(ảnh minh họa: nguồn internet)
Cách đây chừng vài năm, nghe nói tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ tại núi Cấm xã Tam Phú thành phố Tam Kỳ. Thôi thế cũng được, vì bà là một trong những mẹ có 9 người con, 2 người cháu hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của nhân dân ta. Việc tạc tượng mẹ vào đâu đó, ở đâu đó trên mảnh đất nầy đều đúng cả, đều nên làm cả. Chí ít là để lại cho thế hệ sau nầy một địa chỉ tìm đến mỗi khi cần, nơi chốn đi về mỗi khi hành trình áo cơm rã mệt.
Nói thế không có nghĩa rằng các bà mẹ Việt Nam khác, có hoàn cảnh tương tự không được công nhận, không được vinh danh là sai. Bởi lẽ, bất cứ sự mất mát nào trong mỗi chúng ta, cho dầu đó là một tấc đất, một cộng cỏ nhỏ nhoi để phục vụ cho Tổ Quốc quyết sinh, cho đất nước bất tử nầy đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; đáng trân trọng, nâng niu, gìn giữ trong từng hoàn cảnh cụ thể, từng bà mẹ cụ thể ở từng địa phương cụ thể chứ không riêng gì mẹ Thứ. Đấy chính là thể hiện lòng tri ân, tôn kính người đã khuất; là truyền thống quý báu “uống nước nhớ nguồn”; là đạo lý “ăn trái nhớ người trồng cây” của dân tộc ta từ ngàn năm nay.
Tượng đài mẹ Thứ được tỉnh Quảng Nam khởi động từ năm 2004, với ý tưởng và sự đồng hành của Đài Tiếng Nói Việt Nam, Hội Phụ Nữ Việt Nam thông qua các kênh thông tin từ lãnh vực văn hóa xã hội đến kinh tế đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia ủng hộ.
Tuy nhiên cái gì đụng đến đồng tiền đều làm cho ta bâng khuâng, lo lắng nhất là trong thời gian vừa qua do khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước. Theo đó, việc huy động vốn để thực hiện công trình gặp rất nhiều khó khăn nhất là biến động về giá cả, vật tư, nhân công … đi kèm với việc thay đổi, bổ sung thiết kế sao cho phù hợp, triệt để tiết kiệm dẫn đến số phận dự án từng nơi, từng lúc lao đao lận đận là điều khó tránh khỏi.
Kinh phí dự trù ban đầu là 55 tỷ đồng, nhưng trước thời điểm khởi công đã đội giá lên 120 tỷ đồng. Năm 2011 tỉnh Quảng Nam ra quyết định bổ sung thêm 330 tỷ đồng nữa, nâng tổng mức đầu tư lên 411 tỷ đồng sẽ gấp nhiều lần so với vốn phê duyệt trước đó nhằm xây dựng một tượng đài quy mô, có khả năng lớn nhất Đông Nam Á. Nói thì nghe dễ vậy, nhưng mỗi lần họp, mỗi lần ngồi lại để so đo tính toán, nâng lên hạ xuống từng con số, từng đơn giá vật tư, từng công đoạn điêu khắc … sao cho phù hợp, tránh lãng phí thất thoát mà vẫn bảo đảm chất lượng công trình là cả một quá trình đắn đo, trăn trở có khi đến bạc tóc của lãnh đạo cũng nên, nhất là đối với một địa phương được xếp vào diện nghèo nhất nước như Quảng Nam.
Do đó, dầu gián tiếp hay trực tiếp, dầu cán bộ hay công nhân tham gia xây dựng tượng đài mẹ Thứ ngày hôm nay là cả một quá trình tích lũy, vun đắp từ cái tâm trong sáng, từ cái tình sâu thẳm với quê hương, từ cái ơn nghĩa thiêng liêng với linh hồn người nằm xuống của ngày hôm qua để lại; của lịch sử đấu tranh trên mảnh đất “ trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” để lại.
Khó khăn là vậy, vất vả là vậy song cuối cùng tượng đài mẹ Thứ cũng đã hoàn thành đúng như ước nguyện của đảng bộ và nhân dân Quảng Nam. Công trình đã hoàn công với khối tượng chính làm từ đá hoa cương có chiều cao 18,5 mét, hình cánh cung dài 101 mét, mang hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng. Công trình được xây dựng từ 20.000 tấn đá hoa cương vận chuyển từ Bình Định về. Ngoài ra, quần thể kiến trúc tượng đài nầy còn có 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 mét; đường kính hơn 1,2 mét cũng làm bằng đá hoa cương. Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; bà mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; bà mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội; bà mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất …
Được biết tỉnh Quảng Nam là địa phương có số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước với 11.234 người. Cho nên để tri ân các mẹ, công trình cũng đã thiết kế sau lưng tượng là "bảo tàng trong lòng mẹ" có diện tích 397 m2. Nơi này cùng với phần rỗng bên trong khối tượng dự kiến dành để trưng bày, bảo quản hiện vật về các bà mẹ. Và, rất vui là trước, trong và sau khi khánh thành công trình đã được đông đảo nhân dân cả nước tranh thủ ghé thăm. Hàng nghìn người con thân yêu đã hội tụ về đây, quây quần dưới chân mẹ, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh mẹ, trước đôi mắt đượm buồn, trước vầng trán đăm chiêu, trước khuôn mặt gầy gò khắc khổ của mẹ để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, để ngưỡng mộ mẹ thiêng liêng và cao cả.
Mặc dầu đây đó vẫn còn lời ra tiếng vào, lời khen tiếng chê song bất kỳ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng, đều không có cơ sở. Bởi, làm người nhất định phải có đủ 3 khoản chi tiêu: chi tiêu cho bản thân, chi tiêu cho gia đình, chi tiêu cho thần tượng vốn dĩ vô giá, vô cùng tận.
Mẹ Thứ kính yêu của chúng ta chẳng phải thần tượng đó sao!
Và, theo một số ý kiến cho rằng nếu sử dụng kinh phí nầy để xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương thì sẽ được cả trăm, cả ngàn cái; đồng nghĩa với hằng trăm, hằng ngàn bà mẹ neo đơn có nơi ăn chốn ở đàng hoàng có thể sẽ tốt hơn không. Hoặc đem số tiền nầy phụ cấp cho các mẹ có cái ăn, cái mặc nâng đời sống của các mẹ lên một bậc nữa có thể sẽ hay hơn không …
Vâng, tất cả ý kiến trái chiều trên đây đều đúng cả. Nhưng xin thưa đấy mới chỉ là vật chất, còn lĩnh vực tinh thần thì để có một địa chỉ tìm đến mỗi khi cần, một nơi chốn bình yên đi về mỗi khi hành trình áo cơm rã mệt cho bao nhiêu thế hệ sau nầy như đã nói ở trên thì chúng ta không thể tính bằng tiền, không qui ra giá trị vật chất cân đong đo đếm được.
Và, nói gì thì nói nhưng giờ đây tượng đài mẹ Thứ đã xây xong. Việc còn lại của dự án nầy là phát huy công năng sử dụng, tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn cho Quảng Nam và các tỉnh Miền Trung trên cơ sở kết nối các danh thắng khác trong khu vực như tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An … để người dân cả nước khi về thăm mẹ không những được trải lòng ra với mẹ và còn nghe cả tiếng sóng biển Tam Thanh thầm thào, nhắc nhở …
Quảng Nam, 3.2015
Bình Địa Mộc
NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU VỀ BÀI VIẾT NẦY TRÊN FACEBOOK MỘC. TKS!
Kinh phí đội vì nhiều lý do, ẩu trong khâu thiết kế, chọn kích thước cốt thép,kích thước, khối lượng vật liệu không phù hợp, ẩu trong tính toán khối lượng dự toán, chọn sai đơn vị tính toán, sai công thức, ẩu trong khi thẩm tra hồ sơ, ẩu khi thi công, không tiết kiệm là vì thế và hàng tá cái để nói, công trình xong và có hữu ích hay không, thời gian sẽ trả lời. Biết đau công trình này sẽ đi vào quá khứ khi mà cái khoe mã, chạy theo thành tích quá nhiều.
Trả lờiXóaCháu chúc chú luôn vui.
Cảm ơn meocon đã ghé thăm blog Mộc và chia sẻ quan điểm. Chúc bạn thành công!
XóaÔi, thế kỷ này là thế kỷ 21 rồi, năm nay là năm 2015 rồi!
Trả lờiXóaĐôi khi phải đi ngược lịch sử để niềm tự hào ... lâng lâng chứ anh!
XóaBiết thế. Nhưng vẫn đau lắml. MỘC ah.
Trả lờiXóaNhững tượng đài lớn nhất không mang được hơi ấm nào vào ngôi nhà chập chờn bóng tối của những bà mẹ mất sạch con. Những tháp truyền hình cao nhất thế giới có thể phát đi những bộ phim bi tráng ca ngợi tấm lòng vĩ đại của người Mẹ, nhưng không ai trong vô số quan chức từng trịnh trọng ôm lấy Mẹ trước truyền hình đó ngồi lại với mẹ bên mâm cơm. Một nồi cơm được xới tơi ra, đơm vào nhiều bát như tất cả mọi bà- mẹ- không- anh -hùng nào cũng đều được có trong mỗi bữa ăn.
Cũng khó anh nhỉ, không làm thì không được mà làm thì cũng bị phê bình, như vụ chặt cây xanh Hà Nội, không hỏi ý kiến dân thì dân la, còn hỏi thì dân bảo không có năng lực, cái gì cũng hỏi ...
XóaCảm ơn anh đã ghé xem và chia sẻ. Chúc anh vui!