Trong “Quốc âm thi tập”[1],
tập thơ Nôm được cho là của Nguyễn Trãi, “Ba tiêu” được nhắc đến nhiều bởi hình
tượng độc đáo của cây chuối non nhân cách hóa thành một thiếu nữ. Bài này được
đưa vào cả sách giáo khoa môn Văn, và đặc biệt, sau khi được Xuân Diệu phê bình
thì nó càng nức tiếng là tuyệt diệu tình-từ. Về bài thơ này, nhà thơ Xuân Diệu
đã “hiểu” được nó nhờ phương pháp thần giao cách cảm. Sau đây là lời Xuân Diệu
bình:
MỘT BÀI THƠ CỦA NGUYỄN
TRÃI: “BA TIÊU”
Trong 254 bài thơ Quốc
âm thi tập của Nguyễn Trãi, có một bài thơ chỉ 4 câu thôi mà tôi trải qua 24
năm, mới dám tự bảo mình rằng gọi là hiểu. Đó là bài Ba tiêu.
Tự bén hơi xuân, tốt lại
thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu
đêm
Tình thư một bức phong
còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở
xem
Từ 1956, lúc bắt đầu
phát hiện được trở lại Quốc âm thi tập, đọc bài Ức Trai tiên sinh viết về cây
chuối này, tôi đã rất yêu thích. Tuy nhiên, sức đọc, trình độ của tôi cũng chỉ
mới thấy được cái hay của hai câu 3, 4.
Người đời trước viết
trên lụa: tàu lá chuối non kia màu xanh ngọc thạch, còn cuộn lại như lụa cuốn,
như bức thư quý báu trang nhã viết trên lụa bạch, đó là một bức thư tình e ấp,
vậy mời trang phong lưu là gió, hãy mở thư xem... Dẫn trong bài bình luận, hoặc
đọc lên trong các cuộc nói chuyện, tôi đều chỉ nhấn mạnh vào hai câu dưới, coi
hai câu trên hầu như là không có. Bởi theo tôi nhận thấy, hai câu dưới có hình
tượng sáng tạo hơn cả, đập mạnh vào tâm trí hơn cả. Và bởi, tôi không hiểu hai
câu trên, coi là những câu thơ thường. Mà thường tình, người ta không hiểu một
điều gì, thì cứ lờ đi, là tiện nhất.
Câu thứ hai: “Đầy buồng
lạ mầu thâu đêm”, ai có ngờ lại là câu khó hơn cả, mà cũng “diệu” hơn cả. Bản
Trần Văn Giáp phiên âm là mầu và chú thích: - “Cứ theo chữ Nôm viết ở nguyên bản,
cho nên phiên âm là Mầu, nhưng đáng lẽ là Mùi mới đúng. “Mùi thâu đêm” là mùi
hương suốt đêm, chú như vậy, thì “buồng lạ” tức là buồng chuối chín thơm ngào
ngạt. Bản Đào Duy Anh chú: - “Buồng lạ: chỉ buồng chuối, so với các quả cây
khác thì cũng lạ. - Mầu thâu đêm: chuối chín thơm ngát suốt cả đêm”. Hai lời
chú thích đều hiểu “buồng” là buồng chuối. Và tôi cũng hiểu như thế, chứ không
có cách nào khác.
Tuy nhiên, những năm gần
đây, tôi suy nghĩ lại, và bỗng nhận thấy một điều, nhưng tôi thấy không tiện
nói ra. Vì không tiện nói ra, cho nên tôi không dám dây dưa đưa dẫn hai câu đầu.
Bởi, nếu giới thiệu cả 4 câu, thì tôi bắt buộc phải góp ý kiến rằng: đây là hai
bài thơ chồng lên nhau, chứ không phải một bài, bởi hai câu đầu nói tới “buồng
lạ”, buồng chuối, hai câu sau thì nói tới lá chuối non. Mà khi cây chuối đã trổ
ra buồng, thậm chí buồng chuối chín, thì nó không còn có thể ra lá non, thậm
chí lá non cuốn lại, được nữa. Như vậy phải là hai cây chuối khác nhau ở trong
bài thơ, như vậy là hai bài thơ chắp vào nhau trong 4 câu, chứ không phải một
bài tứ tuyệt, nhất quán, nguyên khôi. Như vậy thì Ức Trai làm thơ như thế hay
sao? Và tôi không dám “phát hiện” sự này, bởi tôi thấy sự này vượt quá sức suy
nghĩ, quá khả năng hiểu của tôi, cho nên tôi đã không dẫn, không nói hết về hai
câu thơ trên.
Đến hôm nay, tôi rất cảm
ơn người bạn của tôi, vắng nhau mấy năm, mới đến chơi nhà tôi, và nhân trò chuyện
về thơ Nguyễn Trãi, anh ấy bảo với tôi: Buồng chuối đâu. Anh lại mách cho tôi:
Trong thơ chữ Hán của Ức Trai, có bài Lãnh noãn tịch, nghĩa là “Chiếu lạnh ấm”
(được in trong phần “tồn nghi” của quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, Nhà xuất bản
Văn hóa, 1962 - anh không tán thành quyển Nguyễn Trãi toàn tập in lần thứ II đã
bỏ hẳn bài này), bài thơ nói về chiếu, về nệm, có hai câu 3, 4 (dịch nghĩa):
Lông mềm, nệm êm, mùi thơm lọt vào xương; Da nhuyễn chiếu lạnh, hơi mát ngấm
vào da thịt. Tác giả của những câu này có chí khí anh hùng, có tài năng kinh
bang tế thế, có tâm huyết, và còn có xương, có thịt, có da, có một sự xúc cảm rất
da thịt, biết hưởng rất tinh vi bằng cái thân thể của mình, mùa đông khi nằm
trên một tấm nệm lông êm thì “như hương thấm tận vô xương tủy”, mùa hè chỉ lăn
mình trên một chiếc chiếu cói mát rượi, thì khoan khoái như tắm trong hồ ngọc ở
cung tiên, sau khi câu 5 của bài thơ đã nói đến “Viện trúc ngày dài nắng đã
lui”, thì tiếp đến câu 6: “Hồng lâu dạ vĩnh giác xuân tư”, nghĩa là: “Lầu hồng
đêm thâu cảm thấy có một mùa xuân riêng mình”, tức là thơ chữ Hán cùng với một
tứ với thơ chữ nôm “Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm” đó.
Anh bạn tôi mách cho
tôi như vậy, thì tôi bỗng “Ồ” lên một tiếng và thấy mình bừng sáng hiểu vào sự
huyền diệu của cả bài thơ. Tôi không cần phải “phát hiện” hai bài thơ nào mâu
thuẫn nhau hết, mà đây chính là một bài thơ nguyên khôi, nhất quán, của Nguyễn
Trãi làm, tại vì tôi chưa hiểu nổi, nên mới thắc mắc. Trước hết, trong câu mở đầu:
“Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm”, ta hẵng để ý: tại sao Nguyễn Trãi không viết
“lại tốt thêm”? “Lại tốt thêm” thì có vẻ dung tục, không đủ trân trọng đối với
chủ từ của câu chẳng qua theo đà, theo thế, theo thời, mà thêm tốt, còn “tốt lại
thêm” tức là: Vốn cái tốt đã là bản chất rồi. Nay từ lúc bén hơi xuân thì tốt
thêm. Sau khi tôi hiểu được toàn diện, đúng đắn rồi, thì hóa ra cái thần của
bài thơ không ở hai câu 3, 4, một hình tượng, mà ở câu 2, một xúc cảm: “Đầy buồng
lạ, mầu thâu đêm”.
Đầy phòng, đầy buồng
khuê, là một sự “lạ”. “Mầu” đây, theo ý tôi, là nhiệm mầu, mầu nhiệm thâu đêm,
đồng thời và cũng cần hiểu mầu như ở trong “đất mầu”. Ôi! Nếu là thơ Ức Trai
nói về sự rung động đầu tiên của giai nhân vào buổi đương thời thì việc ấy có
giảm gì uy tín của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi? Bao nhiêu nhà thơ lớn
trước Nguyễn Trãi ở Á Đông, ở trên thế giới đã nói và nói một cách trang nhã,
sao lại muốn rằng Nguyễn Trãi đừng nói, dù là nói một cách trang nhã? Sự thật,
là Nguyễn Trãi đã nói rồi, câu thơ chữ Hãn “dạ vĩnh giác xuân tư” (đêm thâu cảm
thấy một xuân riêng) bênh vực cho câu thơ chữ nôm “đầy buồng lạ mầu thâu đêm”,
và chữ “lạ” với chữ “mầu” làm cho câu thơ chữ Nôm còn dào dạt ngạt ngào hơn câu
thơ chữ Hán, đến nỗi đầy cả một buồng. Hơn năm trăm năm sau, hàng cháu chắt của
nhà thơ Ức Trai là nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) cũng có một tứ thơ gần với Ức
Trai, và đã gộp cả chữ “lạ” trong thơ chữ Nôm và chữ “xuân” trong thơ chữ Hán của
ức Trai: “Chàng ơi, chàng ơi, sự lạ đêm qua - Mùa xuân tới, mà không ai biết cả”.
Nếu hiểu “buồng” là buồng
chuối như tôi đã hiểu, và như hai nhà phiên âm Trần Văn Giáp và Đào Duy Anh đã
hiểu, thì bài thơ lại tách ra làm hai bài mâu thuẫn nhau một cách vô lý - điều
mà nhà thơ Ức Trai quyết không làm.
Và khi đã vào được chữ
“diệu” của bài thơ, khi đã hiểu đây là mùa xuân riêng xuất hiện, thì hai câu cuối
đến dính liền một cách thoải mái vào hai câu trên. Hiểu là một ngôi thứ ba, một
“nhà văn” nào đó nói hộ tâm sự cho giai nhân, và mời hộ gió mở bức thư lá chuối
non thì cũng được, tuy nhiên, tưởng tượng một người thứ ba ở bên ngoài đến làm
mối lái trung gian mời hộ gió mở thư tình của lá, thì vai trò của người mời hộ
này cũng khá vô duyên, đã là thư tình thì chính người viết, người cuộn người gửi
lấy bằng cách này hay cách khác cho đối tượng của mình đọc, cho nên tôi muốn hiểu
cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất. Phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự
nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng
ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói:
Tự bén hơi xuân, tốt lại
thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu
đêm
Tình thư một bức phong
còn kín
Bức thư tình của lá: em
còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phong nhụy, ngôi thứ hai là
“gió”, là đối tượng: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu? Gượng đây không
phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng: “Gió nơi đâu gượng mở xem”.
Từ lúc Quốc âm thi tập
được phát hiện lại (1956) đến nay, một bài thơ như Ba tiêu của Nguyễn Trãi đã
trải 24 năm mới chịu gửi cái bí mật thân tình mình cho người bạn đọc.
Xuân Diệu (Kỷ niệm sáu
trăm năm ngày sinh Nguyễn Trãi – Hà Nội, 1980[2]). Hết bài.
Ngô Xuân Diệu bình thơ
say sưa hùng biện như đang lên đồng, tuy nhiên ông vẫn rất tỉnh táo, rào chắn
kín kẽ: nào “người xưa viết trên lụa” (để làm tiền đề cho cái ý lá “tình thư e ấp”).
Rồi hư cấu ra cả một người bạn ẩn danh làm nguồn dẫn chứng cho thuyết của ông,
qua đó nhét vào nguyên câu thơ chữ Hán đặng chú thích cho... chữ Nôm “mầu”. Vậy
chưa đủ, Diệu còn lôi cả người quá cố là Hàn Mặc Tử để củng cố cho “phát hiện
24 năm” của mình.
Khí thế cuồn cuộn và
cơn mê sảng ngùn ngụt đó dư sức đè bẹp người yếu bóng vía. Cái bóng của Diệu quá
lớn, mình cãi cũng bằng thừa, thôi thì tôi rón rén lôi một bài thơ khác, cũng vịnh
Ba tiêu, nhưng ở tuốt bên Tàu hồi hơn ngàn năm trước ra tán dóc vậy. Đây chỉ là
thêm chút mắm vụn muối tiêu rải cúng ông thần Trảm Phong thôi nha, mô Phật à!
Trước hết, xin nói sơ
qua vai trò cây chuối trong thơ văn Tàu cổ đại. Cây chuối, Tàu gọi Ba tiêu 芭蕉,
ngoài ra còn các tên khác là Lục thiên 綠天,
Cam tiêu 甘蕉, Ba tư 巴苴;
nó chính là cây chuối xiêm, hay chuối sứ bên ta[3]. Chuối với dân Tàu xưa là bạn
thảo chí thiết. Lá chuối to, nên lúc bị mưa có thể dùng che đầu, khi nắng ráo
ra vườn còn có thể dành lót đít; có thể dùng lá chuối thay mâm chén, gói đựng nắm
xôi miếng thịt - và nói nhỏ, có thể dùng cả vào việc vệ sinh sau bài tiết.
Riêng với văn nhân, chuối
lại có ấn tượng độc đáo: không có hương thơm nồng đượm huệ lan, cũng chẳng sắc
thái rạng rỡ hải đường thược dược, chuối mang phong vận thô sơ điềm đạm riêng đứng
góc vườn, trụ thân bóng loáng màu ngọc lục bảo thanh tân, sắc xanh của chuối
khiến người nhìn được mát mắt yên lòng. Khi mưa rơi gõ trên tàu lá chuối bồm bộp,
lúc gió lùa lá chuối phất phơ man mác đều có thanh vận riêng, mang lại cảm giác
êm đềm...
Và nhất là, khác với
“người xưa” ở xứ An Nam phú túc sang chảnh của Xuân Diệu, các thi nhân ở xứ
Trung Hoa nghèo khổ xưa kia không dám viết trên lụa, mà tiện tặn viết luôn trên
tàu lá chuối. Trúc khả tuyên thi, tiêu khả tác tự 竹可鐫詩
蕉可作字 (tre có thể khắc thơ, chuối có thể viết
chữ): tàu lá chuối sau khi được rọc bỏ cuống, phơi trong râm mát cho mềm, sẽ được
đặt lên án thư và chễm chệ đứng vào hàng 14 món văn phòng nhã khí của tao nhân.
Mỗi lần mắc cơn hứng muốn viết chữ đề thơ, người ta mở tàu lá chuối đó trải ra
trên án thư, trực tiếp vẫy bút viết luôn lên lá. Loại “giấy lá chuối” này gọi
Tiêu thư 蕉書, được nhắc đến nhiều trong văn thơ Đường-Tống;
với người xưa, mở giấy chuối ra để đọc là động tác quen thuộc, mang lại cảm
giác tiêu sái[4].
Chuối thiết thân làm vậy,
nên trong thơ cổ Trung Hoa, có tới gần 80 bài riêng vịnh cây chuối, còn dựng tứ
xài chữ liên quan đến chuối cũng ngót nghét hơn 450 câu; mỗi chữ, mỗi câu, mỗi
bài đều có sắc thái, ý vị đặc sắc riêng. Trong số đó được nhắc đến nhiều nhất
là bài “Vị triển ba tiêu” 未展芭蕉 của Tiền Hử 錢珝[5]
đời Đường, bài ấy như vầy:
《未展芭蕉》VỊ
TRIỂN BA TIÊU
冷燭無煙綠蠟幹
Lãnh chúc vô yên lục lạp can
芳心猶卷怯春寒
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn
一緘書劄藏何事
Nhất giam thư tráp tàng hà sự
會被東風暗拆看
Hội bị đông phong ám sách khan
Tạm dịch nghĩa: CÂY CHUỐI
NON CHƯA TRỔ
[Thân chuối như] ngọn
đuốc lạnh không có khói, cây nến màu xanh
Tấm lòng thơm thảo như
bởi sợ cái lạnh của mùa xuân [nên còn] cuộn tròn lại
Một phong thư [đó] chất
chứa những gì
[Coi chừng] sẽ bị gió
xuân lén mở ra xem
Đến đây, ta thấy có điều
“mầu nhiệm” động trời: hai câu thơ kết bài này của Tiền Hử hầu như trùng khớp với
hai câu kết bài “Ba tiêu” của Nguyễn Trãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, rằng từ đời
Đường, người Tàu đã nuôi được mèo máy Doremon, và chính tên Tiền Hử vô lại kia
đã dùng cỗ máy vượt thời gian của Doremon đặng bay vượt 500 năm sau, qua tuốt
An Nam ăn cắp thơ của Nguyễn Trãi, vị “danh nhân văn hóa” có tầm vóc thế giới!
Hay là, có khi nào...
ông Trãi ăn cắp thơ của tên Hử chăng? Tôi không nghĩ vậy. Bởi sau khi Nguyễn
Trãi phạm tội, bị tru lục toàn gia (1442), thì thơ văn của Trải cũng bị liệt
vào loại “tài liệu phản động” nên hầu như tuyệt tích. Mãi đến 1/4 thế kỷ sau mới
sưu tầm lại. Đại Việt sử ký Toàn thư ghi: “Đinh Hợi, (Quang Thuận) năm thứ 8
(1467). Tháng 3. [Lê Thánh tôn] Ra lệnh tìm kiếm những di cảo thơ văn của cố
Hàn lâm thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi”[6]. Thơ văn thời đó toàn chép tay, và việc
“sưu tầm” khó thể tránh khỏi tam sao thất bản; chưa kể khả năng bọn sàm thần muốn
làm đẹp dạ vua đã vơ vào chép đại càng nhiều càng tốt đặng lập công, và bài dịch
thơ chuối của Tiền Hử này chưa biết của ai, đã vô tình được kể thành di cảo của
Trãi.
Bài “Ba tiêu” nây không
chỉ là một bản dịch, mà còn là bản dịch kém cỏi. Câu “Gió nơi đâu gượng mở xem”
đã đánh mất chữ “Hội” 會. Hội ở đây là một phó
từ giả định: có khả năng SẼ xảy ra như vậy, như vậy... Từ chỗ không biết được
thiếu sót đó, Xuân Diệu thành ra ngộ nhận và say sưa phóng bút quá trớn: “... bức
thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phong nhụy,
ngôi thứ hai là ‘gió’, là đối tượng: anh, người mà ta mong mỏi đang ở nơi đâu?
Gượng đây không phải là gượng gạo, mà gượng nhẹ, khẽ khàng: Gió nơi đâu gượng mở
xem” (hết trích). Tôi chịu thua ông Xuân Diệu ở chỗ này, vì việc động tay động
chân “mở ra xem” một thiếu nữ thanh khiết, dù gượng nhẹ đến mấy cũng là hành vi
thô thiển, nhất là trong thơ! Chỗ này phải hiểu đây là lời chọc ghẹo: nàng hãy
coi chừng, kẻo gió xuân sẽ mách lẻo, tò mò mở ra xem cõi lòng còn phong kín
kia.
Đã nắm được tứ thơ đọng
lại hàm súc ở câu kết, giờ ta đọc lại từ đầu bài thơ ví cây chuối còn non với một
thiếu nữ thanh tân này.
Câu một: Bốn chữ “lãnh
chúc” và “lục lạp” có thể nói là cửa ải không thể vượt qua cho bất kỳ ai muốn dịch
thành thơ bài “Vị triển ba tiêu” này. Lãnh chúc là ngọn đuốc lạnh, ngọn đuốc
mát lạnh đó chính là tả thân cây chuối. Lục lạp là ngọn nến màu xanh lục, là tả
tàu lá chuối màu ngọc lục bảo ve vẩy trong gió.
Câu hai: Cõi lòng trong
trắng thơm thảo kia còn phong kín bởi e sợ cái lạnh của mùa xuân sẽ thấm đến. Từ
bốn chữ Lãnh chúc và Lục lạp tả phong tư bên ngoài mà dẫn đến một chữ “Phương”
có nghĩa là thơm để thăm dò cõi lòng của nàng gái đẹp.
Chính vì chỗ khó không
thể vượt qua của chữ nghĩa, nên người dịch vô danh kia đã phải phóng tác ra hai
câu tối nghĩa “Tự bén hơi xuân tốt lại thêm, Đầy buồng lạ màu thâu đêm”. Tuy
nhiên, chỗ dịch kém đó cũng có cái hay, vì nó đã giúp cho Xuân Diệu có được chất
liệu cho một cơn lên đồng cầu vong rất mực liêu trai! Không chỉ vậy thôi đâu,
còn cái này mới thiệt xui: dù đã cầu viện đủ thứ pháp thuật màu nhiệm, Xuân Diệu
rốt cuộc vẫn không sao hô biến bản dịch mắc dịch kia thành một chỉnh thể, nghĩa
là làm cho hai câu đầu nhất quán với hai câu cuối như ông tự khoe.
Vụ biến thơ Tàu thành
thơ Nguyễn Trãi của bài “Ba tiêu” này, tôi không tin mình là người đầu tiên
phát hiện. Xứ ta thiếu gì bậc túc Nho làu thông kinh sử, trong khi tôi chỉ là
tên quê mùa ở hóc bà tó. Huống chi, ta còn có nguyên cả một cái viện, kêu bằng
Viện Hán Nôm, trong Viện đó nhất định phải có người nhận ra sự “cầm nhầm” thơ
Tiền Hử này từ khuya, điều lạ là chớ thấy một ai lên tiếng. Phải chăng vì trót
phong thánh cho Nguyễn Trãi thành danh nhân tầm cỡ thế giới, nên người ta mắc cỡ,
ngại ngùng không dám nhìn nhận sự thật, trả lại bài thơ cho Tiền Hử? Có mỗi cây
chuối còn không dám bứng, ở đó còn khoe đốt được cả củi tươi, thiệt là xí mứng!
LÊ VĨNH HUY
--------
[1] Theo bản Quốc Âm
Thi Tập của trường Đại Học Văn Khoa Saigon, Ban Văn chương Quốc âm, do Trần Văn
Giáp & Phạm Trọng Điềm phiên âm, “Ba Tiêu” được đánh số 236.
[2] Bài viết này sau đó
một năm được Xuân Diệu cho in vào bộ tiểu luận phê bình văn học “Các nhà thơ cổ
điển Việt Nam”, Nxb Kim Đồng - Tập 1, 1981.
[3] Mãi đến khoảng giữa
thế kỷ XVI, cây chuối già mới được du nhập vào Trung Hoa và được gọi Hương tiêu
香蕉, vì mùi thơm trái chín của nó.
[4] Như trong thơ Hoàng
Đình Kiên:
不嫌藜藿來同飯
Bất hiềm lê hoắc lai đồng phạn
更展芭蕉看學書
Cánh triển ba tiêu khán học thư
(Chẳng hiềm bữa cơm ăn
với rau rác; Thường mở lá chuối ra để học bài).
[5] Tiền Hử 錢珝,
tự Thuỵ Văn 瑞文; không rõ năm sinh năm mất. Theo “Toàn
Đường thi”: Hử sống vào thời Vãn Đường, người đất Ngô Hưng (thuộc tỉnh Chiết
Giang). Đỗ tiến sĩ năm 879 (đời Đường Hy tôn). Lúc đầu chỉ được bổ chức quan nhỏ
địa phương như Tham quân cho Kinh triệu phủ, Huyện úy ở Lam Điền. Sau được Tể
tướng là Vương Đoàn dành cho biệt nhãn, vời về kinh làm Trung thư Xá nhân, phụ
trách việc thảo chiếu thư. Đến năm 900 thì Đoàn bị thất sủng, Hử do đó cũng bị
liên lụy, phải biếm ra làm Tư Mã ở Mô châu (nay thuộc tỉnh Giang Tây), được ít
lâu thì mất. Tác phẩm có Chu trung lục 舟中錄
gồm 20 quyển, nhưng nay chỉ còn lưu lại mỗi 1 quyển (khoảng 110 bài thơ) trong
“Toàn Đường thi”.
[6] Đại Việt sử ký Toàn
thư (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993), Bản kỷ thực lục quyển XII, trang 30b.
Ps: Xin mời bằng hữu đọc
một phát hiện không dễ về văn học cổ Việt Nam (thơ Ức Trai) của LÊ VĨNH HUY .
Thành kính xin lỗi
hương linh nhà thơ Xuân Diệu - trong khi chờ đợi Viện Hán Nôm lên tiếng.
Sài Gòn, 11.2018
Bình Địa Mộc
(sưu tầm)
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa