dutule.com (ngày 21 tháng 9-2015): Không biết có phải vì nhân loại ngày càng có quá ít thời gian dành cho việc đọc sách, nhất là thể loại văn chương hay không? Mà, số nhà văn, nhà thơ dấn thân vào cuộc thử thách với loại truyện cực ngắn, ngày một nhiều thêm.
Tuy không có một định chuẩn rõ ràng, dứt khoát nào, dành cho thể loại truyện cực ngắn. Nhưng người ta mặc nhiên xếp vào thể loại này, những truyện ngắn trung bình có khoảng từ 100 tới 300 chữ.
Chính vì đặc tính ít chữ nên, không phải tác giả nào cũng được ghi nhận là thành công với thể loại truyện này. - - Nếu tự thân những sáng tác đó, không chuyên chở được trong nó, một thông điệp rõ ràng; hoặc không phản ảnh được một khía cạnh sinh hoạt xã hội, tình cảm đặc thù nào...
Trong trường hợp này, những sáng tác mang danh “truyện cực ngắn” chỉ đạt được... "thành công" với số lượng chữ giới hạn; nhưng phần còn lại (nội dung) thường là lảm nhảm, nhạt nhẽo, vô vị. Nói cách khác, thể loại truyện cực ngắn là một thử thách lớn đối với tất cả mọi cây bút, dù cũ hay mới.
Gần đây, tôi có được cảm giá bất ngờ, thích thú, khi đọc 3 mẩu truyện cực ngắn của nhà thơ Bình Địa Mộc.
Cho tới giờ phút ngồi viết những dòng chữ này, tôi không biết một chút gì về nhân thân tác giả Bình Địa Mộc như biết tên thật, nghề nghiệp ông có. Tôi cũng chưa một lần tiếp xúc, liên lạc với ông, dù qua điện thư hay điện thoại... Nhưng với ba truyện cực ngắn mà trang nhà
dutule.com, đăng tải gần đây, trong cột mục “Văn Bằng Hữu” thì, với tôi, đó là ba mẩu truyện cực ngắn và, cũng cực kỳ sâu sắc. Nhức nhối.
Tôi trộm nghĩ với những “thông điệp” hiển lộ trong các truyện có tên
“Về hưu”, “Hai bác cháu”, “Hội viên hội heo giống” của Bình Mộc Địa thì, bất cứ một nhà văn nào nặng lòng đất nước, con người, xã hội... đều có thể khai triển thành truyện dài nhiều trăm trang, với những hiện thực nhói buốt.
Thí dụ, truyện cực ngắn “Về hưu” là hoạt cảnh của một gia đình trong góc khuất xã hội hôm nay:
“Vợ dậy hơi trễ so với mọi ngày song vẫn kịp pha cho chồng một ấm trà thật ngon. Hỏi:
- Sáng nay ông có đi làm thêm trên phường không?
- Không, điên à!
- Vậy chiều nay có đến tham gia hội thơ văn hưu trí của quận mời không?
- Không, khùng hả!
- Còn tối nay?
- Ở nhà … ru bà ngủ!
Vợ lườm chồng một cái rõ dài, đôi mắt rõ đẹp. Nói:
- Thế bây giờ ông định đi đâu, làm gì?
- Làm thinh và đi ... tập thể dục!
Vợ cười. Nụ cười mãn kinh nghe khô ran”.
Thông điệp trong “
Về hưu” của Bình Địa Mộc đã quá rõ. Nếu có điều gì cần phải nói thêm thì, với tôi, đó là “...
Nụ cười mãn kinh nghe khô ran”, một hình ảnh rất thơ, ở phía hân-hoan-buồn-bã, mới.
Nếu điểm nhấn “
Về hưu” là “Vợ cười. Nụ cười mãn kinh nghe khô ran
”, thì tâm bão của truyện cực ngắn thứ hai, tựa đề “
Hai bác cháu” của Bình Địa Mộc lại “tư duy hiện thực” của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay. Tư duy hiện thực đó, như ngọn cờ “đau đáu thực tế” treo cao trên cột cờ lạnh tanh mọi cảm xúc! Nó là đứt lìa tư duy khốc liệt giữa hai thế hệ cũ và mới?
“Bác là kĩ sư nông nghiệp trước khi về hưu giữ chức vụ phó chủ tịch tỉnh phụ trách kinh tế. Cháu tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin chưa xin được việc nên về quê làm vườn.
Bác đến thăm thấy cháu trồng một vườn cây ... lộn ngược ngọn cắm xuống đất, gốc chĩa lên trời rễ cong cớn. Bác góp ý, cháu cãi lại:
- Thưa bác theo qui luật sinh tồn thì giống gì, cây gì mọc ở trên đất cũng phải sống, phải ngoi lên bằng mọi giá. Ngọn cắm xuống đất thì chồi sẽ nứt ra từ nhánh, từ nách lá có khi lại mạnh hơn. Lá trồi lên từ ngọn thì cứ theo ruột mà phát triển ngược lại gốc bấy giờ là ngọn có sao đâu!
- Cháu à, gốc cây cắm xuống đất là để hấp thụ nước, phân, đồng thời giữ độ ẩm cho rễ bám vào đấy mà sống. Còn ngọn hướng lên trời để quang hợp ánh sáng, nắng nóng giúp cây diệt vi khuẩn, hạn chế sâu bọ đục khoét, ăn mòn. Đấy là kinh nghiệm trồng trọt của dân ta hằng trăm năm nay rồi cháu biết chưa?”
- Dạ, cháu biết rồi. Kinh nghiệm càng lâu thì mức độ lạc hậu càng nhiều, lạc hậu càng nhiều thì hệ số tụt hậu càng cao.Tuổi trẻ chúng cháu cần thực tế chứ không cần kinh nghiệm.
Chuyện trồng cây "không giống ai" của cháu dừng tại đây. Bác ở chơi thêm một bữa nữa hôm sau lại về. Vừa mới dắt xe ra khỏi nhà thì lốp bị thủng do đâm phải gai. Cháu thấy vậy nhanh nhẩu:
- Xe hỏng rồi bác đi bộ về đi, non trăm cây số bõ bèn gì so với kinh nghiệm vượt Trường Sơn cả ngàn ki lô mét năm xưa. Cháu sửa xong sẽ mang lên tiện thể … thắp cho bác cây hương luôn!
- Trời, cái thằng nầy láu nhỉ, mầy lại rủa bác chết đường chứ gì. Chả cần đâu, gọi ngay ta-xi đi không khéo bác gái mầy lại bảo “già rồi còn ngu” thì khốn!
Xe chạy ra khỏi làng bỏ lại một vệt khói đen sì trên con hẻm bê tông cứng ngắc. Hình như máy của nó sắp hỏng, đang trong thời kì “uống nhớt thay xăng”. Đây mới chính là kinh nghiệm tích lũy được sau thời gian học sửa xe của cháu, còn việc trồng cây hay “trồng người” theo quan điểm của bác thì phải dựa trên cơ sở khoa học chứ ạ!”
Tôi không biết vô tình hay cố ý, Bình Địa Mộc đã phóng tâm ra xa hơn
ngưỡng cửa gia đình của vợ chồng, bác cháu để bước vào địa hình lớn, rộng, mênh mông hơn. Địa hình cộng đồng mà, tổ chức, hội hè là một biểu tượng tiêu biểu cho tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội.
Qua đoản văn của mình, tác gỉa cho thấy, đó là những “tụ điểm” kiếm chác, hút máu của những con đỉa dù có bị cắt nát, chúng vẫn có thể sống lại, nảy nở thành hàng chục hàng trăm con đỉa hút máu khác.
Hai nhân vật trong “
Hội viên hội heo giống” của Bình Địa Mộc, không có tên. Phải chăng vì, xã hội hôm nay, vốn được điều hành bởi những kẻ bịt mặt? Ông viết, đôi chỗ khá bỗ bã:
“A. Chào cậu, lâu ngày quá mới gặp. Khỏe không?
B. Dạ, em cảm ơn bác, em vẫn bình thường ạ!
A. Thế, lâu nay có đưa con giống đi nhảy, đi phối đâu không?
B. Thưa bác, chẳng dấu gì bác, con đực nhà em nó … liệt mẹ rồi à!
A. Hả, vậy thì làm đơn xin ra khỏi hội đi, ở đấy nhục lắm. Vì nó cũng giống như hội văn học thi sĩ phải biết làm thơ, nhà văn phải viết được truyện ngắn, tiểu thuyết. Hội khoa học, viện hàn lâm các loại … thì tiến sĩ phải có công trình nghiên cứu, đề tài ứng dụng chí ít cũng chế được cái máy cạo lông … bò chứ!
B. Em biết rồi, nhưng trong hội heo giống nhà em toàn thế không ạ, kể cả chủ tịch hội cũng đơ luôn!
A. Thì thế, các cậu phải nhanh chóng từ chức hoặc lặng lẽ rút về vườn đi nhường chỗ cho các thằng khác, chúng nó đang hùng hục nằm chờ ngoài kia kìa. Vả lại, chi phí hoạt động của các hội nầy đều là tiền thuế của dân đóng góp vào. Ở đấy mà đú đởn, coi chừng có ngày họ thịt cả lũ!
B. Dạ, nhưng bọn em chờ đại hội kì nầy, xem có đổi mới, có gì kiếm chác được không hẳn nghỉ.
A. Đừng có nằm mơ, người ta cơ cấu hết rồi, đâu đến lượt cậu. Thôi về làm đơn đi, đưa tớ xác nhận … yếu sinh lí cho rồi nghỉ.
B. Dạ, lần nữa em cảm ơn bác nhưng em … không biết chữ ạ!
A. Trời!”
(BĐM, Quảng Nam, 8.2015)
Du Tử Lê,
(Kỳ tới: “Từ truyện cực ngắn tới thơ như những lát cắt ngôn ngữ đa tầng của Bình Địa Mộc”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét