Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

NGÓ THU - MỘT BÀI THƠ HAY.

(anh Robetr Nguyễn và Mai Trinh - bạn netlog của Mộc)

CẢM NHẬN BÀI THƠ ngó thu CỦA TÁC GIẢ 
hoa nguyên TRONG TẬP THU TRONG KỈ NIỆM

Trong mảnh vườn be bé xinh xinh của thi ca, có lẽ ngại ngùng nhất vẫn là chọn những động từ như ngắm, nhìn, xem … để gieo vần, cấy chữ bởi không những nó thô ráp, đơ cứng mà tỏ ra “soi mói” nữa, cho nên thông thường người ta thay vào đó những tính từ nhẹ nhàng uyển động hơn như thấp thoáng, lơ mơ, chập chồi ít nhiều cũng ẩn chứa sự vật hiện tượng quanh ta. Thử đọc lại một bài thơ không đề của Nguyễn Bính:

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm …

Đấy, bạn thấy chưa, nếu như “nhìn” thì thi sĩ cũng phải thêm vào “tò vò” (thực ra từ tò vò ở đây không có nghĩa, ngoại trừ chỉ về một loài sâu bọ hình tựa con ong, lưng nhỏ, hay làm tổ bằng đất bâu trên phên, hay sườn nhà) để câu thơ dặt dìu khoan nhặt, bớt đi sự đẵm đà nước mắt luôn thường trực trong thơ Nguyễn Bính, à không, thường thực trong những cuộc chia li “có lần tôi thấy một người đi / chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì / chân bước hững hờ theo bóng lẻ / một mình làm cả cuộc phân ly”. Tiếp theo ta lại thấy, cuộc chia tay diễn ra trên một bãi biển, có chiếc thuyền với cánh buồm nâu nền nã, người tiễn đứng trên bờ nhìn theo người đi trên con thuyền rời bến. Người ấy nhìn mãi, nhìn mãi cho đến khi “cánh buồm nâu”, cánh buồm nâu khuất dần, cuối cùng chỉ còn lại một chấm nhỏ xíu: cánh buồm. Và, “cánh buồm” ấy cũng mất hút trong bầu trời xanh thẳm của biển cả bao la ngút ngàn sóng vỗ.

Sở dĩ tôi nói hơi dài một tí về sự chia ly nầy, bởi nó có bố cục hẳn hoi, có con người cụ thể, người ở lại tiễn người ra đi “anh đi đấy”, có không gian “hôm nay dưới bến đò xuôi”. Có con thuyền rời bến, mang theo “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”. Còn ở đây, trong tập thơ THU TRONG KỈ NIỆM do trang facebook VNTN tuyển chọn qua cuộc thi thơ ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học, có bài thơ của một tác giả không đạt giải đó là bạn HOA NGUYÊN ở Ninh Thuận với bài NGÓ THU là một trong khoản 100 hay bài thơ nói về mùa thu ắp đầy kỉ niệm của hơn 30 tác giả “đạt giải và không đạt giải”. Tôi cố ý nhắc lại cụm từ nầy bởi thơ có miền du lãng của thơ, có đấy và mất đi trong vô thường nhân thế, còn treo giải, trao giải chỉ là ghi nhận tức thời mà qua thời gian những bài thơ hầu như không biết tác giả là ai, xuất xứ từ đâu lại “đóng đinh” trong lòng người đọc kể cả trên thế giới như “nếu em còn nhớ xin cứ nhớ / bằng nếu quên rồi, quên cứ quên” hay câu “giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” không đạt giải nhưng bạn đọc rất mến mộ, yêu quý còn những bài thơ đạt giải có khi lại chìm vào quên lãng như "người điên không biết nhớ / người say quên lối về" vậy!

Trở lại bài thơ Ngó Thu của Hoa Nguyên ta thấy một không gian rộng, mơ màng hư thực, một mùa thu bắt đầu sau những ngày hè oi ả, “vừa như, dứt đợt nắng hè” dứt khoát lắm, ngổn ngang lắm nhưng phải đợi đến “giữa thu, gió thả lá về vàng sân”. Thu mới thật sự về rồi, đến vàng sân lá đắp, đến vang vọng thinh không để “vọng ngân tuổi nào” mà đã mới “vừa như …”. Tôi thưa, đấy là “tuổi yêu”, à không, tuổi từng trải, chiêm nghiệm, va đập nên chi tác giả mới vừa “... của tươi trẻ, thuở hồng đào” đã quắt quay sang “xôn xao kiếp người”. Ta hãy đọc lại 2 khổ thơ nầy nhé:

Vừa như dứt đợt nắng hè
Giữa thu gió thả lá về vàng sân 
Làn hơi ve vãn tần ngần
Phả thinh không vọng thanh ngân tuổi nào

Của tươi trẻ thuở hồng đào
Ngó thu ngây dại xôn xao kiếp người
Tàn thu héo hắt nụ cười
Dát vàng nắng trải đất trời khoan dung

Bài thơ nầy Hoa Nguyên ngắt chữ, thả câu mà ta hay gọi “lục bát phá cách, phá thể” nhưng theo tôi đã là thơ lục bát thì phải câu 6 câu 8, phải gieo vần bằng trắc cho đúng mới hay, mới thích, mới thơ. Dù không muốn nhưng tôi phải nói ý nầy bởi bài thơ đi “quá nhanh” mới “của tươi trẻ, thuở hồng đào” lại đến “tàn thu héo hắt nụ cười, dát vàng nắng trải đất trời khoan dung”. Chao ôi, thời gian không chờ đợi một ai, cứ lao đi như gió quất, bão băng bởi “ngó thu ngây dại”. Thật sững sờ, hốt hoảng khi ta chạm mặt với thu, đối diện với thu mà tác giả đã dùng ngay động từ “ngó” như tôi đã trình bày là cũng là tựa đề bài thơ, là một sự lựa chọn đầy bản lĩnh và thông minh.

Thơ là tiếng lòng mà theo định nghĩa sơ lược thì “Thơ là một hình thức nghệ thuật dùng từ, dùng chữ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới một hình thức lôgíc nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe. Từ thơ thường được đi kèm với từ câu để chỉ một câu thơ, hay với từ bài để chỉ một bài thơ. Qua đó, nỗi lòng của tác giả có sự hối tiếc muộn mằn, có sự quay lại của thời gian chăng. Thử đọc thêm một khổ thơ nữa để thấy điều đó:

Giao hoà bạn vật tơ rung
Ngó thu thấu hiểu tột cùng đó thôi
Giữa thu ẩm ướt se môi
Kéo đông ùa ấp sắc bồi hồi bay

Thật vậy, chỉ mới “ngó thu” không thôi mà tác giả đã kéo người đọc quay về một mùa “… đông ùa ắp sắc bồi hồi bay”, khẳng định với người đọc rằng “ngó thu, thấu hiểu tột cùng đích thôi”, bởi thu về vạn vật bắt đầu giao thoa với nhau, người với người yêu thương nhau hơn, tất cả như bản tình ca lãng mạn, như phiếm đàn tơ rung, thánh thót đưa chúng ta vào miền lạc quan cuộc sống, hơi khác với nỗi buồn man mác của những mùa thu trước vốn “rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang / tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng / đây muà thu tới, mùa thu tới / với áo mơ phai dệt lá vàng / hơn một loài hoa đã rụng cành / trong vườn sắc đỏ rũ màu xanh / những luồng run rẩy rung...” thể hiện tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh của tác giả vậy!

Xuyên suốt bài thơ là một sự quan sát tinh tế và chi tiết của tác giả, đúng tinh thần chủ đề “ngó thu” từ ngày hè thắt thỏm sang đêm đông bồi hồi bay bập đến mùa thu ấm ấp, dịu dàng bởi những đợt gió heo may về lả tả lá vàng rơi. 

Nằm nơi tột đỉnh thu say
Uống tràn ấm áp heo may mùa vàng
Không trung lả tả cánh ngàn
Ngó thu dạo ấy huy hoàng ngút nghi

Còn về con người, kiếp nhân sinh thì “ngó thu” chạm đến ngày huy hoàng thoáng qua, vụt mất những cuộc chia ly chập chùng, bủa bắt như muốn khơi lại một kỉ niệm úa vàng “của tươi trẻ thuở hồng đào” mà chỉ đến khi “tột đỉnh” nỗi buồn, cạn cùng niềm đau ta mới nhận ra, mới bắt lấy thì đã già nua tuổi tác “đời bao nhiêu buổi thu đi / người bao nhiêu chặng từ ly chập chùng”.

Đến đây, xin phép tác giả và bạn đọc cho tôi nói thêm về kỉ thuật thơ một tí nữa, tất nhiên là “múa rìu qua mắt thợ” rồi, nhưng vì tựa đề bài thơ có chút liên quan đến vần trắc vốn ít nhiều gây sự chú ý người đọc, tỉ như những bài viết về hiện tượng (đâm, chém giết, chết …) tiêu cực thì lượng độc giả nhiều hơn bài viết về chủ đề tích cực (nhặt của rơi trả lại người mất, làm giàu từ nghề chăn nuôi lợn thịt …) v.v... Đó là, trong một bài thơ thể loại 6 chữ hoặc nhiều chữ - thường gọi là thơ tự do chẳng hạn, chữ cuối câu đầu tiên ta gieo vẫn trắc thì sẽ nâng câu thơ vút lên, lập tức gây hứng thú, tò mò cho người đọc nhưng ở các câu / khổ tiếp theo sẽ hỏng, ta không thể gieo vần bình thường như bằng – trắc – trắc – bằng / trên một khổ nữa vốn rất có duyên với hầu hết các thể loại thơ khác.

Nhưng ở đây, Hoa Nguyên đã chọn ngay vần trắc để đặt tựa đề cho bài thơ NGÓ THU mục đích không phải lôi kéo độc giả về với mình nhưng đó là nói tấm lòng của tác giả đối với thơ. Tại sao lại “ngó” mà không nhìn, chẳng xem, nỏ muốn … nhích lại gần hơn như Xuân Diệu đã từng:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, 
Anh, anh ơi, tình non đã già rồi; 
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi, 
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi. 

Mà chị cứ lặng lẽ dừng lại một nơi xa, rất xa để “ngó” thôi, nơi ấy có thể là hè “vừa như dứt đợt nắng hè” chỉ mới vừa đấy thôi, hay “kéo đông ùa ập sắc bồi hồi bay”, cũng vừa mới đây thôi, kéo về làm chi nữa, “sắc bay …”. Đến khổ thơ thứ 4 thì tác giả cũng mới “ngó thu dạo ấy” thôi chứ chưa khẳng định gì, cho đến khi miền kí ức “huy hoàng” của tác giả hiễn hiện lên thì chao ôi tất cả đã tan thành mây khói “ngút nghi”.

Hay, chậm, đều, chắc đó là cảm nhận của tôi về bài thơ Ngó Thu của Hoa Nguyên, đã từng bước nâng dần cung bậc các khổ thơ bay lên, cao lớn lạ thường, có chút niềm đau về thế thái nhân tình, có sự nuối tiếc về mối tình một thời “uống tràn ấm áp”. Hoa Nguyên đã dừng lại mùa thu khi đã “no nê” lá vàng, đã “ẩm ướt se môi”, đã “ve vãn tần ngần”. Chị dừng lại ngay nơi bắt đầu ra đi như những “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm” cùng những dấu hỏi bõ ngõ làm ray rức người đọc bằng khổ thơ 4 câu được “cách tân” sau đây:

Đời bao nhiêu buổi 
thu đi ?
Người bao nhiêu chặng
từ ly
chập chùng ?!

Xin cảm ơn BTC Việt Nam Thi Nhân đã tập hợp những bài thơ hay về mùa thu, sắc thu, màu thu úa vàng, lãng đãng trong mảnh vườn be bé xinh xinh của thi ca mạng, đã cho tôi một cơ hội được “ngó” mùa thu nên thơ của tác giả Hoa Nguyên mà soi lại mình đang ở đâu, làm gì trong góc vườn thơ mộng mị ấy.

Trân trọng cảm ơn!

Sài Gòn, 01.01.2014
Bình Địa Mộc

(anh Hoàng Xuân và Hoa Hồng - bạn thi đàn Bình Dương của Mộc)




4 nhận xét:

  1. Em đồng cảm với cảm nhận về bài thơ hay của anh.

    Chúc anh năm mới thật an khang thịnh vượng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cảm ơn bạn đã ghé thăm và đồng cảm với Mộc về bài thơ Ngó Thu của Hoa Nguyên, chúc bạn đón xuân vui vẻ và hạnh phúc, mão đáo thành cong nha!

      Xóa
  2. Giáo qua chỉ để chúc Mộc năm mới mọi sự buồn trôi qua, mọi sự vui sẽ đến dồn dập, tay mộc lập bập mà hỏng kịp níu... hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ui, thế mà Mộc cứ ngỡ Giáo qua đây mời Mộc đi ăn tất niên, hố roài ... thôi nhân tiện đay Mộc cũng xin phép được chúc Giáo mão đáo thành tâm, í lộn, thành công, nói thiệt nghe, hầu như cả năm nay Mộc hơi bị lơ là blog, nỏ đi đâu hết bởi cái fb nó hút hòn Mộc nên hầu như time đầu tư hết vào đó còn có chút xíu cho blog, netlog thôi Giáo thông cảm nha, bù lại Mộc thường xuyên đăng bài mới, hihihi!

      Xóa