Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

BÌNH THƠ LÊ TRƯỜNG LONG

CÁI ĐÀ CỬA


Tôi không quá ngạc nhiên, khi cầm trên tay mình tập thơ KHOẢNG TRỜI KÝ ỨC, là đứa con tinh thần đầu tiên của Lê Trường Long. Bởi, trước đó anh đã từng nghiền ngẫm, thai nghén hằng chục, hằng trăm tập thơ tương tự. Vì, anh hiện đang phụ trách Công ty Phát hành Sách Quảng Nam. Một người chuyên môn làm sách, chuyển qua làm thơ thì tập đầu hay tập cuối đều có vị thế riêng biệt, nếu không muốn nói rằng tác phẩm ấy đã hoàn chỉnh đến mức độ cho phép, chữ đã nung đến chín thật rồi. 

Và, cũng không quá khó để nhận biết những viên kim cương lấp lánh trong tầng tầng sỏi đá kia, mà sao đời cứ mặc định cho con người phải tiếp nhận, cứ nghiễm nhiên xô xấp vào ta. Thơ Lê Trường Long thì không, anh có nỗi khát khao cháy bỏng của một kỳ nhân tình yêu, sự chết điếng, òa vỡ trái tim của một thiên thần hạnh phúc mà chẳng cần đi đâu xa. Hãy ngồi xuống đây, với bài thơ Trăng Qua Phố ta sẽ thấy ngay: 
“đèn đường như con mắt kẻ kiệt cùng vì rượu 
đám phù du tranh nhau vì muốn ghé thiên đường” 

Ta sẽ thấy một tình cảm ấm áp, nồng nàn của gia đình, bè bạn muôn phương “ta một mình qua phố / tiếng người thân thao thiết gọi ta về / mùi rạ mới thơm tho ngày vào vụ / cha vẫn tảo tần một nắng hai sương”. Một Lê Trường Long đằm đã, một Lê Trường Long nằn nặc “xôn xao xóm trọ / ừ, à / vài ba kẻ ở / biết là về đâu”. Cuộc mưu sinh nào cũng giẫy đầy nước mắt, cũng kin kít mồ hôi. Chỉ có khác là sau một ngày vật lộn với áo cơm, đêm về, những người con của núi lại mơ ước xa xôi: 
“anh vẫn đợi 
dẫu trễ tàu là thật 
tận đáy lòng khẽ gọi 
em ơi” 

Và, 
“quê em 
có dòng sông chảy ngược 
câu ca xưa đến dễ khó về 
hồn sông núi bừng lên trong mắt trẻ”. 

Đến đây thì ta có thể hình dung một miền quê Tiên Phước thanh bình với dòng sông Tiên ngàn năm chảy ngược; với rặng chè tàu bí ẩn thâm sâu, với những hàng cau mơ màn nỗi nhớ. Ở đấy, ta bắt gặp một thi nhân “ngày hanh nắng / choàng tay ôm gió ngủ / cánh đồng làng thoang thoảng đất đưa hương”. Ngần ấy thôi cũng đủ cho ta một hành trình ngút ngái, một chỗ đi về khi thay đổi chăng: 
“ừ ngõ đá 
coi chừng ngã đó 
ủa 
mần răng 
chuyện nhỏ có chi mô 
gió vén mây 
cửa rừng kia đã mở 
dòng sông xanh bên lở bên bồi”. 

Lê Trường Long nhẫn nại dắt bạn đọc đi về một cõi hư mà thật, thật mà hư như bản chữ sắp đặt bài thơ, câu thơ của chính anh: 
“ai 

về trong ngôi nhà của đất 
có xe đưa có kẻ khóc hờ 
ai 
về trong ngôi nhà của đất 
tiếng người thân nức nở rối tơ vò 
cái đà cửa vẹt mòn thân phận 
nội ngoáy trầu ngồi đợi bao năm 

ông ra đi 
cha ra đi 
một chiều về nhận tin báo tử 
chiếc gậy rưng rưng 
trượt ngã dưới tay bà”.

Chỉ khác một điều rằng những ông, những cha không trở về bởi họ là “những anh lính, chị lính một thời xông pha chiến trận”. Những tiếng rên khẽ nhà bên khi trời trở gió, của đồng chí thương binh bỏ lại chiến trường một phần cơ thể “bất chợt cơn giông / trưa tháng tư đầy nắng / tiếng li chạm nhau / ngày chiến thắng / anh thương binh nhà bên lẵng lặng / thả hồn mình ánh mắt xa xăm”. 

Nếu ở hơn nữa đoạn đầu tập thơ Lê Trường Long đau đáu về những mối tình thời trai trẻ “mùa dâu da chín hồng đôi mắt / dọc đường làng trộm trái sầu đông” thì càng về sau KHOẢNG TRỜI KÝ ỨC anh đi sâu khắc họa nỗi buồn chiến tranh, làng mạc xác xơ, hoang đồng loang lỗ. Những mẹ già tựa cửa ngóng con thơ, những anh thương binh ôm vết thương lòng rên rỉ. Như một mạch chảy thời gian âm ỉ gọi, việc tri ân quá khứ hào hùng của dân tộc, âu cũng là sự đền đáp công lao to lớn mà chúng ta nên làm, nên viết khi có thể. 

Song về tổng quan KHOẢNG TRỜI KÝ ỨC còn khá khiêm tốn về thể loại, đề tài. Cái mà bạn đọc đang chờ phát nóng ruột ở anh. Anh biết không. Lê Trường Long! 

Song tôi lại thấy tiếc ảnh bìa của tập thơ KHOẢNG TRỜI KÝ ỨC, vẫn còn nhỏ hơn so với không gian thơ anh thể hiện, nhạt hơn chữ anh khắc trong tim bạn đọc. Ảnh bìa chưa có nếp gãy ký ức, chưa có khúc cua tâm tưởng, chưa có độ chậm thời gian. 

Song tôi lại đặc biệt thích bài thơ Cái Đà Cửa. Bởi, nó không đơn thuần là cái đà bằng gỗ bắt ngang qua hai cây cột trước nhà, mà là chiếc cầu thời gian, là khoảng cách sinh tồn của chúng ta. Là sự sống và cái chết. Bước qua cái đà cửa, hẳn ta đang bước vào một thế giới khác. 

Một lần nữa tôi xin mạo muội trích hết bài thơ này để thay cho lời kết bài cảm nhận. 

"người giàu cũng đi 

người nghèo không ở lại 
bao cảnh biệt ly 
như chiều ni 
ai về trong ngôi nhà của đất 
có một điều rất thật 
cái đà cửa vẹt mòn thân phận
nội ngoáy trầu 
ngoáy cả thời gian" 

Chúc nhà thơ sức khỏe, hạnh phúc. 
Chúc buổi ra mắt tập thơ KHOẢNG TRỜI KÝ ỨC thành công tốt đẹp. 

Trân trọng kính chào! 

Tháng 10.2016 
Bình Địa Mộc 


1 nhận xét: