Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

TẢN MẠN: RA MẮT THƠ

(ảnh Mộc)


Làm thơ và xuất bản thơ là 2 việc khác nhau. Có khi cả đời làm thơ vương vải khắp nơi nhưng khi đặt vấn đề in thành tập thì người ta lại vì sợ thơ chưa hay, chưa chuẩn phát hành ra e đau lòng bạn đọc, làm tốn công, tốn sức cộng đồng. Và, biết đâu đấy lại là "nhân chứng, vật chứng" để “luận tội” tác giả đối với một loại hình nghệ thuật mà trong quá khứ muốn làm ra được vài câu thơ thi sĩ phải ngồi thiền, ăn kiêng, ở cử cả tuần trăng mới dám hạ bút. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số người mới lọ mọ làm được vài bài thơ đã toan trình làng, chạy vạy khắp nơi, bất chấp luật lệ, sẵn sàng bỏ tiền ra cho đứa con tinh thần của mình sớm được chào đời trong bối cảnh cuộc sống vốn nhập nhằng mọi thứ. Thậm chí trong thực tế có không ít người mê muội đến mức đạo thơ người khác rồi in thành tập cho phát hành, tung hô vạn tuế tác phẩm ấy lên tận mây xanh, để rồi sau đó nhận lãnh hậu quả thê thảm, với sự phản ứng quyết liệt, đòi tẩy chay, đòi thu hồi sản phẩm của toàn xã hội. Cái danh hảo nó tai hại đến vậy! 

Một tập thơ lóng lánh sắc màu tự nhiên bay vào giữa đời sống thường nhật nhầy nhụa áo cơm, áng ngữ con đường danh vọng ngát hương, phiêu lưu vào chốn quan trường rực rỡ quả thật là một điều bất tiện, nếu không muốn nói rằng quá trình đó rất khó khăn bầm dập. Để sản phẩm văn hóa đọc nầy không bị dạt ra ngoài, bị đuổi đi như đuổi tà mới thực sự là một thử thách vô cùng lớn đối với tác giả, tác phẩm. Thơ nghiệt ngã là thế. Nhưng dầu sao thì chúng ta, những người làm thơ, yêu thơ, hãy trân trọng, nâng niu thơ như chính bản thân mình bởi có xuất bản, phát hành, công bố rộng rãi hay chép tay, truyền miệng lặng lẽ âm thầm với một vài, mươi lăm, hai chục người đi chăng nữa thì thơ vẫn là thơ, không thể gắn vào đấy một danh từ khác được. Đặc biệt là hay hoặc chưa hay thì thơ vẫn là tiếng lòng, là nỗi niềm tâm sự, là những trăn trở, suy tư của nhân loại. Về góc độ nào đó thơ như một vị thần hộ mạng, vị thánh cứu tinh cho bao nhiêu linh hồn đau khổ. Tôi có người bạn hơn 40 năm làm thơ nhưng chưa hề xuất bản tập nào, mặc dù tác phẩm lên đến con số ngàn. Tôi hỏi vì sao bạn không in thành sách để lưu lại mai sau. Bạn ấy trả lời rằng "em bị đau tim, hiện nay trong người có gắn con chíp hổ trợ, cái chết thường trực đã lâu, bây giờ in thơ ra lỡ có người chê dở là em tắt thở liền liền". Hóa ra thơ là một con chíp. Tôi lặng người đi mặc cho hồn mình phút giây hoang hoải! 

Qua tìm hiểu tôi được biết phần lớn thi sĩ đều xuất thân từ nhà giáo. Nói khác hơn là giáo viên làm thơ nhiều hơn các nghề khác. Nguyên nhân thì nhiều nhưng đoan chắc một điều rằng trong người thầy giáo có sẵn một ngân hàng chữ, một kho tàng hình ảnh dòng sông bến nước con đò, vốn dìu dặt lẫn khuất trong mỗi chúng ta đến dồi dào và phong phú. Bản thân họ cũng muốn cho bớt đi cho nhẹ lòng, cho hết đi để thanh thản khi trở về với cát bụi. Hơn thế, họ không hề biết tính lãi trên khối tài sản đồ sộ ấy nên cho đi rất dễ. Vì thế họ tự tin du nhập vào thế giới thơ đầy huyễn hoặc, mơ hồ. Bởi, suy cho cùng họ cũng là những người chăn dắt chữ nghĩa trên cánh đồng nhân sinh mà thôi! 

Vâng, trên "cánh đồng nhân sinh" ấy có hai người chăn dắt chữ là thầy giáo Nguyễn Tấn Thái - giáo viên văn trường Tiểu La Thăng Bình, thầy Trần Anh Dũng - giáo viên toán trường đại học Quảng Nam. Việc họ dạy học và làm thơ vận vào nhau như cái nghiệp ba sinh không dể gì vất bỏ. Na ná như cái cửa đình, cũ ơi là cũ của nhà thơ Trần Anh Dũng: 

Cõi xưa phong kín cửa đình 
Cũ càng gói chặt chút tình đa mang 
(Trích trong bài Với Diêu Bông - Trần Anh Dũng) 

À ra thế, nhưng không, tôi còn thấy ở Trần Anh Dũng một cái “thì hiện tại” rất đổi dịu dàng, nền nã. Đó là: 

Tặng nhau một chút nắng vàng 
Cái duyên quan họ gởi sang Hà thành 
Dẫu phai nhạt, dẫu mong manh
Cũng gom góp Hạ để dành sang Đông 
(Trích trong bài Chiều Tàn Phai - Trần Anh Dũng) 

Nhà thơ - thầy giáo Trần Anh Dũng tiết kiệm đến từng con chữ, dành dụm từng chút “nắng vàng” biến thành yêu thương gởi ra Hà Nội, nơi "mặt hồ gươm lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô" với một ai đó đó, đúng bản chất của người thủ quỷ cần mẫn, chắt chiu các bạn ạ! 

Còn Thầy giáo - nhà thơ Nguyễn Tấn Thái thì sao. Xin thưa anh rất lạc quan yêu đời đến quái quắt, quay cuồn, mê đắm vào ‘thì tương lai” như một thứ vĩnh hằng xa xĩ mà hiện tại thơ tả thực đang soán ngôi với thơ truyền thống “ý tại ngôn ngoại” một cách dữ dội, dằng co một cách kinh khủng. Với tôi anh giống như cơn hồng thủy: 

Lốc ngày mai cuốn bao kẻ ra đi 
Gửi phận bụi vào lòng cát bụi 
Chả than trách ông trời run rủi 
Sục sạo chốn quê vẫn mãi khổ nghèo 
(Trích trong bài Ngọn Đèn Sông Nước - Nguyễn Tấn Thái) 

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nghe ai đó nói rằng "tập thơ Trăng và Nguyệt của 2 tác giả Nguyễn Tấn Thái và Trần Anh Dũng là cuộc hôn phối kỳ dịu với ao làng thi ca Quảng Nam. Là ca phẩu thuật khá thành công của 2 ngòi bút lạ lẫm, bứt phá và hấp dẫn bởi từng câu chữ, ý tứ luôn nén lại rồi chờ chực bung lên như nụ hôn mười tám vỡ òa! 

Song rất tiếc tôi không phải là người bình thơ nên xin phép tạm dừng phần nầy lại đây, để tiếp tục lan man về phần xuất bản thơ. Như đã trình bày ở trên tập thơ Trăng & Nguyệt gần 90 bài, vị chi mỗi tác giả khoản 40 bài in chung trong một tập thơ thường thấy trên thi đàn Việt Nam. Nhưng cái lớn hơn, được hơn, ít biết hơn là công việc tổ chức giới thiệu tác phẩm mà trong thuật ngữ kinh tế người ta thường gọi là PR, rất đặc biệt của Hội VNNT Tam Kỳ. Tôi nói "đặc biệt" là bởi vì cuộc sống hiện nay thường thì người ta tụ hội lại để tọa đàm kinh tế, trao đổi cách làm ăn, hái ra tiền, gặt ra dự án chứ mấy ai ngồi lại nói chuyện viễn vông thơ phú. Nhưng các anh đã làm được, đã tổ chức thành công buổi ra mắt tập thơ trên với gần 100 khách mời, gồm cả ẩm thực nhẹ, đọc thơ, bình phẩm, hát múa phụ họa, quay phim, chụp hình trong một không khí hết sức ấm cúng, cởi mở trên một tinh thần văn nghệ thuần túy với mức kinh phí khiêm tốn hoàn toàn do 2 tác giả chung chịu. 

Tàn tiệc rồi tôi có gợi ý với mấy anh trong ban tổ chức rằng lần sau nếu làm như thế thì nên tách làm 2 phần. Phần chi phi thủ tục như mặt bằng, caffe, nước uống ... thì để cho tác giả lo, còn chi phí cho ẩm thực (không thể thiếu) trong mỗi buổi tiệc ra mắt sản phẩm bất kì nên động viên anh em góp lại, theo kiểu “xã hội hóa” âu cũng là món quà tặng cho đứa con tinh thần của họ vậy. Các anh trong ban tổ chức cười. Nụ cười của người làm sự kiện mới khó hiểu làm sao!

Trở lại vấn đề nội dung ra mắt tập thơ, tôi cho rằng khá thành công trên bởi có sự đóng góp không nhỏ của các nhà văn, nhà thơ trong Hội VHNT Tam Kỳ, đứng đầu là nhà văn Phạm Thông – chủ tịch hội, là một người sống vì mọi người. Các anh còn lại như nhà báo Huỳnh Trương Phát, nhà thơ Nguyễn Đức Dũng nói chung họ lo lắng từ a đến z. Nhưng có một điều lạ là tôi nhìn trong mắt họ từ trước, trong và sau buổi ra mắt tập thơ nầy cứ ánh lên niềm vui khó tả. Nó vừa bâng khuâng đau đáu, vừa lợn cợn một nỗi niềm một điều gì đó xa lắm lắm. Mà nếu tả bằng hết, gom cóp lại chỉ một cụm từ duy nhất. Niềm vui của thơ.

Thật vậy, chỉ có thơ mới có sức lôi cuốn, hấp dẫn các anh, các chị như nhà thơ Miên Thượng, Nguyễn Thủy, Trần Cao Vân, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Ngọc Chương ... từ Hội An, Quế Sơn, Tam Kỳ tập trung về thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình để ngồi lại nói với nhau, nói với nhau, hát với nhau những chuyện đời vốn lê thê lả thả. Thơ đắm đuối, thơ mơ màn, thơ nhũ nhường đến vậy. Tôi, một người khách mời bình thường, xin được viết đôi điều thay cho lời cảm ơn đối với các tác giả, tác phẩm, các anh chị em văn nghệ sĩ đã làm một cái việc mà người thường không thể làm được. Đó là, ru thơ vào đời, lời ru của nắng, của gió mơn man díu dắt đến muôn trùng dâu bể đang lẫn thẫn quanh ta qua mỗi phút, mỗi giây sống còn! 

Quảng Nam, 11.2014
Bình Địa Mộc 

HÌNH ẢNH BUỔI RA MẮT TẬP THƠ TRẰNG & NGUYỆT




























































Quảng Nam, 10.11.2014
Bình Địa Mộc

6 nhận xét:

  1. Mộc lúc nào cũng sử dụng những con chữ vừa mượt mà, vừa dịu dàng nhưng đanh thép chẳng ai bì...
    Vì trong Mộc luôn sâu sắc nhân văn. Chúc Mộc luôn trụ vững như thế!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người đi lâu lắm lại về
      Ngồi bên ta chuyện mải mê như là
      Con trăng con nước địu đà
      Ngấm trong một mớ thị thà nhân gian ...

      Xóa
  2. Đó là cách chơi khá mộc mac chân tình của những người biết chơi và trân quý thơ nghiêm túc đấy ,Mộc ạ ! Chúc Mộc tìm được niềm vui qua những bạn thơ mới .

    Trả lờiXóa
  3. ang thăm đọc Tản mạn ra mắt thơ
    đọc để suy ngẫm tham khảo
    chúc bạn luôn vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn, theo mình thì nếu thơ hay xuất bản trên fb ok hơn, pots bài xong, vừa rời bàn phím thì có người khen / chê rồi. Sướng hơn xuất bản thành tập bạn ạ!

      Xóa