sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, gây khó khăn cho đầu ra vốn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Điệp khúc được mùa rớt giá vẫn như câu thần chú biến người nông dân cứ lên bờ xuống ruộng mãi em ơi! 

Giờ giải lao, Lịch tựa đầu vào vai Thung. Gió mùa nênh nổi, hương vị hạt tiêu trong từng món cá kho, đĩa thịt xào, hay ở trong nhân một số loại bánh cứ ngan ngát thơm ngon, hấp dẫn người ăn. Nhất là trong bữa cơm “ở cử” của các mẹ, các chị mới sinh không thể thiếu tiêu. Họ còn bảo “càng ăn cay, uống đắng bao nhiêu, con cái sau nầy càng có sức chịu đựng gian khổ bấy nhiêu”. (Ô hay, mẹ ăn chứ con có ăn đâu mà có sức chịu đựng hả mẹ!)

2.-
Xuống ca, Thung ở nhà còn Nga vẫn đi chợ. Tình yêu thời công nghiệp có khác. Nhanh, gọn, nhẹ còn hiệu quả tình yêu thời @ nầy thế nào lại phụ thuộc vào … đầu ra vốn bấp bênh như hạt tiêu vậy. Nghĩ đến đây anh cười. Nụ cười của một gã trai quê ra thành phố làm công nhân nghe râm ran. Có tiếng xe máy, anh bước ra nhìn. Cô gái gốc Thanh Hóa, nước da ngăm đen “của anh” đã về, gọi:
-Thung ơi, ra xách hộ em cái giỏ. Úi giời, còn gần tháng nữa mới đến tết mà đường Sài Gòn đông nghẹt luôn, nhích từng chút một mới về đến đây. Em bảo nè, anh nấu cơm chưa, coi chừng cúp điện đó, em thấy ngoài kia dây nhợ đứt tùm lum hết.
- Chắc lá xe công – tơ – nơ vướn khi đêm chứ gì, gần tết hàng nhiều nên họ phải đua với thời gian mà em, bất chấp mọi chướng ngại vật, mình phải cẩn thận thôi.
-Thế, anh tính năm nay, hăm mấy mới tính chuyện về quê để còn đăng ký vé xe nữa chứ. Còn em, năm nay ở lại ăn tết với bà chị họ, sang năm sẽ sắp xếp về quê anh ra mắt bố mẹ luôn một thể nhé.
- Ừm, anh định khoản 23 tháng chạp về, về sớm còn vét được kg tiêu nào bán lấy tiền tiêu tết chứ lương thưởng ở đây sợ không bao nhiêu em ạ.
Nói xong, anh nắm tay Nga kéo vào lòng mình. Giọng “con gái Thanh” ngọt lịm, thủ thỉ bên tai:
- Chồng ơi, ở đây tuy làm công nhân, nhưng mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu chứ mai mốt về quê anh em nỏ biết làm gì.
- Thì làm ruộng, trồng tiêu. Ruộng cho ta lúa gạo để ăn, hạt tiêu cho ta tiền mặt để đi chợ, mua sắm nầy nọ …
- Nhưng, nghe nói tiêu quê anh chất lượng hạt thấp, giá rẽ không bằng tiêu Miền Đông Nam Bộ có đủ sống không hả.
- Mình nói đủ là đủ, mình bảo thiếu là thiếu em ạ. Còn chất lượng tiêu thì mình phải từng ngày cải tiến bằng nhiều phương pháp như lai giống, tăng cường chế độ chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng vụ, kể cả cải tạo đất nữa.

Cũng giống như Thung, Nga là cô gái quê “chính chủ” nên suy nghĩ, hành động cứ chân chất hiền hòa. Cuộc sống đưa đẩy họ gặp nhau, sau cái lần tình cờ “chen ngang” ở siêu thị, qua một vài cuộc điện thoại, vài lần gặp gỡ tình cảm của những người xa xứ hội tụ lại với nhau, để rồi mỗi người “phản bội lại một người”. Nhiều lúc nghĩ “cay như tiêu, đắng như nghệ” nhưng biết làm sao khi sự cô đơn, hiu quạnh nơi đất khách quê người như lưới bũa vây, quấn bó nhau ngạt thở.

3.- 
Năm nay, Thung mua vé tàu không được, còn đi xe ô tô thì gia đình không cho vì sợ nguy hiểm, nên mãi đến tối mồng 2 anh mới về đến nhà. Vẫn là một thanh niên ở quê lên thành phố tìm kế sinh nhai đau đáu, thật thà. Có điều, đằng sau những món quà tết, những mẫu chuyện vui về công việc, những lận đận, lao đao trong môi trường mới, anh giấu đi nỗi buồn … phản bội. Lịch đến chơi, họ vẫn chưa nói gì nhiều. Bỗng cô ấy đề nghị:
- Hay là mình đi lên hồ Phú Ninh chụp hình lưu niệm đi anh.
- Ừm, nhưng điện thoại anh không nét lắm, sợ làm xấu hình ảnh em ấy chứ.
- Thôi nà, em chỉ là cô bé “bé bé hạt tiêu” thôi chứ đẹp đẽ chi mô.
Thung giã vờ không nghe câu nhắc khéo của Lịch, bỗng có tiếng chó sũa. Một cô gái tay xách nách mang xuất hiện ngay giữa sáng mồng 3 tết trước cửa nhà Thung, nói giọng Thanh Hóa nghe “ngọt lịm”:
- Thưa bác, có phải nhà anh Thung đây không ạ?
- Ừm phải, nhưng xin lỗi cô là ai?
- Dạ, cháu là bạn gái của anh Thung từ Sài Gòn về thăm đây. Bác cho cháu gặp anh ấy một tí thôi!
Ở nhà trong Thung nhìn ra ngoài thấy Nga và nghe cuộc thoại giữa cô và ba mình. Anh vô cùng sửng sốt, không ngờ rằng Nga lại về đến tận Miền Trung để “ngẫu hứng” cùng “con ngựa ô” nầy. Quá bàng hoàng, anh nắm tay Lịch kéo ra sau vườn hẹn lại cuộc đi chơi hồ Phú Ninh, nhưng dường như linh tính người con gái đã mách bảo cho Lịch biết đâu đây có một người “phản bội lại một người”. Cô bình tĩnh:
-Anh ạ, dây tiêu có khuynh hướng thẳng đứng nên không chấp nhận đeo bám, anh cứ việc ra ngoài tiếp khách đi. Em sẽ về chăm sóc vườn tiêu của mình. 

Thung lao đến nắm tay Lịch kéo lại nhưng không kịp nữa rồi. Cô đã bước ra khỏi anh. Khỏi mùa xuân Phú Ninh óng ánh sắc màu. Khỏi những chói tiêu Phú Thịnh mà theo cô không nên trồng trên ụ bê tông hoặc ụ gạch vì thời tiết ở khu vực Miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ tăng cao dẫn đến cây tiêu ngã đổ và chết (chết như mối tình của cô và anh Thung vậy). Bên cạnh đó cần phải tăng cường chế độ quang hợp ánh sáng, nước vẫn là những yếu tố cho dây tiêu ra hoa, kết trái, đạt hiệu quả cao.

Quảng Nam, 12.2014
Bình Địa Mộc


4 nhận xét:

  1. Ra đây là một mảnh tình của bác Mộc đó hả -tội ghê

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh Minh đã ghé thăm và "kết duyên" giùm Mộc với nhân vật cũng của mộc lun. Chúc anh vui!

      Xóa
  2. Vừa là truyện vừa là kỷ thuật trồng tiêu, thú vị lắm.
    Sự kết hợp nhuần nhuyễn đã tỏ rõ sự từng trãi và trăn trở của Mộc. Cám ơn bài viết hay và nhiều điều bổ ích !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mộc thanh kiu anh. Chúc anh vui. Đây là thử nghiệm mới của Mộc vừa văn học vừa thời sự lồng ghép vào nhau, hơi khó nhưng cơ bản là cách cài đặt khéo léo câu chuyện cũng như ngôn ngữ sao cho không bị phô anh há!

      Xóa