Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

TRUYỆN NGẮN 71 NGUYỄN VĂN TÈO

(ẢNH MỘC & THÙY DƯƠNG)

Mùa hè năm đó bà Nàng ngồi giả cối muối đậu dưới nền nhà đất sụp sìa. Ngoài trời nắng liu tiu, tiếng ve ru nghe chừng xa lắc. Trên chiếc giường tre ọp ẹp mấy anh em thằng Dạo đang đùa với nhau bỗng con Tả lơ đễnh té nhào xuống, bà quay lại đỡ, không may đầu chày đập vào màng tang con, nó lập tức ngất xỉu. Chòm xóm nghe la hớt hải chạy đến, sẵn miệng mồm đang nhạt họ liền tri hô luôn. Ối giời, chòm xóm ơi, bà Nàng đói quá đánh con gái chết rồi!


Tại đồn công an bà Nàng tâm tức khai vào tờ lí lịch trích ngang của mình rõ ràng ràng rằng. Chồng: không có. Con: 3 đứa, gồm 1 trai 2 gái. Thành phần gia đình: bần nông. Bản thân: phụ thuộc … hẳn hoi. Đi cùng với đó đính kèm cam kết. Từ nay trở đi tôi sẽ không đánh con dưới mọi hình thức, không vi phạm bạo hành gia đình. Mặc dầu bà vẫn biết đây chỉ là tai nạn rủi ro, mà con bé đâu đã chết. Hèn gì người ta cứ rỉ tai nhau vụ gì lọt vào tay công an bản chất ít nhiều sẽ thay đổi.


Thời gian sau ủy ban nhân dân xã hợp thức hóa giấy tờ để lập hộ tịch, chẳng biết tay cán bộ tư pháp trì độn thế nào lại ghi vào khai sinh các con bà. Họ và tên cha: Nguyễn Văn Tèo. Bà không biết chữ, vả lại theo bà làm giấy khai sinh là làm cho chính quyền, cho xã để có cái theo dõi dân số, quản lí hộ khẩu, có cơ sở đóng lệ phí các loại chứ liên quan gì đến con cái nhà bà. Ở làng nầy ai mà không biết tối ngày chúng nó mò cua bắt ốc ngoài đồng, có học hành gì đâu mà khai với chả sinh. Nhưng nói là nói vậy thôi chứ hôm bữa tại ủy ban xã, bà vui vẻ kéo ghế ngồi xuống móc trong túi áo lấy ra mươi lăm ngàn đồng nộp tiền lệ phí rồi theo thẻo ra về. Về đến nhà bà ném luôn mấy tờ khai sinh vào bồ lúa trống hoát, bấy giờ ngoài chú chuột nhắt bò quanh, huơ huýt vài cộng râu bốc phéc ra chẳng có hạt lúa lép nào minh chứng cả.


Đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Còn hôm nay, đùng một phát thằng Dạo con trai bà Nàng sáng chế ra chiếc máy thái sắn chạy bằng mô tơ điện, chỉ vài giờ đồng hồ, đống sắn to đùng đã được giải quyết sạch sẽ, lại mất có 1 công lao động. So với việc thái sắn bằng tay, có khi còn chổng cả mông đít lên nữa cũng chỉ được dăm bảy chục cân là cùng. Còn chiếc máy này không chỉ tiện lợi về mặt thời gian hoàn thành sản lượng, tiết kiệm nhân công mà lát sắn được thái ra rất đều, rất đẹp, dễ mua dễ bán nữa. Mà ở xứ ta khâu phân phối, tái phân phối sản phẩm luôn chiếm tỷ trọng cao trong quá trình tiêu thụ đối với tất cả các hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm. Với đặc thù chuyên canh cây sắn như làng nầy chẳng hạn, thì từ chiếc máy do con trai bà Nàng lắp đặt không cần phải qua khâu sơ chế … nên hiệu quả thu hoạch khá cao, đồng thời giải phóng sức lao động của bà con nông dân khá tốt.


Thế là chuyện gì đến phải đến. Tiếng lành đồn xa, từ trên tỉnh phóng viên báo chí đua nhau về làng tìm con trai ông Nguyễn Văn Tèo phỏng vấn. Bởi, đặc điểm văn hóa làng xã nước ta hễ muốn tìm con, muốn biết con cái ăn ở, học hành thế nào thì phải hỏi thằng cha nó tên gì, sống mái ra sao khắc biết. Vậy “thằng cha nó: Nguyễn Văn Tèo” thân sinh anh kỉ sư Dạo, mới học hết lớp ba trường làng đã sáng chế ra chiếc máy thái sắn kỳ dịu kia là ai, tư cách đạo đức lối sống như thế nào, ắt phải gặp bà Tư Sõi bán quán đầu làng sẽ rõ. Hớp một ngụm nước chè đặc quánh, bà nghiêm mặt kể …


Sau ngày giải phóng có ông cựu chiến binh đứng ra giới thiệu và chịu trách nhiệm bồi dưỡng cho anh đoàn viên thanh niên vào đảng. Mà nghe đâu anh thanh niên tốt phúc ấy đích thị là con rơi của ông nầy với một đồng chí nữ giao liên nọ trong kháng chiến chưa kịp tổ chức đám cưới. Được kết nạp đảng rồi, coi như con tàu đang trên bệ phóng mạnh, anh ta tiếp tục phấn đấu lên làm cán bộ huyện. Nhưng than ôi, chỉ được một thời gian ngắn bỗng dưng thoái hóa biến chất, bị kỉ luật, khai trừ khỏi đảng. Ông cựu chiến binh kia thầm tiếc công lao giáo dục đào tạo hạt giống đỏ cách mạng. Mặc khác, sợ mang tiếng chịu lời, ảnh hưởng xấu đến uy tín thanh danh anh hùng lực lượng vũ trang một thời kỳ kiên cường bất khuất của ông. Cho nên một ngày đầu thu bàng bạc khói sương ông quyết định khoát ba lô, dời nhà lên rừng để ở, rồi chết luôn trên đó. Ông ta đích thị là Nguyễn Văn Tèo.


Tiếp theo là bác Luật hớt tóc cuối thôn thì quả quyết thưa rằng.


Ông Nguyễn Văn Tèo chính là tay chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng năm xưa. Trong một đêm mưa gió tơi bời, tay nầy đang say sưa ngủ thì thấy ông Bụt hiện ra bảo dưới lòng đất lạnh cách làng chừng 3 km, bên cạnh một con lạch trầm tích lớp mùn than quý giá qua quá trình thay đổi niên đại địa chất. Do đó muốn đổi đời phải bỏ lúa chuyển sang khai thác nó để sản xuất phân hửu cơ bón lại cho ruộng thì tuyệt vời. Tuân lệnh cán bộ hợp tác xã bấy giờ xem xem cán bộ xã nên cả làng kéo nhau đến đào bới, hất tung từng lớp đất ruộng màu mỡ, có chỗ sâu đến hằng mấy mét để khai thác mùn than, lấp lánh lưu huỳnh bán cho nhà máy phân hửu cơ trên tỉnh. Không bao lâu lớp than mùn hết sạch, nhưng không có tổ chức hay các nhân nào đứng ra chịu hoàn thổ, cả cánh đồng tan hoang, cây cỏ xác xơ, chẳng trồng tỉa bất cứ cây gì, giống gì được. Nạn đói hoành hành và một bố phận dân chúng bần cùng đã sinh đạo tặc. Rồi cũng chính họ, trong một đêm mưa gió bão bùng ùn ùn kéo đến, bắt ông Nguyễn Văn Tèo treo cổ lên cây sầu đông cho đến chết vì cái tội nhiệt tình cách mạng cộng với sự dốt nát đâm ra phá hoại. Như vậy người nông dân thứ hai mang tên Nguyễn Văn Tèo, đã có bảng công khai lí lịch không mấy tốt đẹp thuộc về một cán bộ hợp tác xã âu cũng là do hoàn cảnh đẩy đưa chứ chẳng ai muốn, ai mong.

Chẳng biết có còn Nguyễn Văn Tèo nào nữa không, nhưng câu chuyện đi tìm người sáng chế chiếc máy thái sắn cứ ngày càng bí ẩn, không riêng gì giới truyền thông mà ngay cả gia đình bà Nàng cũng mù tịt, chẳng biết đâu mà lần. Bởi lẽ tay tư pháp xã, người trực tiếp nhận dữ liệu, ghi các hạng mục trong giấy khai sinh ngày ấy, bây giờ đã hóa thành người thiên cổ. Duy chỉ anh Dạo, tác giả công trình hữu dụng kia thì vẫn vô tư, tiếp tục mang cái máy tự chế đi thái sắn thuê cho bà con hết xã nầy đến xã khác để tăng thu nhập vốn rất thấp, rất bấp bênh đối với người trồng lúa. Anh bất chấp tất cả những đồn đoán, thêu dệt chung quanh cái tên Nguyễn Văn Tèo tai tiếng, luôn đứng sau cụm từ “họ và tên” bắt buộc trong mỗi tờ giấy khai sinh mà mẹ anh đã lãng quên trong bồ lúa trống hoát năm nào. Bởi, đó là lịch sử vốn tự thân đã hàm chứa cả công lẫn tội rồi, đâu cần phán xét nữa!


Quảng Nam, 5.2015
Bình Địa Mộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét