Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

SÂN SI - THƠ NGUYỄN ĐỨC DŨNG

(nhà thơ Nguyễn Đức Dũng - thứ 2 từ phải qua)

Nói nôm na là bình thơ nhưng kì thực tôi không có tài ấy mà đây chỉ là một bài viết về Thơ của Nhà thơ Nguyễn Đức Dũng (NĐD) - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam theo cái kiểu, cái cách, cái cảm của riêng tôi thôi.

Trước hết phải nói là tôi rất mê tập thơ nầy vì nó rất mỏng (khoản 30 tờ khổ A5), mà mỏng thì nó chứa trong đó rất ít bài, mà ít bài thì thơ mới hay, mới xuất chúng được bởi vì theo nguyên lí "tăng về lượng, giảm về chất" và ngược lại. Nhưng cái ít của anh nó không thiếu, nó chẳng thừa, có chăng chỉ hơi hụt hụt một chút thôi. Tỷ như bài:

Nằm nghe trâu ợ mà buồn
Ta con nghé xoáy bỏ chuồng sổng đi
Cùng đường cạn mộng sân si
Vàng rơi một lá từ khi ngô đồng

Cái kinh nhất ở bài thơ lục bát nầy là từ "ợ". Ợ nhưng không ói ra mới hay chứ, còn ợ rồi "ói" luôn ra thì gớm lắm. Còn câu tiếp theo nhà thơ phán luôn "ta con nghé xoáy bỏ chuồng sổng đi". Tôi đoan chắc đây là con nghé có một xoáy. Cái xoáy trên đầu của nghé phản ảnh tính tình, tâm địa của nó như phản chủ, phá phách, hay hung hăng ... thành ra câu thơ thứ ba có từ "sân si" quả không thừa tí nào. Đồng thời đây cũng là tính logic của thơ, sự nối tiếp, liên hoàn đến mạch lạc của NĐD một thời "hết bay nhảy về làm chim cánh cụt" (Quán Tính) nghe mà sướng đến tê người!

Trong một tâm thế, hoàn cảnh khác sự "sân si" của NĐD phảng phất như giọt caffe mỗi mai lên bắt đầu nhỏ xuống, bám theo cuộc hành trình chênh chao của mỗi chúng có khi não nùng ai oán hoặc mê li khó tả:

Cái buồn khuấy mãi không tan
Cái ngơ lưu cửu cái tàng lưu dung
Tôi sân si đến tột cùng
Khởi từ vô thủy vô chung khởi về 


Trong đầu bài viết nầy tôi có dùng từ "cái" để hòa nhập cùng thi sĩ, để học tập nhà thơ bởi cách chơi chữ, dùng từ đắc địa của anh từ: cái buồn, cái ngơ, cái tàng ... đến lưu cửu (giữ lại), lưu dung (tái sử dụng). Và cuối cùng là "khởi từ vô thủy vô chung khởi về". Một số điệp từ có nhiệm vụ "lặp đi, lặp lại" nhằm khắc sâu ý đồ tác giả để cho người đọc (người đọc chứ không phải bạn đọc, vì biết đâu có người đọc xong bài nầy lại ... ghét nhà thơ cũng nên, mà ghét thì không thể gọi là bạn được) hằn lên dấu ấn sân si vốn làm người ai chẳng phải trải qua sự thể ấy như một cung bậc hỉ nộ vậy!

Theo dòng chảy thời gian, con người có nhiều lựa chọn để quyết định sinh tồn. Hoặc là vì chiến tranh ác liệt hoặc là vì kinh tế bấp bênh mà trôi dạt đến địa phương khác để làm ăn sinh sống. Họ là những lưu dân, lưu dân có hai nghĩa: lưu lạc (trôi dạt rày đây mai đó) và lưu lại (dừng chân) song với góc độ nào chăng nữa thì cái hay, cái hấp dẫn của NĐD khi đặt tựa đề cho tập thơ thứ ba của mình là "khúc hát" thay vì ai oán, bi thương, đau đáu phận xa quê, ăn nhờ ở đậu ...

Thì ở Khúc Hát Lưu Dân là một bản trường ca có dư vị ngọt ngào, có nỗi niềm chao chát, có mê cung lướt thướt giai nhân nhưng tôi lại rất thích cái "tính sân si" của tập thơ nầy, bởi:

Cạn lòng chẳng ngại khen chê
Sân si tôi hỏi đi về những đâu
Cùng dòng không nỡ đùa nhau
Về ngồi bên suối nghìn sau cũng là ...

Nhà Phật khuyên chúng sinh "mỗi người nên từ bỏ tham sân si, lấy từ bi hỉ xả thương yêu mọi người để mà tiến đến sự tự giải thoát"; nhà thơ trẻ của chúng ta cũng có tâm trạng, một chiều như thế. Anh về ngồi bên dòng suối vắng nghe nỗi đời dạt trôi miên man, nghe niềm đau tao tác xanh xa như chiếc lá cuối mùa thu bồng bềnh phiêu lãng rồi tự nhũ với lòng mình:

Lẫn tôi trong biếc xanh nào 
Lòng như lá nọ rụng vào trôi kia. 

Hay có gì đó nao lòng trắc ẩn chăng, nếu so sánh với trước đây:
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước 
Hãy chọn một dòng hay để nước trôi 
(Tố Hữu).

Ngoài ra Khúc Hát Lưu Dân có chút lặng lẽ dưới mái hiên nỗi nhớ quê nhà trên cánh võng đong đưa của một người xa xứ:
Hiên khuya dỗ giấc quê nhà
Nghe mơ xa nọ giang hà sóng reo

Có chút ồn ã, quẫy búng của sóng tình, của thế thái nhân sinh:
Khi không về biển thất tình
Một này với một bất bình đẩu đâu
Niềm chi thúng mủng đội đầu
Mà đem sóng cả làm cau mặt ghềnh ...

Có chút giận dữ, hờn căm khi tình hình biển đông ngày càng căng thẳng qua bài thơ Những Câu Chữ In Nghiêng như một lời nhắc nhở:
Hào hùng chính khí
Như gươm chém vào đá
Như giáo thích vào người

Rất khí phách và anh hùng như cha ông ngày xưa:
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung 
Không giết được em, người con gái anh hùng! 
(Tố Hữu)

Cuối cùng thì hồi kết của câu chuyện sân si tưởng chừng ghê gớm lắm, nghiệt ngã lắm nhưng nhà thơ lại nhẹ tênh như một kiếp người vốn vậy:
Chẳng qua hỉ nộ ban đầu
Tự mình mua lấy bể dâu buộc mình
Mà thôi!

Chúc mừng nhà thơ đã có một "người con tinh thần" đáng yêu, đáng mến. Chúc anh ngày một:

Mai về phương có kiếp tu
Xin câu kinh gõ mù u gọi người
Đục trong chi cũng tiếng cười
Dấu trong ngấn lệ bập bươi di đà ...

Quảng Nam, ngày 30.8.2014
Bình Địa Mộc


8 nhận xét:

  1. anh Mộc bình thơ hay tuyệt.Chúc mừng tác giả và nhà bình thơ.

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả này có giọng điệu thơ riêng,rât Quảng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, ở mình các bác ấy mần thơ hay lắm anh ơi, có nhìu bài phương ngữ không à nhưng rất hay, so với anh em trong SG có khi trội hơn đấy, Mộc về đây cứ phải tấm tít khen họ hoài à!

      Xóa