Nghe vài vụ làm nhà trái phép
trên rừng phòng hộ
trên đất quốc phòng
trên bán đảo, bờ sông, kênh rạch
Nghe vài vụ hiếp dâm
ông lấy cháu
cha lấy con
bác bảo vệ lấy học trò đáng tuổi cháu, tuổi con
Nghe vài vụ giết người
đánh chết
đâm chết
cứa cổ chết như cắt tiết gà
Nghe vài vụ cướp giật
đòi nợ thuê
hỏa hoạn
đuối nước thương tâm
Nghe vài vụ tham ô, hối lộ, sách nhiễu nhân dân
thuộc về người có chức, có quyền
phần lớn họ là đảng viên
Nghe vài vụ lái xe điên
tông vào nhà
vào người đứng chờ đèn đỏ
cướp đi sinh mạng hàng loạt người vô tội
Nghe vài trăm
vài nghìn
vài triệu chứng minh thư, bằng đại học, giấy tờ nhà giả mạo
Hi vọng chỉ là thỉnh thoảng
hiện tượng thoáng qua
chứ không phải bản chất chế độ
giống như làn gió ngày hè mơn man
nụ hoa ngày xuân hé mở
chiếc lá vàng mùa thu bảng lảng
Hi vọng vài chuyện kể trên không phải là thơ
cuối đông góp nhặt dông dài
chỉ là một mớ chữ vụn
vỡ ra từ chiếc cốc thủy tinh
bữa nọ em vô tình đánh rơi!
2/ BÁC ƠI!
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!
Con lại lần theo lối sõi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ơi, chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Không phải buổi mai, ban trưa, hay xế mà là chiều. Bởi, chiều gần như kết thúc, chấm hết cho một ngày, một chu kì thời thời gian 12 tiếng để bước qua đêm tối hoẳm, mịt mùng. Và, bởi sắp hết, mất đi, tan biến nên Người lính - Người học trò - Nhà thơ Tố Hữu đã chạy về thăm Bác trong một hoàn cảnh muộn màn như thế: Chiều nay con chạy về thăm Bác!
Đến nơi rồi, tác giả chợt nhận ra khung cảnh nơi đây có gì đó thay đổi. Một không khí ẩm ướt, lạnh lẽo đến từng gốc cây, thớ lá cụ thể. Thậm chí băng luôn mấy gốc dừa. Hay chăng, một cơn mưa vừa kéo qua đây, một làn sương mỏng vừa phả xuống đây. Hay chăng, một bàn tay tạo hóa đã sắp sửa lại nơi này? Mà, chiều mới xuống nhanh như thế, chiều buông mới vội vàng như vậy: Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!
Tuy nhiên tác giả vẫn không tin vào mắt mình, vào linh cảm có cái gì đó hẫng hụt, chênh chao? Dường như đất trời thay đổi đột ngột quá, nhanh chóng quá nên nhà thơ từ sự khẩn trương, tranh thủ, hối hả. Đã “chạy” chuyển qua “lần”; mà “lần” thì phải bước từng bước một chậm lại. Phải thận trọng, dọ dẫm; phải đếm từng sát – na thời gian cho dẫu nơi nầy, chốn nầy quá đổi quen thuộc, thân thương từng viên sõi nhỏ: Con lại lần theo lối sõi quen!
Như một phản xạ tự nhiên. Tuy chạy, tuy lần từng bước nhưng vẫn hướng về một địa chỉ cần đến, gần như là cố định. Như vẫn đấy, nguyên đấy trong tâm tưởng nhà thơ. Đó là, ngôi nhà sàn đơn sơ giản dị, ngày ngày Bác ở và làm việc, đêm đêm Bácthức ngủ chập chờn để lo toan mọi bề cho đất nước. Nơi Bác đau nỗi đau của đồng bào, Bác vui niềm vui của chiến sĩ. Và, nhà thơ đã đến đúng căn nhà ấy: Đến bên thang gác, đứng nhìn lên!
Một lần nữa, Tố Hữu lặng người đi, sợ tất cả mọi thứ sẽ vỡ toang, bay biến mặc dầu rất khẩn trương, muốn biết chuyện gì đã xảy ra với Bác, ông tất tả chạy về. Nhưng khi đến nơi Bác ở rồi, ông khựng người lại, lặng lẽ, lần lượt đến ngơ ngác “đứng nhìn lên”. Trong nỗi niềm lo lắng khôn nguôi, trong sự bối rối vô hạn ấy, nhà thơ đã lắng nghe từng âm thanh, từng tiếng chuông reo, thầm thì, thẽ thọt: Chuông ơi, chuông nhỏ còn reo nữa?
Nghe rồi đấy, biết rồi đấy! Chuông vẫn còn reo nhưng có còn reo nữa không, reo đến bao giờ thì tắt? Hay đã tắt lịm tự bao giờ! Mới là cảm xúc cần chuyển tải, diễn đạt hay ít ra phản ảnh tình yêu thương kính trọng đối với Bác. Cho nên, tác giả vẫn không tin vào tai, vào mắt, vào mọi giác quan của mình nữa. Ông tự hỏi, tự trả lời, từ khẳng định đến phủ định vu vơ. Để rồi sau đó lại bước lên cầu thang một lần nữa xác tín sự thật, định hướng sự việc nó hư thực ra làm sao? Và, khi đã bước lên phòng làm việc của Bác rồi, nhà thơ chết lặng người đi, sững sờ đứng trước cửa phòng ấy: Phòng lặng! Không lẽ Bác đã ra đi thật rồi sao? Tác giả quyết định: Mở cửa. Thì thấy: Rèm buông! Nhưng ông vẫn không tin rằng Bác đã ra đi! Tác giả lại đưa tay vén bức rèm lên thị thực thì than ôi, đã: Tắt ánh đèn!
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Từ hối hả vụt chạy đến lần lượt dọ dẫm từng bước chân, khi thật sự đến nơi rồi thì khựng người lại, đứng bên cầu thang, ngước mắt nhìn lên, lắng tai nghe rõ từng tiếng chuông nơi phòng Bác vang ra, sau đó lo lắng vịn cầu thang bước lên từng nấc thang một, đứng lại, nghe ngóng bên trong, rồi đẩy cửa cửa bước vào, thấy rèm vẫn còn buông, cứ nghĩ là Bác vẫn còn ở trong đấy, mạnh dạn bước đến, vén rèm, thì thấy: Tắt ánh đèn, nhà thơ mới thật sự đau đớn thốt lên: Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Có thể thấy các động tác: Chạy, lần, đến, đứng, nhìn, leo lên cầu thang, nghe, thấy, kêu… Trong bài thơ BÁC ƠI! của Tố Hữu gồm 13 khổ 52 câu như một bức tĩnh vật, gồm nét chấm phá tinh khôi, mơ màn nhưng ráo rát, miết mặn. Ở đây, với tinh thần là một người yêu thơ tôi chỉ xin phép tác giả phân tích 7 câu, kể từ câu thứ 3 đến thứ 9, chứ không phải 1 hay 2 khổ gì. Bởi, những câu thơ này đã khắc họa hình ảnh cuộc về thăm của nhà thơ đối với Bác Hồ, như một đoạn phim chiếu chậm sống động, trung thực, tình cảm mà ở đó ta thấy từ bước chân, bàn tay, cái ngước mắt, ánh nhìn đến sự lo lắng hồi hộp, dồn nén rồi vỡ òa nức nở đọng lại trong từng câu, từng chữ, từng cung bậc cảm xúc của nhà thơ đối với Bác hồ kính yêu khi hay tin Người đã đi xa, thật xa song vẫn đọng lại trong lòng người đọc niềm tiếc thương vô hạn tự bây giờ và mãi mãi muôn sau!
3/ Giao Mùa
Giao mùa, trời bỗng dưng nóng bức, rồi mưa, những hạt nước miễn cưỡng búng bẩy trên mái tôn lục bục, hắt ra thứ âm thanh muốn đột quị. Bà lia đôi mắt nheo nhéo về phía ông, ông gầy đét, nằm nghiêng người, úp hết vào tường, như một cõi riêng mà mỗi lần nằm xuống là ông hay quay về phía ấy. Phía thi thoảng có vẹt nắng xăm mình trên mảng tường loang lỗ, cứ tưởng chúng đùa bỡn với ông, nhưng không, nắng hong tóc, hâm da, nắng mịn màn vút đắp lên ông cơ số mật đời ngọt lịm.
Ông lại ho sụ sụ, mà mỗi lần nghe bà tức điên người, lầu bầu "đã bẩu đừng hút thuốc nữa mừ". Ông đếch nghe, nói khác đi, ông bị điếc từ ngày đứa con dâu ngoại tình. Bà nhẹ nhàng bước đến, lấy cái mền trùm kín người ông lại cho bớt lạnh, rồi chạy ra sau hè lấy sợi dây thừng chuẩn bị cột ông lại nếu ... tầm nầy năm ngoái, năm kia, năm kìa và hàng chục năm trước nữa ông hay lên cơn, mà mỗi lần lên cơn là trợn mắt, tay chân co giật liên hồi, nước mũi, nước mắt cả nước miếng nữa trào ra, trắng hếu. Đấy là hậu quả của những màn tra tấn như giật điện, đánh đập, đổ nước xà phòng vào người trong những năm ngồi tù ở Côn đảo.
Tầm nầy năm kia, bà đi chợ không để ý, khi quay về thấy ông bất tỉnh dưới sàn nhà, nào cứt, nào nước đái nhầy nhụa, bà rít lên đau đớn "cái Hoa đi mô mất rồi để bố mầy lên cơn thế nầy hử". Bác Năng ở kế bên chạy qua mách lẻo "nó theo trai rồi". Bà quỵ xuống, lôi ông lên giường, hai tấm thân già khô queo quắp vào nhau như hai con mực nướng lỡ dở, nhàu nhục. Bà chợt hiểu ra con trai bà yếu sinh lý, vì bố nó thế kia thì mần răng sinh ra nó cường tráng được chứ, bà hiểu việc nọ theo kiểu ... đàn bà!
Bà vừa quay gót xuống bếp, thì bất ngờ ông nẩy người lên giật giật mấy cái rồi trợn trắng mắt nhìn bà. Bà chạy lại, ngồi lên người ông, đè mạnh xuống theo thói quen, ông lại nằm yên, thều thào "tôi ... đi ... đây". Ông chết. Bà thét lên như con lợn bị chọc tiết kêu. "nhưng ông phải chờ nhà nước công nhận thương tật do bị tra tấn ở côn đảo để nhận tiền hổ trợ chứ, nghe nói mỗi tháng được mấy trăm ngàn đó, đâu nhất thiết đánh nhau ngoài trận địa mới có, sao lại ra đi vội vàng thế, thời tiết còn đang giao mùa mừ".
Ngoài hiên, ngoài sân, ngoài ngút ngái tiếng nhạc "anh vẫn hành quân trên đường ra chiến dịch" hùng tráng vang lên, sắp đến ngày ba mươi tháng tư rồi. Thôi kệ, lo hậu sự cho ông xong hẳn tính.
4/ Em đi rồi!
Biên độ hành trình mở khóa
âm hao từng phiếm lá bất chợt rung rinh
bui búi khoảng cách dặm trường
níu giữ không gian ùn ứ ngập ngụa
câu chuyện tách nguồn sang hướng ly tao
nỗi nhớ bắt đầu sin sít
đóng khung khoảng trời tình yêu
đèn xanh bật sớm hơn mọi bữa
đèn đỏ chậm hơn mọi ngày
chừng đó thôi đủ thấy
vắng em tưởng tiếc thế nào?
Năm trăm anh em thiện lành
đau đáu loài chim cánh cụt di cư
Châu mỹ sang Châu âu
đói nghèo lạc hậu đến thịnh vượng giàu sang
giọt nước mắt hóa vàng
thấm đẫm mảnh đất cằn khô
lẫm chẫm khói sương
hít hà cay đắng
canh ba giật mình khắc khoải
tiếng gà lưu vong
Cuộc chiến không phát súng
nổ tanh bành bàn tiệc pho mát và củ cà rốt
đại diện bản năng hào phóng ngã mũ
kính chào thảo dân
tù mù ao cá vườn rau
manh mún rị mọ
ngọn tre không níu ngọn gió
ngọn gió bật gốc ngọn tre
nồi lẫu trí trá sắp sửa bốc hơi
bước vào giai đoạn hậu kỳ thử vai
kịch bản giải phóng nô lệ tự do
Thành phố hoang hoải
soi bóng chàng sinh viên Grab bay
bấu tay lái Honda gật gù tín hiệu
người khách online thứ mười ba nhấp nháy
bảng tuần hoàn áo cơm hoán đổi
cô gái tiếp thị bia Tiger dụi mắt
nhìn màn hình trợn trắng
cuộc hẹn xuống ca lao dốc
bỏ lại nụ hôn bún riêu nồng nàn
Đèn đường nhuốm màu tóc bạc
góc phố trắng bệch cơn mưa cuối mùa
đẩy chiếc dép sứt quai trôi theo dòng thời sự
chạm mặt chị hàng rong xoắn ống quần cầm cự
bắp chân săn lòi vết sẹo mưu sinh đỏ bầm
Báo mới chạy tít quan tham
sau vài thập niên ngủ quên bản án
cận cảnh phiên tòa xét xử
hình ảnh cuối cùng cong cớn
lời nói cuối cùng u mê
khắc vào tạp âm cứu vãn
con tàu đả thương nhổ neo
chạy trốn trước giờ G số phận
Vài công trình đầu tư khởi động
vài bản hợp đồng ký kết
lọt thõm xuống thung lũng cổ phần dự kiến
ấp ưu hoài bão
nắng chiều hong bàn tay ấm áp
chỗ em ngồi đợi tin nhắn
chỗ em ngồi uống cà phê
phiêu phất chấm xuống dòng
hồi chuông giáo đường cất cánh
mang giấc mơ đổi đời bay lên
vòm trời hình cong chữ S
5/ Bỗng dưng nghĩ đến
Uống ly nước mía vỉa hè
Tự nhiên nhớ phép tính
Hai tỷ chia cho bốn ngàn VND
Một dự án nhà máy đường tính bằng triệu USD
Chết yểu ngay vòng thử tải
Một hộ nghèo tự cứu mình
Trước khi chính quyền đưa vào danh sách tiệm cận
Bằng hai bàn tay trắng
Ăn hộp cơm chay ở chùa Hoằng Pháp Hóc Môn
Giá thành bằng ly nước mía
Lẫm nhẫm nhân lên mười lăm nghìn hộp mỗi ngày
Không kể Khóa Tu có thể tăng lên gấp ba, bốn lần
Bỗng dưng nghĩ đến sức đóng góp vô cùng của bá tánh
Tinh thần phục vụ của tăng ni phật tử
Bằng niềm tin vi dịu
Nghe thông tin trên mạng xã hội
Lượng vàng dự trữ trong dân còn mấy trăm ngàn tấn
Lượng tù nhân sắp đặc xá kỳ này đến mấy ngàn người
Một số nhà máy thủy điện ngừng hoạt động
Một số nhà máy nhiệt điện sắp phục hồi
Bất chợt nhớ em
Lần đầu tiên đặt nụ hôn lên má
Bằng cảm giác con trai
6/ Nhân chứng
Nồi cơm rượu lên men nhân chứng
phiên bản quá độ
gút hai đầu so le chiếc khăn rằn quấn cổ
ngọn đèn soi đàn lợn ủn ỉn
chiếc váy đêm tốc rốn khuya bợt bạt
chờ đợi ban mai vắt tàu lá chuối cụp tai
rỗng rảng nụ cười tem phiếu
đôi mắt cửa sổ ráo hoảnh
Lổn nhổn dũng sĩ thạch cao
nhóm đống tro tàn
trầm tích
mùi thuốc lá xông nỗi buồn trận mạc
một thời chạy xe ôm
bứt lá chít
quấn chổi đót
bọng mủ bàn tay
Tụ nước bản hợp ca không tên
ghép nốt lặng hoàng hôn nhiệm kỳ
sa bút danh mục chức tước
vinh hoa
phú quý
chiếc đầu hói hục hặc
dăm ba sợi tóc hối lộ bạc màu
lắng nghe tiếng kêu đồng đội từ phía góc rừng âm u
Điểm chỉ kẻ phản bội nhân dân
người gác cổng công lý
tham gia cờ bạc
người bảo vệ công bằng
mua quan bán chức
người nhân danh cộng sản
ức hiếp quần chúng
Sụt sùi tiếng đàn bầu não ruột
đôi chân chệch choạc táp mé chiều
vốc cạn nước mắt
ném hòn sỏi số phận vào dòng sông hư danh lủm bủm
bàn tay gầy vén màn đêm phục kích
bước qua sự hi sinh thầm lặng
khắc khoải cơ hội chiến thắng
dùng dằng nỗi nhớ
người vợ đói môi
cắn thanh giường bật máu
vầng trăng khuyết
quay ngang bầu trời tự do
Lỏng bỏng chiếc bánh chưng ba tấn cuối cùng
giấu cái tôi bên trong thung lũng lá chuối
ngập ngụa nép tẻ
vòng vọt dĩ vãng
bắn vào không gian ướt mi
mũi tên tẩm độc mị nương
bản án tử hình
tuyên phạt sự vong ân
7/ Xin đừng tát em
Bởi em là Dương Liễu
Sinh ra trên bờ biển Quảng Bình nắng gió
Trong chiến dịch ra quân trồng cây gây rừng
Chống xâm thực
Ngập mặn
Cản gió
Giữ độ ẩm cho đất
Màu xanh cho làng
Tiếng ve râm ran cho những trưa hè oi ả
Xin đừng tát em
Kẻo nỗi đau hệ lụy tinh thần lãnh đạo của Đảng
Về chủ trương bảo vệ bờ biển
Lây lan cơ thể Công Đoàn
Về phong trào thi đua
Ảnh hưởng đến Thanh Niên
Về trách nhiệm của tuổi trẻ
Với tương lai đất nước
Nỗi nhục phủ lên mái trường Xã hội Chủ nghĩa
Về hướng dẫn học sinh đào lỗ, đặt cây, trồng, chống đỡ, tưới nước
Cho em thích nghi
Tồn tại và phát triển
Xin đừng tát em
Kẻo thân thể trầy sướt quẹo quặt
Xấu xí hình ảnh quê hương
Kẻo tâm hồn tổn thương
Hạn chế ý chí đấu tranh chống lại bão tố phong ba
Mỗi năm trút lên đầu ngư dân
Kẻo đôi má sưng húp biến dạng
Mất đi vẽ đẹp thơ ngây trong sáng
Tự ngày được trồng, được lớn
Được nuôi dưỡng của các mẹ, các chị
Ngày đêm bám biển
Em sẽ lớn lên từng ngày, từng giờ
Nguyện làm cánh rừng phòng hộ
Che chắn bảo bọc
Minh chứng sự kiên cường bất khuất
Mài giũa uốn nén từ gốc tới ngọn
Từ cành đến lá
Từ thân đến rể
Từ nguồn dinh dưỡng bất tận của cát trắng bao dung
Xin đừng tát em dẫu lỡ tay
Một cái
Hai cái
Trăm cái
Hai trăm ba mươi mốt cái
Cũng đừng
Bởi em là Dương Liễu
Do chính cô giáo trồng
Trên bờ biển Quảng Bình
Từ mùa Xuân năm ấy
Theo lời Bác Hồ dạy
Vì lợi ích trăm năm...
8/ Ánh lửa mùa Xuân
Em cần một que diêm sót lại trong hành trình tháng chạp
mang theo sự nhọc nhằn của bố băng đồng
sự vất vả của mẹ lặn lội đường xa
gom đủ cái ăn
cái mặc
cái học
để thắp lên ánh lửa bập bùng
đêm giao thừa ấm áp
Em sẽ thức cùng bà nội canh chừng nồi bánh tét sôi sùng sục
phảng phất mùi quê hương
mùi lá chuối
mùi gạo nếp đặc trưng thơm lừng lan tỏa
em sẽ nghe bố kể chuyện làm ruộng khó khăn
chuyện chạy chợ gian nan của mẹ
chuyện con heo bỏ ăn làm cả nhà hốt hoảng
đêm nguyệt cầm nén tiếng thở ra
Em sẽ ra đầu ngõ đón chuyến xe cuối cùng
chở đám thanh niên làng mình
làm công nhân trên phố
hớn hở về quê ăn tết
đón chị ba lấy chồng làng bên
tối ba mươi dâng mâm ngủ quả rước ông bà
đón em trai học đại học năm nhất
em đón em
đứa con gái bước sang tuổi hai mươi
ngập ngừng mở tin nhắn điện thoại
đọc lời chúc tết của người yêu
Năm mới đừng "bắt nạt" anh nghe cưng!
9/ Cây cột đình trổ bông
Bữa ăn bo bo phân phối
Vốc múi mè tẫm liệm hành trình tiến hóa
bờ kinh lắng nghe loài ếch to mồm
rao giảng sự khoái lạc rau nhớt
trước khi hoàng hôn khép tán
mái chèo khua dục vọng nhất thời chạm đáy
dòng sông xỏa tóc nhớ thương
bồng bềnh tình yêu quê hương sách vở
ảo ảnh một ván cờ tri thức
đẩy con tốt sang sông
mĩ miều thực thi nhiệm vụ
Tấm biển trước công sở thay đổi danh xưng
cửa hàng hợp tác xã mua bán thay đổi chủng loại sản phẩm
mã vạch đo lường thông số kỷ thuật
gắn trước ngực người đàn ông lục tuần
tấm huân chương lao động lấp lánh mồ hôi
lời ru sóng biển rì rào
lời thơ ánh lửa bập bùng
lời cầu hôn tiếng nhạc du dương trầm bổng
cuốc xe mưu sinh bọc nệm mở cửa êm ái
lộ trình canh rượu gạo hanh thông
chiếc ti vi đổi màu
cung tiễn trắng đen về quá khứ đồ đá
giới hâm mộ nức nở trận túc cầu bên kia bờ đại dương
vỗ tay hoan hô quân xanh quân đỏ
ngòi bút sĩ phu xoay chiều
đâm gian tà thủng ruột
Tín hiệu đèn xanh nhấp nháy
tản mạn dòng người di cư cơm áo khởi sắc
dòng người tìm kiếm ánh sáng văn minh xê dịch
bản hợp hôn giữa thể xác và tâm hồn
giữa khoan dung và đố kỵ réo rắc
tiếng côn trùng nỉ nôi
nhập vào đêm trắng
khoảng lặng tri âm
khán phòng kinh tế hòa tấu bản nhạc thành công
thôi miên khán giả
ngày đông giá của em tan biến
sau chuyến đi dài
lênh đênh bám đuổi hợp đồng dầu khí
điện năng lượng mặt trời
rau sạch nấm ngon…
10/ NÉT CỌ THỜI GIAN
Đằng sau màu xanh dịu dàng
Là cánh đồng mênh mông bát ngát
Nơi lũ trẻ bắt đầu đánh vần nhưng chưa kịp hiểu
Quê hương sâu lắng nhường nào
Đằng sau màu đỏ tự hào
Từng đoàn quân trùng trùng ra trận
Nơi cả lớp giơ tay em nào cũng xin đi bộ đội
Đất nước lâm nguy tuổi trẻ lên đường
Đằng sau màu vàng thân thương
Là mùa thu vô thường khắc khoải
Nơi hai người yêu chia tay bởi chiến tranh tao loạn
Hạnh phúc đôi khi quá đổi vô tình
Còn nhiều nữa sắc màu lung linh
Giấu đằng sau bức tranh cuộc sống
Không thể đẹp hơn nên mỗi ngày âm thầm nhấn nhá
Đêm về trang giáo án chao nghiêng
Còn nhiều nữa số phận chung chiêng
Giấu đằng sau tiết học vừa mới điểm danh đã nghe trống trường giục giã
Là ngón tay em loang màu mực tím
Vẽ trái tim thầy. Nét cọ nhuốm thời gian
11/ Trứng rụng
Vòng kinh của em 27 ngày!
Hồi mới lấy nhau anh nghe câu này như vịt nghe sấm, mắt tròn xoe giống 2 viên bi chai bọn trẻ trâu bắn cái vù, trúng trật gì cũng cười khà khà, xong đứng dậy phủi đít chơi tiếp.Em mặc kệ, đàn ông mà!
Mãi đến khi sinh đứa con thứ 3 anh mới bắt đầu chú ý đến em. Em nói gì, làm gì, giận hờn ra sao... Anh đều can thiệp. Cũng là lúc em ngấp nghé tuổi bốn mươi. Trên đôi má bầu bĩnh mới nhìn thôi, đàn ông đã muốn lao tới cắn; đôi môi "dâu tây" mới thoáng qua thôi thì đã khối anh muốn hôn lấy hôn để, (mà em thì thích hôn nồng nàn cơ). Đã bắt đầu xuất hiện những đường link nhỏ xíu, báo hiệu trang web già nua sắp đi vào hoạt động.
Vòng đời em tầm 50 anh nhỉ?
Bỗng một hôm đang ăn uống ngon lành, em buộc miệng nói vậy. Anh buông đũa. Bởi, sự vô tư đến dại dột của em. Kể từ hôm đó, anh đặc biệt quan tâm đến vợ nhiều hơn nữa. Em lại nửa mừng, nửa lo. Bởi, thi thoảng anh ôm em thật chặt vào lòng, hôn em thật sâu, thật lâu, rồi thầm thì "anh yêu em".
Một câu nói tưởng chừng cũ mèm, tưởng như sáo rỗng ấy lại có ma lực hút tóc em bồng bềnh, hút mắt em lúng liếng, hút hơi thở em dồn dập, thổn thển. Và, mỗi lần em bấm đốt tay nhẫm tính vòng kinh "hôm nay mười tây, còn ba hôm nữa mới bị... " . Anh lắng nghe, tằng hằng một tiếng rõ, sau đó tự động thay đổi hành vi rất nhanh, rất thiết thực. Đàn ông phải thế! (ai biết tiếng Anh dịch hộ em câu này).
Anh dậy sớm hơn mọi ngày, túm hết quần áo dơ bỏ vào máy giặt nhấn nút. Anh lấy cây lau nhà vặn nước, lau bằng hết những ngóc ngách trong nhà cho thật sạch, thật bóng rồi cười hề hề, nói. Bà xã thấy sao, có sạch không? Dĩ nhiên em lắc đầu, cái "lắc đầu" ngu nhất của phụ nữ, mà đếch mẹ nào biết!
Chiều anh về sớm, ghé chợ mua thức ăn, tự tay thái rau, băm thịt, đánh vảy cá rồi xào nấu, khói bay thơm lựng cả một ngôi nhà vốn chìm trong yên lặng. Anh lại hỏi những câu vu vơ đại loại, em ăn ngon miệng không, em thấy món này anh làm như thế nào? Và, em - người đàn bà "thiếu muối" cuối cùng trên trái đất này lắc đầu bảo. Dở ẹc!
Tháng này, chu kỳ kinh nguyệt em lại sụt 1 ngày, toàn thân nhức mỏi. Em lặng lẽ bấu thành cửa nhìn ra con đường xa thẳm, những bước chân đi về hối hả, tất bật để lo cho một bữa cơm tối đầm ấm, một gia đình sum họp mà ở đó sẽ không bao giờ có anh!
12/ Giá như
Bể một góc trên cả trăm viên ngói
Thủng một lỗ đinh trên cả ngàn mét vuông mái tôn
Lẫn một mẫu thuốc lá trong hằng triệu mét khối bê tông sàn
Ngôi nhà sẽ bị dột
Sẽ tốn rất nhiều công sức tiền bạc để khắc phục sửa chữa
Sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân hư hỏng
Sẽ dừng cuộc ái ân vào khung giờ vàng tối thứ bảy lãng mạn
Rồi gia đình
Rồi đất nước
Rồi mỗi chúng ta sẽ ra sao
Khi trên đầu mình có một lỗ thủng đen ngòm rình rập
Như hốc mắt tù nhân bị tên cai ngục đánh cắp
Bữa ăn dẫu ắp đầy sơn hào hải vị
Giấc ngủ dẫu rịt tràn nệm ấm chăn êm
Buổi tiệc sinh nhật con gái đầu lòng dẫu đáng yêu biết mấy
Đều phải dừng lại để lấy cái thau hứng nước
Giá như đừng có hạt bụi cợm lên trong mắt
Một chút xốn xang
Một chút bàng hoàng
Khinh suất
Thì cái ôm đêm tân hôn sẽ riết róng biết nhường nào
13/ Kỷ niệm ngày này năm xưa
Tầm này năm ngoái, trên đường đi làm về, trời bất chợt đổ mưa, nước lai láng. Tình trạng kẹt xe cục bộ xảy ra ngay ngã tư, nơi đứng chờ đèn đỏ, cách nhà tôi nếu chạy bình thường khoảng 25 phút xe máy. Còn kẹt xe, ngập nước như thế này chẳng biết bao giờ mới đến. Tôi bắt đầu lo. Nỗi lo đàn bà rất đổi vu vơ!
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước càng lúc càng dâng cao. Mọi người nhích lên từng chút một, ai nấy đều bơ phờ mệt mỏi. Lác đác có vài người quay đầu trở về nơi xuất phát, có người tách đàn tìm nơi ẩn náu tạm thời, sau khi nghe tin phía trước có vụ tai nạn ô tô, khả năng thông đường rất lâu, có khi đến nửa đêm!
Tôi bắt đầu choáng váng. Đàn bà bước sang tuổi năm mươi biểu hiện rối loạn tâm sinh lý thất thường, trong một số hoàn cảnh nhất định như khủng hoảng tâm thần, lo lắng thái quá, kích động... Tôi đành phải tự cứu mình trước khi “xe cấp cứu bóp còi inh ỏi”. Đó là leo lên lề tìm một quán nước gần nhất!
Cuối cùng tôi cũng tìm được một chỗ ngồi tương đối ấm áp, trong một quán cà phê khá đông khách. Tôi kêu một li trà gừng nóng, phù hợp với thân nhiệt của tôi bấy giờ. Ngồi cùng bàn với tôi có 2 người nữ, 1 người nam thần thái khá tự tin. Họ vừa nhâm nhi cà phê vừa xem điện thoại, chẳng ai nói với ai câu nào? Họ là bạn hay khách cùng cảnh ngộ. Đố ai biết!
Còn tôi, vừa hớp miếng trà gừng nóng, cay, thơm. Vừa đón nhận một cảm giác sảng khoái, dễ chịu lan tỏa khắp người. Ước gì giờ này tôi đang ở nhà với chồng, với con. Vừa nấu cơm, vừa nghe nhạc Trịnh chứ không phải ngồi đây lo lắng, suy nghĩ linh tinh trong hoàn cảnh vốn “chẳng đặng dừng”!
Trời sẫm tối, mưa nhỏ dần. Mật độ người tham gia giao thông giảm mạnh, đường có phần thông thoáng. Tôi kêu nhân viên tính tiền, chuẩn bị về. Nhưng loay hoay tìm mãi chẳng thấy cái ví đâu, chắc là bỏ quên đâu đó tại bàn làm việc rồi! Tôi liền ghé tai nói nhỏ với cô tiếp viên. Chị quên mang theo tiền, cho chị nợ suất này, sáng mai chị quay lại thanh toán nhé!. Song cô ấy không chịu, vì tối nay thay ca phải bàn giao tiền cho chủ. Ối giời, có 20k mà sao không bù vào được hả em? Hơn nữa chị đâu có ý gạt lường, trời mưa, đi vội nên quên đó thôi! Cô ấy lí nhí. Chị thông cảm, em là sinh viên, làm thêm kiếm cơm mà! Tôi chùng xuống, như cà phê cánh võng miền Tây vào mùa nước nổi!
Tôi định nói thêm vài câu nữa, lại thôi. Cô tiếp viên vẫn không chịu đi, ngồi chờ lấy tiền... Trong hoàn cảnh "tấn thối lưỡng nan" ấy, bỗng có tiếng chuông reo. Tôi vội mừng, móc điện thoại ra, nhưng màn hình trợn trắng. Thì ra, tôi đã tắt nguồn từ lúc rời công sở. Tiếng chuông này của người đàn ông đối diện. Anh alo. Em hả, chồng về ngay đây, em và con chờ chút nhé, mưa lớn lắm! Anh vội tính tiền và trả luôn li trà gừng cho tôi, kèm câu nói khiêm tốn. Xin lỗi chị cho phép tôi được mời li nước này. Chị đẹp lắm!
Thú thật tôi hơi bất ngờ, chưa kịp nói lời cảm ơn thì anh đã đứng lên, dắt xe ra khỏi quán, mất hút giữa dòng người hối hả mưu sinh, giữa cái thành phố 20 triệu dân từ khắp nơi tụ hội vốn lạ hoắt lạ huơ này!
Hôm nay facebook nhắc lại kỉ niệm ngày này năm xưa. Tôi không biết phải nói gì? Nhưng nếu anh đọc được statuts này, xin anh cho tôi một đường link ngắn ngủi, một comment đơn giản. Em đẹp lắm! Nhớ đó, đừng để tôi suốt đời mang nợ nghe anh!
14/ Em ơi!
Đừng hái cà phê buổi chiều
mặt trời nhởn nhơ ngủ sớm
nhân gian chìm vào quên lãng
màu áo xanh dịu dàng biến mất giữa hoang đồi
khát khao bờ môi quyến rủ
mái tóc mượt mà
đôi mắt ướt đưa tình
để anh chàng làm thơ ngơ ngẩn
Cánh chim đại ngàn mỏi mệt
bỏ lại bầu trời tinh thể
áng mây lơ đễnh phiêu bồng
bỏ lại hàng cây mặc định
đống lá khô tẫm liệm mùa đông mục ruỗng
bàn tay kiên trì nhóm lửa
hơ nỗi buồn giàn bếp
con hoẵng bội tình kêu oan
lau lách buông tiếng thở dài
Giun dế giùng giằng cuộn chăn lòng đất
hằng đêm cô đơn dày vò ký ức
xanh xao tách vỏ
cây cỏ cựa mình xót xa thân phận
bước chân tha phương giẫm thời gian bạc thếch
tương tư nứt nhánh
thân yêu hao gầy
Đừng hái cà phê buổi chiều
sương trắng lặm miền quê ngoại
hương rừng hòa tan vị đắng
tiếng suối trong đánh thức giấc mơ ngàn đời lấp lánh
dìu nhau bản làng chiên trống
ngọn gió chuốt lạc
giùng giằng bẻ măng
gùi trên vai mối tình cuối vụ
đặt lên má hương yêu đầu nguồn róc rách
15/Nỗi sợ đàn bà
Em chỉ sợ lấy chồng rồi mỗi tối
nằm bên anh làm nghĩa vụ đàn bà
như đàn muỗi nấp bờ phên bối rối
mắt lờ đờ cánh mỏng đập qua loa
Mỗi mai lên biết bao nhiêu là nắng
không tưng bừng mà tắt lịm dưới sương
và khi đó môi em thì lạnh ngắt
chờ nụ hôn nhàu bấn giữa vuông giường
Em chỉ sợ lấy chồng rồi thay đổi
đôi mắt buồn tựa cửa ngó đẩu đâu
chiếc lá rơi bỗng dưng lòng bổi hổi
giấc mơ xưa rụng trắng những sắc mầu
Nhà cửa lạ tiếng cơm sôi bỡ ngỡ
giọng ho khàn chưa dứt dạt của mẹ anh
hai chiếc dép vội vàng mang lệch cỡ
bước dè chừng giữa quen thuộc mỏng manh
Em chỉ sợ lấy chồng rồi mai mốt
bế con thơ sông vắng đứng gọi đò
chiều xuống vội biền dâu xanh thảng thốt
sợi nắng vàng bất chợt cuốn tròn vo
Sài Gòn, 12.2018
Bình Địa Mộc
bài thơ nào cũng hay
Trả lờiXóa