Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Quê hương thao thiết trong thơ Hoàng Hải Phương

Trong hình ảnh có thể có: Hai Phuong Hoang, đang cười, đám mây, bầu trời và văn bản
(ảnh bìa tập thơ Muộn mùa gió của anh Phương)

Ít nhiều gì người yêu thơ, làm thơ đều sống chết với thơ;thậm chí “thân bại danh liệt” cũng tại thơ, bởi thơ ở xứ ta “không đùa với khách thơ” bao giờ !
Để cảm nhận về thơ của ai đó thật không phải dể;nhất là của người yêu thơ,quý thơ lại càng khó hơn ! 

Tôi biết anh Phương từ hồi blog yahoo, đã từng “lên bờ xuống ruộng” với thị phi, đã đôi lần toan bỏ cuộc. Song tôi xin thú nhận là mình đã trưởng thành từ mạng xã hội tiên phong này. Nó để lại trong tôi cho tới tận bây giờ những ám ảnh “thế thái nhân tình”, nhiều kỷ niệm êm đềm và cả những giây phút thăng hoa ngất ngưỡng. Sở dĩ tôi dài dòng vậy là vì trong tập thơ anh Phương có kèm theo rất nhiều comments của bạn bè thời yahoo. Những lời nhận xét, những câu thơ xướng họa đầy ấn tượng, mà các tập thơ khác dẫu hay đến mấy cũng không có được. 

Thơ anh Phương nói chung đằm đã, chân tình, mộc mạc phù hợp với mọi hoàn cảnh, giai tầng, tâm trạng người đọc. Tôi chọn vài bài nói về Quê Hương để cảm nhận. 

Đó là những câu thơ dung dị như: 

Ôi trưa hè nắng cháy đen lưng
Ta say sưa cùng bạn chui luồn
Tìm cho được ổ chim dồng dộc
Gai cào cũng mặc kệ như không 

(Nổi niềm quê) 

Những cụm từ “nắng cháy lưng đen”; “chui luồn”; “ổ chim dồng dộc” và cuối cùng “gai cào cũng mặc kệ như không” trong khổ đầu bài thơ đã khắc họa bức tranh làng quê sống động, đặc thù miền Trung “chó ăn đá gà ăn sỏi” : cơ cực nghiệt ngã đến vậy song vẫn lạc quan yêu đời “sãi rộng chân lòng vui mở cờ” hồ dễ có mấy ai! 

Thế đấy, thơ không ở đâu xa, chẳng vời vợi non xanh hay hồ sâu bể rộng. Thơ quanh quẩn bên ta, bên “những bải cỏ xanh xanh”; “bên hàng cây gió thoảng”; con đường mỗi sớm, mỗi chiều “đàn trâu tiến về làng” thủng thỉnh, thung thăng trong bài thơ Chọi Gà Cỏ quen thuộc:
Đứa ngồi chổm lưng trâu
Đứa trụ chân thế tấn
Một trường đấu rộn ràng 

(Chọi gà cỏ) 

Anh Hoàng Hải Phương sinh năm 1956. Nguyên quán: Giảng Hòa, Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện nay ở tại: Khu Trung Sơn, Bình Hưng, Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh. Anh tự bạch “Tôi là nhà kinh doanh làm thơ từ rất sớm nhưng không đều và khó nhọc, dường như theo sự thăng trầm của nền kinh tế Việt nam vậy!”. 

Tôi thích nhất ý “không đều và khó nhọc”. Bởi, thơ cũng như đời, như người, như lịch sử nó phải thăng trầm, trôi nổi. Khó khăn lắm mới sáng tác được một câu thơ vừa ý, một bài thơ tạm ổn. Đôi khi có chút chông chênh, hẫng hụt mới hay; có chút nghiêng ngã đôi đường mới thấm “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (thơ Tố Hữu)! 

Xuyên suốt tập thơ, bước chân anh Phương đi khá nhiều nơi. Từ Quế Lâm - Trung Quốc đến Hà Nội, Hải Phòng… Về Đà Nẵng qua Phú Yên, rồi phiêu dạt tận Miền Tây bồng bềnh sông nước. Cuối cùng dừng chân ở Sài Gòn :
Tháng sáu Sài gòn đỏng đảnh như em
Đang nắng trút mưa dẫu trời trong vắt
Đường thông thoáng nước dâng đâu đễ kẹt
Tổ ấm chờ vui nhẫn nại lặng im 

(Tháng sáu Sài gòn) 

Tuy nhiên, Thu Bồn vẫn là địa danh hoài cổ. Nơi lưu giữ những “tiếng ghe chèo náo nức”; nhớ “sóng vít ngọn tre xanh”; để “sắn khoai tốt lên rồi”; với “tiếng cu gáy ngân dài” bắt nhịp trong thơ anh .Thân quen như dòng sông quê hương, mỗi từ, mỗi câu cứ chảy vào hồn ta những mạch ngầm mát lạnh, là cơn sóng vỗ lăn tăn, ẩn ấp qua bài Thu Bồn gợi lấp lánh.. 

Trong thư chúc mừng năm mới năm 1969, Bác Hồ đã tiền đoán cuộc kháng chiến sẽ thành công khi “ đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. 

Cuối thập niên 60 nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn sáng tác bài hát “Gia tài của Mẹ” cũng chốt một câu rất đắc “hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Rồi cuối cùng. cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta kéo dài 21 năm! 

Thông qua 2 tư liệu về thơ nói trên, ta thấy Thơ có thể linh cảm, tiên liệu, là điềm báo trước cho cuộc sống sẽ xảy ra như thế nào? Nhà thơ Hoàng Hải Phương không ngoại lệ, ít nhiều gì tác giả cũng đôi lúc, đôi nơi dự cảm: 

Tháng chạp bộn bề dự cảm tương lai 
Một lò gạch cho ngói hồng thêm mãi 
Một con đường rộng rãi để xe lăn 
Hàng cột điện băng đồng như vô tận … 
Thật không yên ã chút nào sau lũy tre xanh 
Sẽ chấm dứt một thời mái nhà tranh 
Mà mưa gió tháng năm ẩm ướt? 

( Dự Cảm) 

Đây là thời kỳ đất nước khốn khổ vì chiến tranh biên giới nhưng đã có những manh nha đổi mới từ khoán hộ để có sự thay đổi ngoạn mục tại nông thôn sau này. 

Thêm một cảm xúc mượt mà nữa về Quê hương trong thơ Hoàng Hải Phương.Một dòng sông con nước ròng, nước lớn ;cũng một biền dâu thao thiết bờ xanh, một thoáng mây bồng bềnh, chiếc thuyền chao nghiêng thường thấy trong thi đàn Việt Nam, nhưng ở tác phẩm Dự Cảm .một nét chấm phá mới như “mùi khói un dọn đất cay nồng”; một ký ức xa xôi hiện về chính nơi dòng sông Thu Bồn man mác “cậu bạn tôi ngã xuống bến này” là cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh không cân sức! 

Quê hương đối với mỗi người là những kỷ nịệm thân thương của tuổi thơ,như “ chùm khế ngọt cho em treo hái mỗi ngày”, là mối tình thơ ngây với “cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích” để bao nhiều là quyến luyến ngày gặp lại : 
Thì ở anh Phương, ta bắt gặp một chút gì đó ngại ngùng, e ấp đáng yêu:
Thăng Bình quê em đất ấy có hồn
Hàng dương liễu tóc xanh dài năm tháng
Bước chân ai bịn rịn cát bên cồn
Gió phóng túng hôn mặt người dày dạn 

(Thăng bình quê em) 

Trong bài thơ này tác giả đã mượn “gió phóng túng” để “hôn” em, mặt người dày dạn vì nắng mưa, bảo táp nơi đầu sóng ngọn gió thay cho thơ “em nói gì thổn thức cả trời thơ”.
Khi tôi đặt bút viết những dòng cảm nhận này, thời gian đã nhích sáng tháng Chạp. Tháng của đám giỗ, dẫy mã; tháng của tổng kết, tất niên. Với tác giả còn là tháng:
Tháng chạp về miền sông nước của em
gió chướng thông
mải mê dài rộng
mạnh mẽ chàng trai trẻ đi hoang
mùa tình yêu động 
( Tháng Chạp Về) 

Bài thơ, ý thơ, mạch thơ có gì đó miên man, thao thiết. Bởi “dồi dào vật đá lăn nghiêng”; đến “vuốt tóc tràm mềm mại”. Ý tác giả về “tóc tràm” có thể là lá cây tràm ,đặc sản vùng này tôi không rõ, nhưng tôi biết Trám là loại trái dây mọc trên núi miền trung du Quảng nam, tháng Chạp người ta thường hái về kho với cá đồng, cúng cơm dẫy mã rất ngon. Các câu còn lại cũng rất hay, vừa vẹn cho một cái ôm ấm áp từ “dưới nước kia đồng chó ngáp”; “ đến “bầu trời sạch làn da vừa tắm”. Một sự trải lòng thơm thảo, một cảm giác hòa hợp, thuần túy như sãi cánh chim, rón tay bè cá, ngọt ngọt cay cay mùi rơm rạ, cất lên từ “chén rượu nồng từ thuở đất ta xăm” trong bài Tháng Chạp Về! 

Trở lại phần tự bạch, anh Phương có nói thơ anh bấp bênh theo dòng chảy kinh tế. Thật vậy, anh đã từng công tác tại thành phố Đà Nẵng rất lâu. Lâu đến mức đã đi xa rồi nhưng niềm ao ước trở về cứ cháy bổng, khôn nguôi: 

Cứ ước về Đà Nẵng tháng ba
đêm thật sâu 
gió nồm trải quạt
đường rộng nhà tươi
hơn hớn ngủ vùi
Đôi tình nhân còn nép lại bên nhau
ấm rạo rực 
bung tràn hạnh phúc …
( Vỡ Òa) 

Đà Nẵng, mảnh đất gắn kết đồng bào các vùng nông thôn, huyện miền núi trong thời chiến tranh ác liệt tản cư ra đây làm ăn và sinh sống. Nhờ sự giao thoa này ,Ít nhiều gì cũng tập hợp được một số bản chất cần cù, chiụ thương chịu khó của người nông dân để hình thành một phong cách lao động miệt mài như đoàn tàu rời ga “gật gù miết bánh/ chẳng thấy ánh trăng”; âm thầm lao về phía trước.Đây là phía “sáng ngời lên cát”; để dẹp bỏ “lòng hoang mang” thực tại đời sống “qua nhà tôn thấp mái” cơ cực trong những ngày nội chiến đau thương! 

Đến một lúc nào đó, con người cho dẫu đi tứ xứ rồi cùng phải quay về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nơi:
Bình yên đây Giảng hòa thôn
Đường làng thẳng tắp, rào vuông chè Tàu
Xanh um vườn mít hàng cau
Chăn tằm chằm nón ,nương dâu luống cà
Đầu thôn ngọtgiếng nước mà (*)
Đêm trăng hò hẹn tiếng ca bài chòi
Chiếc nôi cách mạng một thời
Vọng trong ta mãi bồi hồi bước chân… 
( Giảng Hòa Xưa) 

Và, tôi xin phép trích bài thơ ngắn Nhuận Nghe sau đây để thay cho lời kết cảm nhận tập thơ “Muộn Mùa Gió” của nhà thơ Hoàng Hải Phương. Lắng lại một tuần hoàn giấc mơ, có gió thổi vừa lạnh, có tiếng kêu vừa đủ giật mình, nghe ai đó giấu cái gì đó trong túi ngực căng phồng thời trai trẻ. Lắng lại để nghe chiếc thìa khua lốc cốc trong li cà phê ít đường, mỗi sáng soi gương đời, đếm những sợi tình bạc trắng:
Ngày thơ tôi dấu nàng đi
Nhuận nghe thơ bạn cà phê ít đường
Giọt nâu chẳng thể soi gương
Biết đầu sợi bạc còn nhường sợi đen… 

Sài Gòn, 12.2018
Bình Địa Mộc 

1 nhận xét: