Một buổi sáng mùa Thu. Trên trục đường Điện Biên Phủ có người khách lết thếch đi về phía trung tâm thành phố. Qua quan sát thấy cách ăn mặc của ông ta cũng khá lịch lãm, ngoại trừ vạt áo sau lưng lòa xòa và chiếc cà - vạt phía trước thõng xuống trễ tràng. Các lỗi nầy đều xuất hiện sau vụ va quẹt xe máy cách đó chừng vài phút. Nhưng rất tiếc ông không thể dừng lại để sửa chữa chỉnh chu được. Bởi, cuộc họp sáng nay quan trọng hơn bản thân ông nhiều vì nó nhắm đến đề tài vĩ mô cấp nhà nước. Đó là “kinh tế trí thức” rất cần thiết cho sự nghiệp “trồng người” của Đảng ta.
Ông đi, nhưng không hề biết có thằng bé đánh giày vội vã chạy theo. Rồi như một tín hiệu của sự “thần giao cách cảm” tự nhiên chợt đến khiến ông dừng lại, hỏi:
- Cậu chạy theo tôi làm gì? Hình như tôi chưa có nhu cầu đánh giày, đọc báo hay mua bán thứ gì đó đại loại.
- Vâng, thưa ông cháu chạy theo ông để xin “một lời cảm ơn”, vì lúc nãy chính cháu là người đã đỡ ông đứng dậy sau vụ quẹt xe tai hại kia.
- Ồ, một lời cảm ơn đáng gì mà cậu phải hạ mình xin xỏ thế. Thôi được, “tôi cảm ơn cậu”. Cậu hãy dừng lại, đừng chạy theo tôi nữa, mệt lắm!
Nói xong người khách tiếp tục cất bước. Thằng bé đánh giày vẫn âm thầm theo ông. Vừa đến ngã tư cũng đúng lúc đèn đỏ bật lên thì cả hai cùng đứng lại. Mà ai chẳng thế, ngoại trừ khách ở quê ra chưa quen luật lệ giao thông đô thị mới thôi!
Ông tỏ vẻ khó chịu:
- Hình như tôi với cậu cùng đồng hành về một hướng. Tại sao chúng ta có thể kết bạn nhỉ?
- Không ạ, thoạt nhìn vậy thôi nhưng chúng ta mỗi người có một con đường riêng. Ông là người có học, còn cháu học ít nên dân gian đánh đồng gọi luôn “đồ vô học”. Vạn bất đắc dĩ chúng ta mới gặp nhau. Cháu theo ông lần nầy là để trả lại chiếc điện thoại của ông bị đánh rơi lúc xảy ra tai nạn.
- Vậy à, tôi xin cảm ơn cậu đã trả lại vật bất li thân nầy. Không có nó chúng ta mất rất nhiều cơ hội làm ăn cũng như không thể kết nối với thế giới bên ngoài. Chưa kể ngồi trong toa - lét có thể theo dõi được chính sự, chính khách ở đâu, làm gì?
Cuộc trao đổi chóng vánh kết thức, hai người tạm thời chia tay. Thời gian miễn cưỡng trôi qua chậm chạp. Ông vẫn theo đuổi hành trình dang dở của mình, hướng thẳng về phía hội nghị “kinh tế trí thức thành phố” diễn ra trong vài phút nữa. Tại đây, ông sẽ trình bày bản tham luận “trí thức vỉa hè”. Trong đó, ông mạnh dạn đề cập đến ngôn ngữ giao tiếp, cách hành xử, thái độ chấp hành luật lệ của một số thành phần như bán hàng rong, chạy xe ôm, phát tờ rơi. Dĩ nhiên có cả “thằng bé đánh giày” này nữa.
Nghĩ thế nên ông quay lại xem xem “đối tượng” của mình ở đâu rồi? Vừa thấy nó, thoáng tò mò, ông hỏi:
- Ủa, cậu chạy theo tôi để đòi tiền công hả?
- Thưa ông, ngược lại là khác. Cháu theo ông để trả lại tiền.
- Tiền gì, tại sao lại trả cho tôi?
- Tiền trong chiếc ví bị văng ra lề đường lúc ông bị ngã xe đấy ạ!
- Hừm, có lẽ đúng như thế. Dầu gì tôi cũng là người mắc nợ cậu. Tôi xin tỏ chút lòng thành, gởi cậu 20.000 đồng để gọi là thưởng công nhé!
- Không ạ, nếu ông có lòng tốt như thế cháu chỉ xin lấy đúng phần công của mình bỏ ra từ sáng đến giờ 40.000 đồng, tương ứng với số tiền đánh 4 đôi giày, chứ không nhận tiền thưởng 20.000 đồng bằng giá trị 1 tô bún thì bõ bèn gì?
- Ồ, tôi xin lỗi cậu – một công dân đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam biết phủ nhận bệnh hình thức. Cậu rất xứng đáng là một “tri thức kinh tế” mới. Xin phép cho tôi được boa thêm cậu 30.000 đồng nữa cho đủ 50.000 đồng, gộp chung là tiền “ngưỡng mộ thần tượng”. Tuy ít nhưng nó vô giá lắm!
Đưa tiền cho thằng bé đánh giày xong, ông ung dung tiến về phía trước, không quên cái gật đầu chào nó với nụ cười thỏa mãn băng qua đôi môi thuốc lá đen sì. Nhưng vừa đi được một đoạn bỗng thằng bé níu áo ông lại. Hơi bực mình, ông quát:
- Tôi nhớ là mình đã trả hết tiền cho cậu rồi, kể cả khoản tiền công, tiền thưởng. Cậu xem xem có ai lịch sự và hào phóng như tôi không? Vậy, há cớ gì cậu bám theo tôi mãi thế. Cậu có biết cuộc họp sắp tới nó quan trọng nhường nào không? Vì trí thức là một loại hình kinh tế siêu lợi nhuận. Không có trí thức chúng ta không thể đủ ăn được chứ chưa nói đến làm giàu.
- Vâng, thưa ông cháu chỉ học mới hết lớp ba trường làng, nhà nghèo nên phải vào đời kiếm sống bằng nghề đánh giày làm sao hiểu được điều ông nói. Lần nầy cháu theo ông là để trả lại cái trí thức ấy cho ông thôi.
- Cậu bị điên à, trí thức là thứ phẳng phiu, trầm trích bên trong con người bao gồm sự hiểu biết thông thái mọi lĩnh vực. Một thằng bé đánh giày như cậu làm sao hiểu được. Vậy nên, trí thức của tôi chỉ có tôi biết, tôi được quyền giữ lấy, cậu làm gì có được nó mà đòi trả lại hả?
- Vâng, ông nói đúng đấy ạ. Trí thức của ông nó nằm trên tấm cạt - vi - dít bị văng ra lúc đụng xe, trên đó có ghi là “ Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thành chuyên viên kinh tế - trưởng ban quản lý dự án kiêm nhà thơ”. Vậy, ông không phải là thành phần trí thức xã hội chẳng lẽ lại là phường lưu manh?
Nghe thế, ông khách sững người, giở cặp mắt kính dày trục ra nhìn chằm chặp vào thằng bé đánh giày lem luốc, tay giật tấm danh thiếp nhàu bấn, lầm bầm:
- Thôi được, trí thức hay lưu manh hoặc lưu manh giả danh trí thức cũng thế, đều là con người cả. Đưa đây cho ông rồi cút xéo đi cho ông nhờ. Rách việc!
Nói xong, ông hầm hầm quay gót đi một hơi không thèm ngó lại song trong đầu vẫn thầm nghĩ cái “hạn” cuối cùng của mình sáng nay đã hết. Chắc chắn thằng bé sẽ chẳng chạy theo mình nữa. Ông nhìn đồng hồ còn đúng 5 phút nữa mới bắt đầu hội nghị, nên khoan khoái dừng lại, vuốt tóc, siết cà - vạt. Trong lúc đang loay hoay làm đẹp thì thằng bé đánh giày lao đến như một bóng ma ám ảnh. Ông giật mình lùi lại rồi bỗng dưng quỳ xuống chắp hai tay trước ngực:
- Tôi lạy cậu, xin cậu hãy tha cho tôi, để yên cho tôi được đến hội nghị báo cáo nốt cái tham luận nầy trước khi về hưu. Hơn ba mươi năm làm một nhân tố trí thức thành phố nầy tôi chưa hề cầu xin ai bất cứ điều gì. Mong cậu thông cảm đừng đuổi theo tôi nữa!
- Vâng, thưa ông nhân đây cháu cũng xin phép được gặp ông một lần cuối cùng nầy nữa thôi, rồi đường ai nấy đi. Một thằng bé đánh giày lam lủ như cháu quả thật được diện kiến một bậc trí thức thành phố thanh cao như ông, là một niềm vinh dự lớn lao. Đời nầy, kiếp nầy cháu không dám quên đâu ạ!
- Vậy hả, cậu có nguyện vọng gì thì cứ nói mau để tôi còn kịp đi họp nữa.
- Dạ, cháu xin trả lại ông cái thẻ.
- Trời, nó không phải của tôi. Cậu nhặt nhầm của ai rồi đấy, đem trả lại cho họ đi. Tôi không phải là Đảng viên!
Phân bua xong ông đứng phắt dậy, xô thằng bé ngả sấp xuống mặt đường rồi co giò chạy thục mạng về hướng hội nghị kinh tế thành phố sắp diễn ra, bỏ mặc nó ráng gân cổ la lên:
-Ui, ông trí thức ơi, đây là cái thẻ gửi xe của ông chứ không phải là cái thẻ đảng viên như ông tưởng. Ông bị nhầm rồi, hãy quay lại lấy nó đi kẻo mất xe đó!
Đứng một chặp, kêu la một hồi cảm thấy không có hi vọng gì, thằng bé đánh giày lủi thủi quay lại bãi giữ xe. Nơi có hàng trăm chiếc xe chính chủ trừ một chiếc của ông trí thức kia chẳng biết thuộc về ai. Thằng bé đánh giày vừa đi, vừa cười. Bất giác nó dừng lại, ngó nghiêng, buộc miệng:
- Chẳng lẽ chiếc xe nầy thuộc về thằng lưu manh. Đúng là rách việc thật ông tiến sĩ nhỉ!
Sài Gòn, 4.2018
Bình Địa Mộc
cậu bé mới là trí thức
Trả lờiXóa