Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

BÀI VIẾT VỀ THƠ MỘC TRÊN TRANG DU TỬ LÊ

(ảnh Mộc chụp với Huấn Rum tại offline Đà Nắng 1001002015)


Những lát cắt ngôn ngữ đa tầng của thơ Bình Địa Mộc.
(10/13/2015 05:37 PM) (Xem: 124)

(tiếp theo)
dutule.com (ngày 13 tháng 10-2015): Như khí hậu của những truyện cực ngắn, thơ Bình Địa Mộc, không sáo ngữ, không mỹ từ rỗng tuếch. Ông ghi lại trong thơ mình, những mảnh đời đương đại, như bức tranh nhiều màu (mà, đa phần là màu xám).
Thí dụ, bài thơ “Có thể là tôi”, gồm 6 khổ, từ “hơi thuốc rê khét nghẹt”, đến “ly rượu gạo ngất ngư”...) dẫn tới nỗi lo “của người đàn bà mới đặt vòng sợ chồng manh động” đã tương tác cách nào đó, với hình ảnh “cô em vợ có đôi mắt bê con chẳng màng đeo nịt vú / cúi xuống bàn này đũa rớt bàn kia”... Ước mơ “nằm bất kỳ đâu miễn sao giấc mơ không bị đánh cắp / mai ra đường phấn khởi chào người quen”... Dù cho “ngọn gió cuối mùa hất tung lồng ngực / nhận ra mình ốm yếu tự trong nôi”... Rồi ông đi tới kết luận “tôi, có thể là tôi / nếu chịu khó làm lại từ đầu tất cả, từ khói thuốc thơm lừng mỗi chiều hun nơi quán nhậu / em chân dài váy ngắn đứng cụng ly...” (*)
Tôi không biết hình ảnh “em chân dài váy ngắn đứng cụng ly...” có phải là chủ tâm của tác giả muốn nói tới những người con gái được các hãng bia, thuê trong vai trò khuyến mãi, đang phổ cập tại VN?
Trường hợp nào, với tôi đó vẫn là những lát cắt xã hội hôm nay. Mà, khi Bình Địa Mộc, lách lát dao ngôn ngữ của mình, tới tầng ung bướu nào, dường ông cũng thấy ông trong đó. Một phát hiện không bất ngờ, nhưng quá buồn cho một hiện diện khó thể lẩn, trốn!
Bình Địa Mộc không chỉ cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ “bóc mẽ” những tầng hiện thực xã hội quen thuộc đến trở thành đương nhiên, thản nhiên, trong hoàn cảnh một xã hội, một đất nước mà, ông cũng còn cho cho thấy khả năng sử dụng đặc tính lập lại một con chữ, nhờ 5 dấu khiến chúng vẫn là một (hay khác đi) trong bài thơ “Về đi tháng ba”.
Ở bài thơ vừa này, tôi rất thích những cụm lập lại chính nó, như “dửng dừng dưng”, đằng đẵng xa” hoặc “cầm tay nhớ thẽ thọt rằng” (mặc dù tôi không hiểu rõ nghĩa của hai chữ “thẽ thọt”).
Sự lập lại một con chữ, được tác giả khai thác vừa phải, nên tránh cho người đọc bị quá tải, “bội thực”.
Đây, nguyên bản bài thơ đó: 
“Anh về nhớ bước nhẹ thôi
Kẻo con nắng vỡ làm đôi ngập ngừng
Gió vài sợi dửng dưng dừng
Lạc tà áo một thuở từng tung tăng

“Cầm tay nhớ thẽ thọt rằng
Cuốc xe đời trót lỡ đằng đẵng xa
Mấy mươi lần hẹn người ta
Bấy nhiêu lần đứng xót xa phận mình

“Thật tình để khỏi vô tình
Cửa hờ hững khép ai hình như đang
Chút son môi quẹt dở dang
Cây trâm cài bỗng rớt ngang nỗi buồn

“Anh về nhớ dặn lòng luôn
Đứng thật lâu để chiều buông xuống chiều
Bể dâu trầm mặc liêu xiêu
Dẫu quay quắt cũng xin chìu lòng nhau

“Mây trời phiêu dạt trắng phau
Mùa Xuân gõ nhịp chuyến tàu thời gian
Tháng ba hoa gạo ngập tràn
Cháy lòng em những canh tàn đợi anh ...”


Hoặc:
“tháng tư lật đật đi tìm
trong bồ lúa bóng đêm chìm thực hư
trăng sau vườn thấp thoáng như
một người hẹn một người từ bấy lâu

“đãi đằng dưới lớp nông sâu
chiếc lu sành kiếp bể dâu lùa thùa
vòng quanh ảng nước gió đùa
nghe lành lạnh phía giao mùa năm xưa

“ngoài sân giọt nắng mới vừa
giấu ngọn cỏ mượt sương chưa vỡ òa
bàn tay vò nỗi xuýt xoa
tiếng chân giẫm tiếng chu choa người về

“tháng tư em nón lá quê
che ngang vai mái tóc thề tìm anh
dòng người xanh mải miết xanh
hoa lan rừng tím biếc nhành ca dao

“vịn đôi bờ dãy thông hào
bài thơ anh phổ nhạc lào xào bay
ru đời tình khúc đắm say
em ru em nốt nhạc đầy tháng tư”.

Và, một bài lục bát, được Bình Địa Mộc khai thác danh từ chỉ người (phiếm định) chữ “ai” – mà chữ“ai” dù ở vị trí nào, người đọc cũng sẽ nhận ra được ngay, “ai” là “ai” - - ( cũng như hai chữ “tôi”, “tớ” nơi khổ thơ chót - - Một đặc tính khác nữa của ngôn ngữ Việt.
Bài “Hành trình”: 
“ai quên
ai nhớ
ai còn
dưới chân cầu đứng mỏi mòn đợi em
ai thương
ai ghét
ai đem
sang sông câu hát ướt mềm bờ môi

“ai mới đó
ai xa rồi
mái chèo khua gãy làm đôi nhịp thừa
ai đi
ai đến
ai chưa
làm người khách trọ ở vừa trần gian

“con sông dọc
bến đò ngang
câu thơ lội ngược nước bàng bạc đau
ai phía trước
ai đằng sau
hai bên đường cả ngàn lau lách đùa

“trên đồi thông thốc gió lùa
một tôi
một tớ
một vua
gối đầu …”

 Với tôi, đó là ba bài lục bát đẹp của cõi-giới thơ Bình Địa Mộc - - Những dòng lục bát chảy trôi về phía truyền thống thơ mộng, dịu dàng của cội nguồn thi ca Việt.
Du Tử Lê
(Oct. 2015)

4 nhận xét:

  1. Một bài nhận xét đầy đặn và trí tuệ !

    Trả lờiXóa
  2. Thơ anh, cách cắt giữa dòng
    Đọc anh thích chỗ anh mông
    mênh từ.
    Đây là một ví dụ, mình đã khen trực tiếp với Mộc ở quán cà phê rồi nhé, hi..., ở Tam Kỳ vui nhé.

    Trả lờiXóa