Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

NGUỒN GỐC NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

(ảnh cô giáo Trần Thị Tuyết đã về hưu)

GIẢI MINH CHO THÔNG NÃO VỀ NGÀY 20 THÁNG 11 
Nguyễn ChươngMt

1/ Sau năm 1975 thầy giáo, cô giáo ở miền Nam Việt Nam mới nghe tới lễ kỷ niệm ngày 20/11 hàng năm mà lúc đó gọi là Ngày Hiến chương Nhà giáo. Đến năm 1982 thì đổi tên thành Ngày Nhà giáo Việt Nam, tức là "nhập khẩu" một sản phẩm từ Liên bang Xô viết (thời điểm đó Xô viết còn tồn tại), trở thành món hàng mang "hồn ngoại, da nội". 


Hiến chương Nhà giáo Quốc tế xuất hiện vào tháng 8/1954 trong cuộc họp của FISE (Liên đoàn Quốc tế các Nhà giáo), do Moscow cầm trịch. Đến năm 1958, có quyết định chính thức lấy ngày 20/11/1958 làm ngày Quốc tế Hiến chương Nhà giáo.

Trong bản Hiến chương Nhà giáo Quốc tế gồm 15 điều, hoàn toàn KHÔNG có điều khoản nào nhắc tới việc "tôn sư trọng đạo" hết. Nghĩa là trong đó cơ bản nói về những qui định, trách nhiệm của nhà giáo đối với học sinh, về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo tranh đấu cho một nền giáo dục dân chủ.

Tuy nhiên khi ngày kỷ niệm này được triển khai tại Việt Nam thì truyền thống "tôn sư trọng đạo" (yêu mến, kính trọng thầy cô) từ ngàn xưa của dân Việt lại lồng ghép thái quá vào trong nội dung Hiến chương Nhà giáo Quốc tế này?

Không lẽ một quốc gia độc lập dân chủ, một dân tộc kính trọng thầy cô giáo như Việt Nam, lại không chọn được một vị danh sư hoặc một sự kiện giáo dục nổi bật của tiên tổ trong dòng lịch sử Việt Nam, để làm ngày truyền thống, tôn vinh tinh thần "tôn sư trọng đạo" này hay sao?

2/ Trong Lời mở đầu của bản Hiến chương Nhà giáo, có đoạn viết rằng: "Giáo viên phải tôn trọng quyền TỰ DO TƯ TƯỞNG của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập". Và điều 4 của bản Hiến chương này cùng ghi tiếp: "Quyền TỰ DO SƯ PHẠM và tự do chuyên môn của giáo viên PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG, các sáng kiến cần được khuyến khích. Đặc biệt là GIÁO VIÊN ĐƯỢC QUYỀN LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA và lựa chọn phương pháp giảng dạy".

Mặc dầu Hiến chương quy định như vậy, nhưng ngay ở nước Nga Xô viết, là quốc gia đầu tàu cho giáo chức theo xu hướng thiên tả đồng thuận Hiến chương, song học sinh có được tự do tư tưởng không? Giáo viên có được tự do sư phạm không? Một câu hỏi thế kỷ vẫn còn bỏ ngõ. Thực trạng văn bản tuyên truyền của Hiến chương đi một đàng, thực tế đi một nẻo!

3/ Đối với nước ta ngày Nhà giáo Việt Nam, như đã nêu trên, chỉ là sự đổi tên của ngày Hiến chương Nhà giáo Quốc tế, chứ ý nghĩa mục đích không có gì mới, cũng kỷ niệm đúng vào 20 tháng 11 hằng nam.

Chúng ta dựa trên tiêu chí của bản Hiến chương Nhà giáo Quốc tế mà suy nghĩ sâu hơn, thiết thực hơn về ngày Nhà giáo Việt Nam, so sánh thực trạng giáo dục cũng như cách hành xử văn minh của các thành phần xã hội đối với thầy cô giáo.

Bởi, giáo viên hiện nay có được quyền tự do sư phạm không? Có được quyền lựa chọn sách giáo khoa không? Học sinh có quyền tự do phát triển tư duy theo hướng tích cực hay thụ động tiếp thu kiến thức theo kiểu áp đặt, thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép?
Hi vọng trong tương lai gần ngành giáo dục sẽ lần lượt giải đáp các câu hỏi trên đây, nếu không ngày 20/11 chẳng khác nào ngày reo mừng niềm vui trong ảo tưởng, là ngày sống ảo không hơn không kém!

Còn việc "tôn sư trọng đạo" chúng tôi xin được nhắc lại, nó không dính dáng gì tới thực chất của ngày 20/11 Kỷ niệm Hiến chương Nhà giáo này hết.

Trân trọng cảm ơn!


Sài Gòn, 11.2018
Bình Địa Mộc
(sưu tầm)

1 nhận xét: