Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

THẤY GÌ QUA VỤ BIỂU TÌNH THÁI QUÁ Ở BÌNH DƯƠNG

(ảnh minh hoạ)

Theo dự kiến của Quốc hội đến cuối năm 2015 sẽ thông qua Luật biểu tình. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với đồng bào, cử tri cả nước kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Đồng thời một lần nữa khẳng định tính dân chủ, tinh thần tôn trọng ý kiến cử tri của Quốc hội rất đáng hoan nghênh và trân trọng.

Tuy nhiên từ nay đến đó thời gian cũng còn nhiều, hơn một năm nữa mới có kết quả trong lúc tình hình biển đông ngày càng phứt tạp. Tình hình kinh tế - chính trị - xã hội tuy có cải thiện đáng kể song nguy cơ và thách thức vẫn còn tiềm ẩn. Chúng ta không được chủ quan, lơ là như các cuộc biểu tình thái quá dẫn đến manh động, đập phá, cướp giật tài sản doanh nghiệp ở các khu công nghiệp vừa qua là một ví dụ.

1.- Phải xem tình hình Biển Đông là "địch hoạ" như "thiên tai " hằng năm mới được.

Việc đấu tranh chống giặc ngoại xâm nói chung, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong khu vực biển đảo của ta nói riêng là cần thiết, đúng đắn. Cho nên nếu xét về mức độ nguy hại của việc xâm lấn lãnh thổ trên của Trung Quốc có thể gọi là "địch hoạ" ngang bằng với "thiên tai" như lũ lụt, bão táp, cháy rừng, động đất ...

Thực tế trong nhiều năm qua, nước ta luôn phải gánh chịu hậu quả của những trận bão, lụt kinh hoàng gây thiệt hại người và của đáng kể. Và, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, mỗi lần "thiên tai" như thế Thủ tướng Chính phủ đều có công văn chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, thông báo rõ ràng trên ti vi. Theo đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rất quan trọng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra. 

Riêng "địch hoạ" ở Biển Đông lần nầy chưa thấy nói gì, hoặc nói trong phạm vi nhất định, đến khi công nhân thực sự xuống đường biểu tình theo kiểu tự phát, manh động, táo bạo đập phá, cướp giật tài sản doanh nghiệp, làm náo động cả xã hội thì Đảng ta mới giật mình ra tay can thiệp, chỉ đạo, bắt giam khi việc đã rồi. 

2.- Xây dựng đội ngũ công nhân ở các khu công nghiệp là lực lượng "dân phòng thứ 2" mới đúng.

Thông qua sự việc trên ta thấy lực lượng công nhân vốn được xem là cánh tay đắc lực, là đội dự bị của Đảng quả không sai. Ở họ có sức mạnh tập thể, tổng thể cần được phát huy đúng thời cơ, thời điểm nếu không sức mạnh nầy sẽ lan toả sai mục đích, mất phương hướng mà ta thường gọi là "trật đường ray" thì hậu quả khôn lường.

Vậy ai, tổ chức, đơn vị nào nắm bắt thế mạnh của nguồn lực, sức mạnh gần như vô biên nầy. Xin thưa, đó là các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ, chính quyền địa phương. Nhưng thực tế hiện nay lực lượng công nhân ở các khu công nghiệp là quá đông, "quả tải" cho các đoàn thể có trách nhiệm quản lý nói trên. Phần lớn phó thác cho các doanh nghiệp tự giáo dục tư tưởng chính trị được chừng nào hay chừng ấy. Còn thời gian sinh hoạt ăn, ở, đi lại vui chơi thì thuộc về các chủ nhà trọ, họ biết được cái gì thì cấp báo cái đó, còn chính quyền sở tại tham gia nhắc nhở tiếng được tiếng mất mà thôi. 

Vậy, tại sao chúng ta không xây dựng họ là lực lượng "dân phòng thứ 2" sau lực lượng bảo vệ. 

3.- Cần lắm một chức danh "chính trị viên" trong các Ban quản lí khu công nghiệp

Đối với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nước ngoài nói riêng đang làm ăn ở nước ta họ ít quan tâm đến chính trị, quân sự vì thế khi có sự cố xảy ra họ rơi vào trạng thái lúng túng, hành xử chủ quan cảm tính, theo kiểu "bỏ của chạy lấy người". Cụ thể là trong đợt biểu tình thái quá vừa qua họ đã tháo chạy, bỏ lại công nhân và doanh nghiệp của mình. Nên chăng, mỗi Ban quản lí khu công nghiệp có một nhân sự/một bộ phận chuyên môn về công tác tư tưởng chính trị, nhận nhiệm vụ trực tiếp của chính quyền sở tại để luôn luôn nắm bắt tình hình nhằm kịp thời giải quyết vấn đề. 

4.- Chính quyền địa phương nên bố trí lực lượng bảo vệ / công an chuyên trách tại các khu công nghiệp.

Một khi sự cố xảy ra thì các thành phần phản động, côn đồ, trộm cướp kể cả các chủ doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản sẽ lợi dụng tình hình để kích động, lôi kéo, đục nước béo cò ... tung hoả mù, hoặc giật dây, hoặc trực tiếp tham gia manh động số lượng nầy tỷ lệ thuận với số lượng tham gia biểu tình. Nên chăng, bên cạnh khu công nghiệp có đồn bảo vệ, chốt dân phòng để kịp thời báo nguy.

5.- Biến doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc thành lực "lượng yêu nước thứ 2".

Hiện nay có nhiều doanh nghiệp người Trung Quốc tham gia lao động. Nếu xét về bản chất chiến tranh thì họ là kẻ thù của ta bởi vì họ mang dòng máu Trung Quốc, ta không thể gọi họ là bạn được. Tuy nhiên xét về góc độ nhân văn, đạo đức làm người thì ta nên bắt tay với lực lượng nầy, biến khó khăn thành thuận lợi. Ta nhất định bảo vệ doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc như chính chúng ta vậy thì nhất định họ sẽ trở thành lực lượng "yêu nước thứ hai" chống lại Trung Quốc thông qua gia đình, bà con họ ngay chính quê hương họ. Tại sao không ?

Trên đây là một số nhận định chủ quan của tôi, xin chia sẻ cùng bạn đọc

Trân trọng cảm ơn!

Sài Gòn, 5.2014
Bình Địa Mộc


2 nhận xét:

  1. Gọi "chính trị viên"nghe có vẻ cộng sản hóa quá nhưng chức năng tư vấn ,giải quyết mâu thuẫn ,xung đột ở từng công ty ,ban chế xuất là cần thiết .Hiện ta giao việc này cho công đoàn nhưng họ lại bị lệ thuộc vào giới chủ ,cần phải tổ chức chuyên trách như thế nào là việc nên nghiên cứu sớm như Mộc đề xuất !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cảm ơn anh Phương đã ghé thăm và chia sẻ cùng Mộc nỗi trăn trở không phải là không có lí nầy, đúng không anh, anh vui!

      Xóa