Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Ghi chép miền Tây

Nhà văn, nhà biên kịch Trầm Hương


Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác 4 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long gồm Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre theo kế hoạch hoạt động văn học năm 2019. Thời gian 6 ngày, kể từ ngày 9 tháng 9 đến ngày 14 tháng 9 năm 2019.

Tham gia chuyến đi lần này có nhà văn, nhà biên kịch, nhà thơ Trầm Hương làm Trưởng đoàn; nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, ái nữ của nhà thơ “chân quê” Nguyễn Bính làm Phó đoàn. Nghệ sĩ diễn ngâm, nhà thơ Hồng Oanh; các nhà thơ Hoàng Anh, Ngọc Hoài, Phố Giang, Thế Phiệt, Kiều Huệ, Kim Hương, Xuân Trà, Quốc Toàn, Trần Dzạ Lữ, Bình Địa Mộc. Cùng với các nhà văn Kim Quyên; nhà văn Nghiêm Tới; nhà báo, nhà văn Hoài Hương; luật sư, nhà thơ trẻ Trung Hiếu; nhà văn, nhà báo, nhà lí luận phê bình Thanh Vân; nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ học Nhật Chiêu. Khách mời đạo diễn Trần Ngọc Phong.

Đúng 6h đoàn xuất phát tại 81 Trần Quốc Thảo, Tp. Hồ Chí Minh hướng về miền Tây thân yêu, với sứ mệnh “Văn học và sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long” nặng trĩu hành trang. Theo đó chúng tôi được những người có trách nhiệm ở địa phương giới thiệu, trao đổi, giải thích thêm về thực trạng môi trường, vấn đề ô nhiễm khí hậu. Được tận mắt chứng kiến cánh đồng Sen mềm mại, mượt mà tỏa hương: Trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn! Được nghe rừng Tràm trầm mặc lao xao; mục sở thị Gà Lôi tự tin đẽ trứng vàng trên thảm bèo mướt mát; những tổ chim Cò Ốc đong đưa trên ngọn Tràm, ngọn Đước trung kiên.

Trong đoàn, ngoài những bạn trẻ sôi nổi nhiệt tình, đầy năng lượng còn có các anh chị tuổi đã ngoài bảy mươi song tinh thần, nhiệt huyết sáng tạo vẫn còn dào dạt, cảm xúc vẫn giữ nhịp độ rung động như ngày đầu cầm bút. Đặc biệt có những nghệ sĩ vang bóng một thời như chị Hồng Oanh sở hữu chất giọng Nghệ Tĩnh đặc trưng qua các câu thơ, bài hát, khúc dân ca ngọt ngào, thấm đẫm. Các nốt thăng, trầm của chị mỗi lần cất lên, hạ xuống như gieo vào lòng người tiếng chim muôn thánh thót; tiếng suối róc rách, nỉ nôi một thời xa ngái. Chị Trầm Hương với những tiểu thuyết Hoa lửa, Người đẹp Tây Đô, Đêm trắng của Đức Giáo Tông, Nếu như có linh hồn, Trong cơn lốc xoáy… Để lại dấu ấn sông nước bồng bềnh với bao phận người, phận đời lênh đênh chìm nổi trong lòng bạn đọc. Tác phẩm Người đẹp Tây Đô đã tôn vinh tên tuổi tác giả thành nữ nhà văn kiệt xuất thập niên 80. Anh Trần Ngọc Phong, vị khách mời đặc biệt, đạo diễn các phim Trận đấu cuối cùng, Những nẻo đường phù sa, Ba người đàn ông, Biển gọi, Không cân sức… đậm chất Nam Bộ. Trong đó phim Những nẻo đường phù sa cùng với các diễn viên Diễm My, Diễm Hương, Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương… Đã khắc họa chân dung một Thế hệ Vàng cho nền điện ảnh Việt Nam.

Thế đấy! Không hẹn mà gặp, các văn nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Có thể đã thành công hoặc thất bại. Thậm chí có người tên tuổi sớm rơi vào quên lãng, công chúng không hề biết đến họ là ai? Song họ vẫn âm thầm sáng tác với niềm đam mê bất tận; lặng lẽ dâng cho đời những đứa con tinh thần vô giá. Với chúng tôi được đi đến, hòa nhập, khám phá, chạm vào cuộc sống thực tế là niềm hạnh phúc vô biên. Nhất là được viết về môi trường sinh thái vốn trở thành thảm họa trong một tương lai gần. Không những 5 năm, 10 năm tiếp theo ở trên rừng, dưới biển hay giữa thành phố văn minh mà ngay bây giờ, dưới chân chúng ta đang đứng, hay bất cứ nơi đâu trên dãi đất hình cong chữ S này mà còn những bịch rác thải nhầy nhụa, hôi hám chứa bằng túi nilong ai ai cũng biết rằng: Nếu vùi lấp nó xuống lòng đất lạnh, hoặc ném ra ao hồ, sông suối, biển cả… Thì hằng trăm năm sau nó vẫn còn nguyên vẹn, gây nguy hại khủng khiếp cho môi trường sống.

Khoảng 12h cùng ngày đoàn thăm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, nghe giới thiệu sơ bộ về quá trình hình thành và phát triển Hội, các hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật trong thời gian qua. Nghe giới thiệu đặc điểm tình hình khí hậu Miền Đông Nam Bộ nói chung, đối với lãnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản nói riêng. Chiều đoàn đến thăm, dâng hoa, thắp hương tưởng niệm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nghe thuyết minh quá trình di cư, lập nghiệp, tham gia phong trào đấu tranh yêu nước rất đáng trân trọng của cụ. 

Ngày thứ hai. Đoàn tham quan khu di tích lịch sữ Xẻo Quýt. Được tắm mình trong không khí mát mẻ, trong sạch của thiên nhiên hoang dã. Được len lỏi dưới những tán cây rừng nguyên sinh, thỏa mái ngồi trên xuồng Ba Lá, chầm chậm len theo các con lạch trong môi trường sinh thái đa dạng với các loài động, thực vật phong phú.

Trưa. Đoàn qua đầm sen Đồng Tháp Mười. Chứng kiến bản chất trong sạch, mượt mà nhưng không kém phần thanh tao lãng mạn của bông Sen, bông Súng. Được nghe những câu ca vọng cổ mùi mẫn, được ăn những món ăn đặc sản như cá lóc nướng cuốn sen non, bông súng mắm kho, gà vườn xào xả... 

Tối. Đoàn tham gia chương trình Giao lưu giữa Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh với sinh viên Trường đại học Đồng Tháp cùng sự tham gia của nhà thơ, nhà văn Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, cán bộ, giảng viên nhà trường. Tại buổi tọa đàm giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật Chiêu đã trình bày sâu sắc chuyên đề Văn học và Sinh thái. Các nhà thơ, nhà văn tặng sách, giao lưu với sinh viên, trả lời thắc mắc, đọc thơ, hát… Tạo nên không khí vô cùng ấm áp và thân thiện giữa khách và chủ.

Ngày thứ ba. Đoàn thăm quan Rừng Tràm Trà Sư ở An Giang. Tại đây chúng tôi được dịp chứng kiến sự trưởng thành của cây Tràm, cây Đước trên vùng đất ẩm ướt hơn 40 năm về trước. Bỗng tự hào nhớ lại 2 câu thơ nổi tiếng một thời của Hoàng Trung Thông: Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Bởi, nơi đây đã minh chứng cho công cuộc cải tạo đầm lầy, sức mạnh tập thể, ý chí vươn lên, tinh thần dám nghĩ dám làm của Đảng bộ và Nhân dân An Giang; biến vùng đất quanh năm ẩm ướt, lầy lội, nhiễm phèn thành cánh rừng du lịch xanh ngát, sầm uất như ngày nay.

Tối. Đoàn về Long Xuyên, tham gia chương trình truyền hình trực tiếp chủ đề Tọa đàm, giao lưu Văn học với biến đổi khí hậu, môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long do đài truyền hình An Giang thực hiện gồm: Nhà văn, nhà biên kịch Trầm Hương; nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu; luật sư, nhà thơ Trọng Hiếu. Gồm nhà báo, nhà văn Hoài Hương; nghệ sĩ diễn ngâm, nhà thơ Hồng Oanh; đạo diễn Trần Ngọc Phong. Tại đây các văn nghệ sĩ đã trình bày quan điểm bảo vệ môi trình sinh thái, trăn trở về mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, tình trạng sạt lở đất, xâm thực, lũ muộn. Ngoài ra các nhân vật cũng tham gia đọc thơ, diễn ngâm, hát. Đặc biệt đạo diễn Trần Ngọc Phong đã hát ca khúc nhạc phim Những nẻo đường phù sa nổi tiếng do chính anh đạo diễn cách đây 23 năm. Một khoảng thời gian đủ dài để khẳng định giá trị tinh thần của một sản phẩm điện ảnh nghệ thuật vị nhân sinh. 

Kết thúc chương trình, Đài truyền hình An Giang tổ chức tiệc chiêu đãi đoàn với tình thương mến thương, cùng sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu giữa những người làm báo nói, báo hình, báo viết với nhau một cách chân thành!

Ngày thứ tư. Đoàn tiếp tục giao lưu với Đài truyền hình An Giang, được các anh trong Đài mời ăn sáng. Trưa đến thăm Thiền Viện Trúc Lâm An Giang, nghe Quý thầy nói về sự ra đời của Thiền viện, phân tích về tác dụng ăn chay đối với môi trường sinh thái. Đặc biệt được quý thầy mời ăn cơm chay! 

Đoàn thăm chùa Ba Thê, Khu di tích Óc Eo, là địa danh tụ hội đầy đủ các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Chúng tôi dường như được đu trên một sợi dây văn hóa, kết nối giữa 2 đầu quá khứ và hiện tại. Được biết văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên, được phân bố ở quanh sườn và chân núi Ba Thê, Linh Sơn Nam, Linh Sơn Bắc, gò Danh. 

Ngoài ra đoàn còn tận mắt thấy các hiện vật trưng bày nền văn Óc Eo như Mộ vò gốm bên trong chứa năm hạt chuỗi bằng vàng, một chuỗi hạt mã não; Mộ huyệt đất hình chữ nhật; Mộ hỏa táng hình vuông được xây bằng gạch, chính giữa để một lỗ vuông thông suốt, bên dưới lớp cát trắng chứa các lá vàng, chuỗi hạt bằng đá quý. Di chỉ xưởng, có những chuỗi hạt thành phẩm và bán thành phẩm, đá thủy tinh với đủ loại hình, màu sắc.

Chiều cùng ngày chúng tôi về nhà anh Trần Dũng, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh ăn cơm tối, giao lưu văn nghệ trong không gian vô cùng ấm áp. Tại đây chúng tôi được nghe kể những câu chuyện về tình người, tình đất, tình đồng chí sâu nặng đối với anh em văn nghệ sĩ trong thời chiến lẫn thời bình. 

Ngày thứ năm. Đoàn thăm Nhà máy Nhiệt Điện Duyên Hải, được nghe lãnh đạo và cán bộ phụ trách truyền thông thông tin về sự ra đời của nhà máy cũng như quá trình xây dựng, chuyển giao, vận hành. Hiện nay cơ bản nhà máy đã đi vào hoạt động bình thường, đúng quy trình kỷ thuật cũng như xử lí các khâu An toàn lao động, An toàn vệ sinh môi trường. Trong đó đặc biệt quan ngại về khâu xử lý chất thải tro, xỉ; khâu giảm nhiệt, giảm độ rung, tiếng ồn; khói; khâu xuất nhập nguyên liệu, bến bãi đều ở trong ngưỡng cho phép.

Được biết tại thời điểm đoàn tham quan, thì lực lượng lao động nhà máy gồm 50% người ngoại tỉnh, 50% người địa phương. Tất cả là người Việt Nam, không có người nước ngoài; phần lớn lao động được đào tạo bài bản ở các trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nhà máy luôn luôn có kế hoạch tái đào tạo, đào tạo gối đầu để bảo đảm sản xuất.

Thăm khu lưu niệm Tàu Không Số. Tại đây đoàn được nghe thuyết minh về quá trình chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Đặc biệt Đoàn Tàu Không Số, khởi đầu gồm 6 đồng chí được tổ chức phân công tìm đường vận chuyển vũ khí trên biển từ Bắc vào Nam, mở đầu con đường huyền thoại trên mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với điều kiện tàu thuyền thô sơ, thông tin bí mật, thuyền trưởng, thuyền viên chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng các anh đã hoàn thành sứ mệnh vẽ vang, mở ra con đường vận tải biển, chuyển hàng ngàn tấn vũ khí đạn dược vào Miền Nam chiến đấu.

Cùng ngày đoàn ghé thăm đề thờ Bác Hồ, danh thắng Ao Bà Om, chùa Âng, chùa Hang, biển Ba Động. làng nghề bánh tét Trà Cuôn. 

Đền thờ Bác Hồ là biểu tượng “công trình trái tim” bởi ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết giữa tình yêu, sự kính trọng của Nhân dân đối với chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt thời gian làm đền, địch đã nhiều lần đánh phá, phóng hỏa nhưng đền vẫn được bà con bảo vệ, tiếp tục tái tạo và gìn giữu, cung kính cho đến ngày hôm nay.

Danh thắng Ao Bà Om, nói lên sự kiên trì nhẫn nại của người phụ nữ Việt Nam, trong suốt quá trình lao động cần cù, chịu khó chịu thương xây dựng và hình thành đất nước, để lại cho thế hệ sau sự cung ngiêm và ngưỡng vọng.

Chùa Âng, là một trong những ngôi chùa cổ nằm trong hệ thống cấu trúc chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh. Chùa rộng, thoáng; là nơi quy tụ tín ngưỡng Phật Giáo mang nhiều đặc trưng của đồng bào Khmer.

Chùa Hang. Tên gọi này dựa vào thiết kế cổng chùa vòm, giống như một cái hang. Chùa thuộc hệ Phật Giáo Nam Tông, bên trong sầm uất, chùa còn là nơi sản xuất, điêu khắc gỗ lũa, vật lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ như con trâu, cái cày, chim đại bàng, thuyền buồm. Ngoài ra không gian chùa, cây cảnh chùa cũng là nơi để đàn cò trắng nhởn nhơ cư ngụ.

Biển Ba Động là danh thắng nổi tiếng Duyên Hải, giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu, hướng nhìn thoáng ra biển Đông. Biển có độ dốc thoai thoải. Khi chúng tôi đến, đúng lúc nước thủy triều rút đi, nên còn lại bãi sát dài tít tắp.

Ngày thứ sáu. Đoàn đến Bến Tre, cũng là chặng dừng cuối trước khi tiến về Sài gòn, chúng tôi tranh thủ gặp gỡ, giao lưu với các anh chị trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bến Tre. Cùng trao đổi, hàn uyên về tình hình sáng tác, về biến đổi khí hậu, về biện pháp ngăn chặn và tinh thần giáo dục cộng đồng hướng đến sử dụng vật dụng thân thiện thiên nhiên, hạn chế đồ nhựa… Ngoài ra đoàn còn được thưởng thức rượu chuối hột Phú Lễ, món ăn Tép rim dừa và bắp luộc Bến Tre rất tuyệt vời. 

Ra đi là cuộc trở về. Trở về sông suối, cội nguồn. Trở về bản ngã con người. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chắp cánh cho nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ trưởng thành trên nhiều dòng văn học. Trong đó dòng văn học cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chiến đấu, hi sinh gian khổ của Quân và Dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch hồ Chí Minh vĩ đại.

Hi vọng sau chuyến đi thực tế lần này, đoàn văn nghệ sĩ Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, sẽ có những tác phẩm hay hơn, đẹp hơn về Đồng bằng Nam Bộ. Đặc biệt về môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, hướng khắc phục, trùng tu, tái tạo, bảo vệ những di tích, danh thắng vốn đã chứng minh ý chí tự cường, tâm hồn lãng mạn, tình cảm thân thiện của người Cửu Long Giang với cộng đồng.

Sài Gòn, 9.2019
Bình Địa Mộc 



















1 nhận xét: