Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Tiền - Hàng - Tiền


Có 15 "đại gia" tiền mặt trên sàn chứng khoán "ôm" hơn 300.000 tỷ: 

Hòa Phát mất ngôi đầu, 

Thế giới Di động tăng tốc

 07/05/2023

Tại thời điểm 31/3, tổng lượng tiền của 15 doanh nghiệp nắm giữ lớn nhất sàn lên đến 323.000 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD).

Mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 khép lại đã hé lộ bức tranh tài chính của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Các “đại gia” nắm giữ nhiều tiền mặt nhất (không bao gồm nhóm tài chính) cũng đã lộ diện với những xáo trộn trong top đầu.

Thống kê cho thấy, tại thời điểm 31/3/2023, có ít nhất 15 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền, và tương đương tiền, vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của 15 doanh nghiệp này lên đến xấp xỉ 323.000 tỷ đồng ( tương đương 14 tỷ USD ),  giảm nhẹ 1.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Những doanh nghiệp nắm giữ hơn 1 tỷ USD tiền mặt, và tiền gửi ngắn hạn, tại thời điểm cuối quý 1/2023 là 

CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), 

Tổng công ty khí Việt Nam (GAS), 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV), 

Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Trong số đó, vị trí “ngôi vương” đại gia tiền mặt đã đổi chủ 

với sự vươn lên ấn tượng của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã: GAS) . 

PVGas hiện đang nắm giữ 36.879 tỷ đồng, tăng hơn 2.600 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Với lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng cao kỷ lục, chỉ trong 3 tháng đầu năm GAS thu về gần 480 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay gấp đôi so với cùng kỳ

Xếp theo sau “Á quân” tiền mặt trên sàn chứng khoán gọi tên “đại gia” quen mặt là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với lượng tiền nắm giữ gần 35.300 cuối tháng 3/2023.

Con số này tăng nhẹ 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. 

Nếu so sánh với cùng thời điểm trong năm trước, lượng tiền mà ông lớn ngành thép này nắm giữ đã giảm tới 11.000 tỷ đồng

Về kết quả kinh doanh, 

Hòa Phát cũng đã có lãi trở lại trong quý 1/2023, sau 2 quý lỗ nặng liên tiếp. 

Quý đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. 

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, giảm đến hơn 95% so với cùng kỳ nhưng đã khả quan hơn nhiều so với mức lỗ lên đến hàng nghìn tỷ trong 2 quý trước đó.

Trở lại với bảng xếp hạng, 2 doanh nghiệp nắm giữ trên 1 tỷ USD còn lại là 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) với hơn 31.100 tỷ đồng (giảm 1.850 tỷ đồng) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) nắm giữ 28.564 tỷ đồng lượng tiền (tăng mạnh 3.539 tỷ đồng so với đầu năm). Đáng chú ý,  doanh nghiệp gia tăng mạnh nhất lượng tiền mặt trong năm quý đầu năm là Thế giới Di Động (MWG) . 

Cuối quý 1, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của MWG lên tới 19.809 tỷ đồng,  trong khi cuối năm 2022 chỉ hơn 14.196 tỷ đồng, tương đương tăng trên 5.600 tỷ. 

Lượng tiền tăng mạnh nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương hơn 4.000 tỷ đồng trong quý 1, cùng kỳ năm trước âm gần 3.400 tỷ đồng.

Mặt khác, lợi nhuận sau thuế của MWG lại sụt giảm tới hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái, còn vỏn vẹn 21 tỷ đồng. 

Mức sụt giảm lợi nhuận quý 1 của MWG cơ bản do các yếu tố: Doanh thu giảm 26%, biên lợi nhuận gộp giảm 3%, chi phí tài chính tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác cũng có lượng tiền gửi tăng mạnh gần 3.500 tỷ đồng là 

Masan Group (MSN) . 

Cuối quý 1, tập đoàn nắm giữ 17.678 tỷ đồng.

Trong báo cáo thường niên, Masan khẳng định, là một tập đoàn kinh doanh tập trung vào hàng tiêu dùng thiết yếu, Masan tạo ra dòng tiền ổn định và là một trong số ít các doanh nghiệp quy mô lớn, nhận được sự tin tưởng của các tổ chức tài chính. 

Tập đoàn này đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để thanh toán các trái phiếu bằng VND đến kỳ đáo hạn trong năm 2023 – năm mà thị trường vốn tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu, dự kiến sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Ở chiều ngược lại, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Vingroup (VIC) giảm mạnh 8.500 tỷ đồng, chỉ sau quý đầu năm, ghi nhận 22.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2023, trong khi cuối năm 2022, con số này lên tới gần 30.600 tỷ đồng. 

Đối với Vingroup, tiền mặt và tiền gửi giảm mạnh, chủ yếu do dòng tiền kinh doanh thuần, và dòng tiền đầu tư trong kỳ âm với giá trị lớn.

Một số doanh nghiệp khác có lượng tiền mặt lớn là Sabeco (20.362 tỷ), Petrolimex (19.000 tỷ), Vinamilk (18.800 tỷ), Viettel Global (17.637 tỷ), Tập đoàn Cao su (GVR - 14.589 tỷ), VEAM (15.000 tỷ).

Đối với những doanh nghiệp lớn, việc nắm trong tay hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ tiền mặt, không phải là chuyện hiếm.

Các doanh nghiệp luôn phải duy trì lượng tiền mặt nhất định để phục vụ sản xuất, cũng như đảm bảo tính thanh khoản, giảm rủi ro tài chính và chủ động trong các cơ hội đầu tư.

Với khoản tiền gửi hàng chục nghìn tỷ, các "đại gia" thu về hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ lãi tiền gửi trong cả năm. 

Số tiền này phần nào bù đắp các khoản chi phí lãi vay lớn từ những khoản nợ vay mà các doanh nghiệp phải gánh vác. 

Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp nắm nhiều tiền mặt cũng đều đang vay nợ hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng.


Sài Gòn, 7.5.2023

Bình Địa Mộc

(Sưu tầm)




2 nhận xét: