Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

TẢN VĂN EM LÀ NHÀ THƠ

(ẢNH MỘC: NGUỒN ALBUM GIA ĐÌNH)

Tự nhiên em nhắn tin bảo tôi. Từ nay anh đừng gọi em là nhà thơ nữa. Tôi trả lời. Thế, anh sẽ gọi em bằng nhà gì?. Em im lặng!

Tôi đã phải mất ngủ nhiều đêm để tìm câu trả lời giúp em, giúp tôi. Tỷ như ở bậc cao hơn thì có nhà nước, nhà quản lí, nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Tầm tầm bậc trung đã có nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn. Còn thấp cổ bé họng có nhà doanh nghiệp, nhà nông, … nhà trẻ!

Vậy nên, tôi tính đi tính lại chỉ có nhà thơ là trung tâm cuộc sống, ôn hòa nhất, thân thiện nhất. Nó hoàn toàn phù hợp với tài năng và tính cách của em. Không gọi em là nhà thơ coi như mất trắng một cơ hội giao lưu, học hỏi. Kể cả cống hiến cho bạn đọc, cho văn đàn cái mà các Hội Văn học Nghệ thuật hiện nay đang làm, đang tìm kiếm để kết nạp từng người đó em!

Nhưng để em yên tâm hơn, tôi xin phép mượn các “nhà” khác để so sánh một tí nhằm giải mã những thắc mắc về nhà thơ (nếu có) nầy nhé. Ví dụ như nhà quân sự thì dương đông kích tây, biết đâu mà lần. Nhà chính trị thì thường xuyên nâng quan điểm, rất dễ sập bẫy mỗi khi cao hứng (mà khoản nầy thường trực ở các nhà thơ). Còn nhà báo thì càng ngày càng cạnh tranh khốc liệt đến mức sống còn giữa báo mạng và báo giấy; giữa báo “lề phải” với báo “lề trái” hay còn gọi là báo “lá cải”. Một bên là hợp lòng đảng nhưng trái ý dân và một bên hợp lòng dân nhưng trái ý đảng. Hình thành hai xu thế báo chí đối kháng cùng tồn tại trong một mục đích tác nghiệp. Đó là đi tìm sự thật và phản ảnh sự thật đó lên mặt báo, đưa thông điệp, chia sẻ, làm cầu nối giữa người viết và người đọc bằng cái “tâm” nghề nghiệp. Quả thật không đơn giản chút nào phải không em!.

Thế nên chỉ có nhà thơ là hiền như phật, lành như miếng đất dưới quê sau mỗi đêm sương đẫm, hoa cỏ tỏa hương dặt dìu khắp ngõ làng cho ta dâng trào cảm xúc. Là dòng sông mỗi chiều êm ả, đưa những con đò định mệnh tất tả ngược xuôi. Là lũy tre làng bốn mùa rợp bóng, là tiếng ve ran thổn thức ngày hè. Chính nơi đây mới đủ lực, đủ sức, đủ ý tứ nuôi sống nhà thơ. Mới có khả năng bung nụ thu gầy, mới nở toang mầm hạ, cháy bỏng chồi đông và ấm áp hương xuân.

Từ những phân tích, so sánh trên tôi nghĩ em sẽ đồng ý nhưng không ngờ em inbox tiếp vào facebook tôi rằng:

- Nếu anh cứ tiếp tục gọi em là nhà thơ thì em sẽ đi … chết!
Trời, sao em dại thế. Danh xưng nhà thơ và quyên sinh là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn. Với nhà thơ, quan trọng nhất vẫn là tác phẩm để lại cho đời khi quyền chức, thân xác không còn nữa trên cõi tạm này. Vậy làm thơ là lao động nghệ thuật chính đáng. Còn chết là một trạng thái tự nhiên chuyển từ hình thức “đang làm thơ” bằng thể xác, sang “đang đọc thơ” bằng linh hồn. Nói cách khác chết là chấm dứt mọi hành vi, hoạt động của một chặng đường làm người. Trong đó có làm … thi sĩ!


Riêng em, nếu như em chết thiệt hoặc giả vờ chết để hù dọa anh thì hàm nghĩa cũng giống nhau. Bấy giờ ai sẽ là người động viên, an ủi bác nông dân suốt đời bán lưng cho đất, bán mặt cho trời với những câu đại loại:

Mai về quê úp mặt chiều 
Nghe lòng đất thở trăm điều băn khoăn
Hở em!


Hay là không có em, ai sẽ làm thơ tiễn những đoàn quân ra sa trường đánh giặc. Ai thắp lữa Hoàng Sa sau mỗi vòm chiều cong cong dấu hỏi:

Ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay ?

Tôi nghĩ ngần ấy thôi cũng đủ minh chứng danh xưng nhà thơ vừa kiêu sa lộng lẫy vừa đơn sơ mộc mạc. Có gì đấy vừa yên hùng kiêu bạc giữa chênh chao cuộc sống, vừa đẵm đà tê tủi trong mọi góc khuất nhân tình thế thái. Nếu em cứ tiếp tục dầm chân trong những chiều mưa buốt tái, hay bòng tay vào những ban mai bàng bạc khói sương thì em đích thị là nhà thơ rồi!

Đặc biệt thơ em hay lắm, nó cứ như cơm ăn áo mặc thường ngày ta chạm. Nó cứ như chiếc xe máy hết xăng đứng lặng bên đường ta đợi. Nó cứ những như kí tự diêu dao trên bàn phím, mà mỗi bận chiều nhẵn nắng ta đi làm về, ngồi xuống, khua tay lạch cạc trải lòng ra với bạn bè ta vậy!

Nếu không gọi em là nhà thơ, hoặc giả em không phải, không xứng đáng là nhà thơ thì quả thật chúng ta thiếu công bằng. Là có lỗi với em, với bạn đọc. Nên anh quyết định gọi em là nhà thơ Bách Mỵ.

Quảng Nam, 5.2015

Bình Địa Mộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét