(ảnh Bình Địa Mộc và nhà thơ Dương Động Văn Hà)
Tùy bút
Không phải một người mà hầu hết anh em văn nghệ sĩ Tam Kỳ đều kể rằng: Có ông hiệu trưởng yêu thơ, làm thơ đến lúc từ giã nghề giáo lên Ủy ban nhân dân thành phố làm cán bộ quản lý vẫn làm thơ. Làm thơ như một lẽ, một nghiệp, một tư duy nhân cách. Bởi, theo ông: Thơ sang trọng và lẫm liệt lắm. Tại vị với chức danh phó chủ tịch, ông nhà thơ lại mò mẫm, tìm kiếm hành lang pháp lý hay đúng hơn là cơ hội ngàn vàng, đề xuất với cấp thẫm quyền thành lập Hội Văn học Nghệ thuật TP. Tam Kỳ vào cuối năm 2011 là một lịch sử.
Chuyện chỉ có vâỵ thôi, nhưng chặng đường từ “tập hợp rỗng” - cách gọi ví von đối với nhà thơ, nhà văn để trở thành khối văn nghệ sĩ thống nhất ý chí hành động, đoàn kết chung lòng, góp tiếng nói chung vào sự nghiệp sáng tác địa phương là cả quá trình đầy khó khăn thử thách. Bởi, lực cản ấy xuất phát từ tiêu chí mục đích, kinh phí hoạt động, đối tượng phục vụ đến quản trị nhân sự. Nói chung cái khó, cái khổ đến mọi phía nhưng có lẽ cái khó nhất vẫn là tiền. Vì tiền được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước vốn hạn hẹp, tiền đóng thuế của Nhân dân cả nước vốn dầm sương dãi nắng chứ không riêng gì người Tam Kỳ đầu tắt mặt tối. Để rồi, đồng tiền ấy làm ra sản phẩm gì, phục vụ cho ai, thu lại lợi ích gì cho xã hội? Câu hỏi không dễ trả lời trong một sớm, một chiều!
Thế nhưng, ông nhà thơ vẫn kiên trì thuyết phục hội đồng thẫm định, từng bước làm chạnh lòng người nghe bằng các phân tích có tình có lý. Đặc biệt là tinh thần hợp tác hỗ trợ, sự cố gắng nổ lực của anh chị em khác như: Nhà giáo TNS, nhà văn PT, nhà thơ NTS, nhà báo HTP ... Cuối cùng cũng được UBND thành phố đồng ý cho phép thành lập. Ông nhà thơ trở thành “bà đỡ” cho Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Tam Kỳ, biết tôi viết bài này bèn nở nụ cười khiêm tốn: Thôi đừng đưa lên mạng, tôi vốn không thích nói về mình hoặc có nói chăng nữa cũng không phải lúc này. Vâng, chúng tôi sẽ đợi!
Tại buổi ra mắt BCH khóa I nhiệm kỳ 2012-2016, ông PT được bầu làm Chủ tịch, ông NTS Phó chủ tịch. Và, các ông / bà HTP, LXB, HXT, NND, NTTT đồng ủy viên. Cảm động nhất là hình ảnh ông PT – Tân chủ tịch đích thân đi mượn của Báo Quảng Nam 7 triệu đồng để trang trải chi phí đại hội!
5 năm. Một nhiệm kỳ đại hội sắp hết, bằng đúng thời gian phát triển của loài cây Thiên Ngân hay còn gọi Gáo Vàng Thái Lan, được biết là giống ngắn ngày, phát triển siêu nhanh sau 3 đến 4 năm có thể thu hoạch làm giấy, sau 6 năm có thể sản xuất ra gỗ. Hội Văn Học Nghệ Thuật TP. Tam Kỳ, xét về góc độ nào đó cũng vậy. Sau 5 năm hình thành và phát triển sản phẩm chủ yếu của Hội là Giấy. Song “giấy” có linh hồn, có diện mạo, có tiếng nói riêng nhằm chuyển tải thông điệp cuộc sống, nỗi đau thế thái nhân tình đến bạn đọc, thông qua đặc san Văn nghệ Tam Kỳ phát hành mỗi quý một số khá trang trọng, nền nã đủ sức hấp dẫn bạn đọc không nở buông tay, mỗi khi đọc xong số đầu lại nôn nóng chờ đợi số sau.
Chỉ là “giấy” nhưng muôn vàn cơ cực. Bởi, từ con số không tròn trĩnh ban đầu Hội phải tự lăn tới đích, rồi trở về đúng tâm điểm của đơn vị văn hóa đặc thù, mang dáng dấp Hội dân sự phổ thông, nhưng dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố có định hướng chính trị rõ ràng, có đối tượng phục vụ hẳn hoi. Dó đó, nhiều lúc nhiều nơi “số không” này không tránh khỏi sự va đập, méo mó.
5 năm, với khối lượng công việc đồ sộ.
- Đó là, Hội đã xuất bản được 20 đặc san. Mỗi đặc san một chủ đề, màu sắc, tinh thần văn chương khác nhau phục vụ kịp thời sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội bằng những tác phẩm văn xuôi, thơ, hình ảnh đậm chất địa phương, nhưng đồng thời phải bắt kịp xu hướng sáng tác hiện đại, nhất là đối với các cây bút trẻ, với dòng thơ hiện đại – hậu hiện đại. Với văn xuôi, người phụ trách phải có đôi mắt “biết nói” mới đủ sáng để nhìn qua lớp trầm tích thời gian nhằm thẩm định tác phẩm. Đồng hành với thơ, người biên tập phải ở trong tư thế “thả thính” mới lắng nghe hết tiếng thầm thào, non nỉ của giọt mưa thu, tiếng bước chân rầm rập, hăng hái của đoàn quân xung trận.
- Đó là, sự tập hợp các cây bút, các tay ảnh chuyên và không chuyên với mọi độ tuổi, giới tính, vùng miền khác nhau trên địa bàn thành phố để kết nạp hội viên, biên chế vào các câu lạc bộ văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh … từ đơn lẻ vài hội viên lúc mới thành lập, nay nhân lên gần 60 người. Bình quân mỗi năm phát triển 10 hội viên. Quả thật một con số không hề nhỏ, một niềm vui không thể lớn hơn.
- Đó là, những năm trở lại đây, Hội đã tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu từ thoáng ngỡ ngàng, bối rối năm đầu tiên đến sự thành công mỹ mãn, đầy ấn tượng những năm tiếp theo. Đã chừng mức nào đó thắp lên ngọn lửa văn thơ nồng nàn, ấm áp trong tâm hồn một bộ phận khán giả vốn băng giá; đã từng bước tôn vinh giá trị tinh hoa của nền thi ca Việt Nam vốn thăng trầm qua các thời kỳ.
- Đó là, công tác phong trào, tham quan học tập tại các địa phương, đơn vị bạn nhằm kết nối giao lưu giữa anh em văn nghệ sĩ với nhau; giữa anh em văn nghệ sĩ Tam Kỳ với địa phương khác tạo thành quần thể thơ ca phóng khoáng, vượt địa lý, rào cản thị phi, thái độ phân biệt.
- Đó là, tinh thần phát huy xã hội hóa sáng tác, biểu diễn, triển lãm, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới không những đối với hội viên trong Hội, mà còn lan rộng ra công chúng yêu văn nghệ khắp nơi như kết hợp với Chùa Lá Gò Vấp xuất bản tập thơ Mẹ, với các mạnh thường quân ở thành phố Hồ Chí Minh in tập thơ Xóm Trăm Năm “ríu rít giọng quê” mà mới đây tác giả Bảo Anh đã giới thiệu trên số báo Quảng Nam Cuối Tuần có đoạn “Mỗi người một vẻ, mỗi kẻ một giọng, nhưng khi cùng góp mặt về giữa không gian vang động của một Tam Kỳ giàu ký ức, của một “xóm trăm năm” cũ càng “ríu rít giọng quê” và nhiều thương nhớ, lại thấy đồng điệu, ngọt ngào. Chỉ cần vậy thôi, “Xóm trăm năm” đã là tập thơ đáng đọc” ...
- Đó là, sự chăm sóc giúp đỡ lần nhau trong tập thể hội viên khi gặp ốm đau hoạn nạn. Sự động viên, cỗ vũ tinh thần sáng tác kể cả đóng góp ý kiến “thẳng thừng” đúng chất Quảng Nam về tác phẩm, văn phong, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt quá trình sáng tác nhằm giúp bạn hạn chế khuyết điểm, phát huy ưu điểm cùng nhau phát triển phong trào sáng tác chung.
- Và, còn nhiều nữa những việc làm có lúc thầm lặng yên ắng, có nơi bùng nổ dữ dội song chung quy lại vẫn tuân thủ phương châm “hữu xạ tự nhiên hương”, lấy giá trị thời gian làm thước đo tác phẩm, lấy giá trị sử dụng đánh giá chất lượng tác phẩm. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mạng xã hội, cùng các kênh thông tin khác bùng nổ trên mức kiểm soát, thì Hội Văn học Nghệ thuật là điểm đến lý tưởng, là nơi phát sáng tín hiệu yêu thương. Là cộng hưởng sắc thái thuần túy dân tộc, cộng sinh cảm xúc để cuộc sống mỗi ngày một thăng hoa.
5 năm, thời gian như chiếc lá âm thầm rơi qua khung cửa. Ở đó, mỗi hội viên Hội văn học Nghệ thuật TP. Tam Kỳ, hơn ai hết là người ghi lại độ nghiêng của lá, nét mềm của mây, lời ru của gió để chiếc lá kia không cảm thấy cô đơn, tủi phận trước khi tự hoại dưới lòng đất xốp, kết thúc vòng đời xanh ngát xanh. Cùng với đó, vòng đời khóa I nhiệm kỳ 2012-2016 của BCH Hội Văn học Nghệ thuật Tam Kỳ cũng sẽ kết thúc cực kỳ kiêu hãnh trong nay mai, ban chấp hành khóa II nhiệm kỳ 2017-2021 ra đời. Bởi, những nhà văn, nhà thơ trẻ hơn, giàu năng lượng hơn để mạnh dạn nhấn nút đưa con tàu văn học thành phố bay vào bầu trời hiện đại, không gian văn minh đầy ắp hiện thực nhân sinh.
Để ông nhà thơ ngày nào bớt trầm tư trước ly cà phê đặc quánh, cuộn tròn khói thuốc thả vào miền hư vô hoang hoải, chắp miệng. Không biết đại hội lần này ông PT có chạy đi mượn tiền nữa không? Thưa không, 5 năm nay Hội Văn học Nghệ thuật Tam Kỳ được Ủy ban nhân dân thành phố cân đối cấp nguồn kinh phí ổn định. Tuy không nhiều, không dư dả nhưng cũng đủ trang trải cho các hoạt động, kể cả đại hội lần này!
Quảng Nam, 3.2017
Bình Địa Mộc
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa