(Sài Gòn - trước 1975)
Trong những trùm du đãng Sài Gòn trước năm 1975 có một cái tên bị giới giang hồ thời đó rất coi khinh, do y dựa vào lính dù Sài Gòn để khuếch trương thanh thế, tranh giành lãnh địa. Tên du đãng đó có tên là Sơn “đảo”. Sau bao lần “vào sinh ra tử”, cuối cùng Sơn “đảo” lại chết vì “lỗ chân trâu” - bị một du đãng đàn em trả thù vì tranh giành gái.
Nhờ… đi đày Côn Đảo
Sơn "đảo" tên thật là Vũ Đình Khánh, sinh năm 1944 tại Hà Nội, năm 1955 cùng gia đình di cư vào vùng Hố Nai, Biên Hòa, rồi về quận Tân Bình, Sài Gòn. Khánh sớm bỏ học, đi bụi, rồi trở thành du đãng nhóc. Với chút vốn liếng chữ nghĩa, cộng với máu giang hồ có sẵn trong người, Khánh sớm trở thành thủ lĩnh của đám trẻ bụi đời ở quận Tân Bình, trở thành nỗi ám ảnh của người dân lương thiện nơi đây. Thực hiện chủ trương "vãn hồi trật tự" ở Sài Gòn của tướng Nguyễn Cao Kỳ, chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan lập ra đội quân đặc nhiềm bài trừ du đãng. Vũ Đình Khánh bị bắt trong một lần cướp giật, lãnh án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo năm 1966 cùng hàng trăm du đãng cộm cán khác.
Tại nhà tù Côn Đảo, Vũ Đình Khánh đã gặp và "thọ giáo" một tướng cướp - nhà văn lừng danh tên là Sơn Vương, người vào năm 1934 bị thực dân Pháp xử… 79 năm tù (khi gặp Vũ Đình Khánh vẫn còn thụ án). Khánh đổi tên thành Sơn "đảo" - chữ Sơn theo tên của ông thầy Sơn Vương, gắn thêm "đảo" để nhớ về cuộc gặp gỡ ở Côn Đảo.
Sơn "đảo" được thả về đất liền vào năm 1971. Năm 1966, Vũ Đình Khánh chưa được biết nhiều trong giới giang hồ Sài Gòn, nhưng sau 5 năm ở tù Côn Đảo trở về với cái tên mới Sơn "đảo", tay du đãng này trở nên có "số má". Thời đó, tên du đãng nào chưa trải qua các nhà tù, không được giới giang hồ coi trọng. Với bản án 5 năm lưu đày Côn Đảo, khi trở về Sài Gòn, Sơn "đảo" nghiễm nhiên trở thành "đàn anh", được các băng đảng khác kiêng nể. Sơn "đảo" hùng cứ một phương ở khu vực quận Tân Bình. Ban đầu Sơn "đảo" đứng ra bảo kê cho các sòng bạc. Ai chịu đóng "bảo kê" cho Sơn thì được làm ăn yên ổn, ai không chịu đóng thì trước sau cũng bị cảnh sát Tân Bình hốt gọn. Tiến thêm một bước, Sơn "đảo" mua lại một sòng bạc đang có nguy cơ phá sản, rồi bằng mối quan hệ "ngầm" của mình mà lôi kéo các con bạc về, nhanh chóng đưa sòng bạc phát triển với quy mô ngày càng lớn.
Du đãng quý tộc
Sơn "đảo" rất thích thể dục thể hình, y trang bị cho mình cả một phòng tập thể hình thuộc loại hiện đại nhất Sài Gòn thời ấy. Nhờ chịu khó luyện tập, Sơn "đảo" có một cơ thể thật đẹp, ngực nở phồng, hai cánh tay đồ sộ không thể khép sát vào nách. Với một chút năng khiếu văn chương, lại là một lực sĩ có thân hình rất đẹp, Sơn "đảo" được xem là du đãng "quý tộc". Cũng chính vì được xem là du đãng quý tộc mà Sơn "đảo" giao du, kết thân với giới quân đội Sài Gòn, dựa vào họ mà nâng cao thanh thế. Đó là điều mà thế giới giang hồ Sài Gòn không thể chấp nhận, vì vậy Sơn "đảo" đã đứng đối lập với thế giới ngầm Sài Gòn.
Người ta thấy Sơn "đảo" thường xuyên sử dụng xe phân khối lớn đi kè kè với tay trung tá Đường - sư đoàn trưởng sư đoàn dù và người em vợ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thường được gọi là "cậu Mười". Cậu Mười xây dựng một tòa nhà 5 tầng trên đường Trương Minh Ký để cho các đại ca giang hồ thuê mở sòng bạc, vũ trường, trong đó có Sơn "đảo". Vừa được sự đỡ đầu của cậu Mười, vừa chơi thân với sư đoàn trưởng sư đoàn dù, thanh thế của Sơn "đảo" càng vững.
Thời ấy hầu hết các vũ trường đều có màn múa "thoát y" để thu hút khách. Vũ trường Barcarat thuộc loại nổi tiếng nhất nhờ màn vũ thoát y độc đáo. Một cô gái với thân mình bốc lửa từ từ bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay hoan hô của khách. Cô gái nhảy múa cuồng loạn theo điệu nhạc, rồi lần lượt từng mảnh xiêm y trên mình rơi dần ra, cuối cùng chỉ còn độc một chiếc quần lót thật "tiết kiệm vải" (gọi là "lá nho"). Đó là lúc chủ vũ trường "khuyến mãi" cho khách bằng trò "bốc thăm trúng thưởng". Người "may mắn" trúng thưởng được lên sân khấu để cùng nhảy với cô gái. Sau đó, nếu người ấy dùng răng gỡ được chiếc quần lót của cô vũ nữ thì cô gái sẽ thuộc về người ấy cho tới sáng. Vũ trường Barcarat có cô vũ nữ tên Trang với thân hình bốc lửa, bước nhảy điêu luyện, đôi mắt như hớp hồn khách làng chơi. Trang "Barcarat" làm điên đảo bao khách làng chơi, trong đó có cả Sơn "đảo".
Chết vì gái
Thời ấy, khu vực Bệnh viện Từ Dũ là điểm hút chích nổi tiếng ở Sài Gòn. Tại đây có một tay du đãng chuyên bán ma tuý, tên là Phạm Bá Y. Bá Y bị thọt chân, nên được giới du đãng gán cho biệt danh Y "càlết". Lúc này ở quận Tân Bình, Sơn "đảo" cũng đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang buôn bán ma túy. Biết mình chỉ thuộc hàng đàn em của Sơn "đảo", Y "càlết" phải từ bỏ món "hàng trắng" mà Sơn "đảo" đang nắm độc quyền, quay về bán thuốc phiện "cò con" cho các con nghiện. Dù vậy, Sơn "đảo" vẫn ghét Y "càlết".
Một hôm, Sơn "đảo" đến thăm Trang "Barcarat", cũng là lúc Y "càlết" đang "trồng cây si" trong nhà người đẹp. Thấy Sơn "đảo" vào, Y "càlết" tỏ cử chỉ trân trọng gật đầu chào, rồi xin phép ra về. Sơn "đảo" nghĩ ra trò làm nhục đối thủ trước mặt người đẹp, nên hất hàm hỏi Y "càlết": "Ai cho mầy tới đây?". Y "càlết" lúng túng nói không nên lời, miệng lắp bắp: "Dạ... thì tôi đến... thăm Trang...". Sơn "đảo" chưa chịu buông tha, bước tới tát mạnh Y và nói: "Tao cấm mày từ đây không được đến đây, nếu không đừng trách".
Đối với bọn du đãng, nỗi nhục lớn nhất của chúng là khi bị làm nhục trước mặt người đẹp. Y "càlết" cũng vậy, tên du đãng có thừa tiền nhưng bị tật bẩm sinh này rất say mê Trang "Barcarat", nhưng chưa được người đẹp đoái hoài. Vậy mà bất ngờ Y "càlết" lại bị Sơn "đảo" đánh, làm nhục ngay trước mặt người đẹp. Mối hận này đối với một tên du đãng tật nguyền là rất lớn, không gì rửa cho sạch. Về nhà uống rượu suốt 3 ngày, mỗi lần uống rượu là mỗi lần Y "càlết" lấy rượu rửa thật kỹ bên mặt bị Sơn "đảo" đánh như để rửa sạch nỗi nhục. Một kế hoạch tàn khốc đã lóe lên trong đầu Y "càlết".
Sơn "đảo" có người em ruột rất giỏi võ tên là Vũ Đình Cương, có biệt danh là Cương "võ sĩ". Cương cùng ông anh mở sòng bạc, buôn ma túy... Một lần khi đi lấy "hàng" (ma túy), Cương bị bắt, phải ngồi tù Chí Hòa. Trong khi Sơn "đảo" ở bên ngoài lo chạy cho đứa em ra khỏi tù, thì một chuyện kinh khủng đã xảy ra trong tù. Vì tranh giành làm "đại bàng" trong tù mà một tên du đãng cộm cán khác tên là Lâm "chín ngón" đã đâm chết Cương "võ sĩ" ngay trong nhà lao.
Nhận được hung tin, Sơn "đảo" âm thầm lên kế hoạch giết Lâm "chín ngón" bằng cách bỏ ra mấy trăm cây vàng để thuê một tay giang hồ đang bị giam trong khám Chí Hòa tìm cách tiếp cận để giết Lâm "chín ngón". Người lãnh sứ mạng đó là tên du đãng Hoàng "đầu lâu". Thế nhưng, khi vừa mới được chuyển đến ở chung buồng giam với Lâm "chín ngón", chưa kịp ra tay, thì Hoàng "đầu lâu" đã bị đối thủ phát hiện âm mưu, ra tay trước, đâm chết tại chỗ. Ở ngoài, Sơn "đảo" lại lồng lộn thề giết cho kỳ được Lâm "chín ngón". Nhưng Sơn "đảo" chưa kịp thực hiện thì chính mình đã bị giết.
Nửa đêm ngày 18.1.1975, Sơn "đảo" cùng trung tá Đường (sư đoàn dù) rời vũ trường Crystal. Đến bên chiếc môtô 125 phân khối, Sơn "đảo" phát hiện bánh sau của xe bị xẹp. Tên trùm du đãng không hề biết rằng, trong lúc hắn đang ôm cô vũ nữ trong vũ trường thì ở ngoài có một đứa bé đánh giày được Y "càlết" thuê tới xì bánh chiếc xe 125 phân khối. Sơn "đảo" dắt chiếc xe qua tiệm sửa xe bên kia đường nhờ sửa.
Bất ngờ, một chiếc Honda 67 trờ tới kèm theo tiếng kêu: "Sơn "đảo". Sơn "đảo" chưa kịp phản ứng thì một tiếng nổ vang lên, viên đạn găm vào vai làm Sơn ngã quỵ. Y "càlết" xuất hiện, lạnh lùng chĩa súng vào Sơn và nói: "Vì cái tát đó nên mày phải chết". Nói dứt lời, Y "càlết" nã tiếp hai phát đạn vào bụng Sơn rồi lên xe máy cùng đàn em rú ga bỏ chạy. Thiếu tá Đường mặc dù có súng bên người vẫn không dám rút ra mà bỏ chạy theo hướng khác. Sơn "đảo" được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết sau đó vài giờ.
Đám tang của Sơn "đảo" thật rình rang, kinh dị, sặc mùi giang hồ. Hàng chục xe Jeep chở đầy lính dù với súng tuốt lê trần hộ tống xe chở quan tài chạy khắp khu trung tâm Sài Gòn, sang quận Tân Bình, chạy qua vũ trường Crystal... Khi đoàn xe tang chạy qua khu vực Xóm Đạo của băng nhóm Y "càlết", đám lính dù trên xe chĩa súng lên trời bắn đến hết đạn, như thề với Sơn "đảo" sẽ trả thù. Nhưng đàn em của Sơn "đảo" chưa kịp tìm ra được tung tích Y "càlết", thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Sau ngày giải phóng, Y "càlết" vẫn không bỏ con đường cũ, tiếp tục phạm tội giết người và bị kết án tử hình
Kỳ tiếp: chuyện Tướng cướp Bạch Hải Đường
Bình Địa Mộc
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét