Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

Ra mắt sách tại đường sách

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời
Nhà văn Hồ Xuân Đà

Tôi nhận giấy mời khá trang trọng về dự ra mắt sách của nữ nhà văn Hồ Xuân Đà qua tin nhắn faceook, chứ không phải qua đường bưu điện như trước đây. Chợt nghĩ cái tiện ích này tuy đơn giản nhưng phát huy tác dụng khá hiệu quả. Chí ít về mặt thời gian cả người nhận lẫn người gởi, giảm lưu lượng người tham gia giao thông, đỡ kẹt xe, ngập nước. Hạn chế lượng rác thải không cần thiết ra môi trường vốn đầy ắp phế phẩm, phế liệu. Mạng xã hội là thành quả lao động của nhân loại. Ai không sử dụng, không sở hữu mới đáng tiếc làm sao!

Sở dĩ tôi dông dài như vậy, bởi tôi chẳng hề quen biết gì với cô Hồ Xuân Đà. Nhưng qua sân chơi facebook, qua comment các bài viết của bạn ấy tôi được mời đến dự buổi giới thiệu tập truyện dài Bồ Công Anh Nhỏ, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Một điểm đến khá lý tưởng về văn hóa đọc, hình thành, phát triển chừng vài năm nay. Cũng chừng ấy năm ấy, đường sách này đã chắp cánh cho nhiều tác phẩm, tác giả bay lên bầu trời chữ nghĩa, không những tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Mà còn tung tăng, nhảy múa khắp nơi trên cả nước, kể cả nước ngoài. Đây thật sự là ý tưởng sáng tạo độc đáo của lãnh đạo, nhân dân thành phố không kém gì Đường hoa Nguyễn Huệ, làm nên một thương hiệu Sài Gòn rực rỡ sắc màu.

Nhà thơ phải biết kiệm lời, nhưng tôi cứ dài dòng ở cái đoạn "bầu trời chữ nghĩa". Bởi lẽ thường người ta hay nói "cánh đồng chữ nghĩa". Có phần đằm đã, mát mẻ hơn chăng! Hay ở đó dễ dàng bắt gặp chân quê thật thà, dễ thấy đồng chiều cuống rạ. Có tấm lưng còng của mẹ, bước chân bì bõm của cha, có cây lúa cúi đầu nặng hạt. Có tiếng ếch văng vẳng bên tai, mà giật mình lại ngỡ tiếng ai gọi đò. Trăm năm rồi cánh đồng ấy đã tháo nước be bờ, dồn điền đổi thửa cùng các nhà văn, nhà thơ bền bĩ, can trường cho ra đời những áng văn chương bất hủ, muôn sau không ai chạm đến dẫu một từ, một câu.

Chẳng hạn từ “ví dụ” trong tập truyện Ví Dụ Ta Yêu Nhau của Đoàn Thạch Biền, cụm từ “tướng về hưu” trong tập truyện ngắn Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp, từ “vợ nhặt” trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân. Mà các thế hệ cầm bút sau này dẫu có muốn “ví dụ ta hôn nhau” cũng ngại, dẫu có thích “quan về hưu, lính về hưu” cũng sợ, dẫu có dịp “nhặt chồng, nhặt con” cũng khựng tay dừng lại. Tôi có linh cảm các từ, cụm từ, hình ảnh này dường như đã đóng đinh trên thập tự giá sáng tác, không ai dám vượt qua dẫu một lần trong suốt cuộc đời cầm bút.

Tuy nhiên cũng tùy theo diễn biến cuộc sống, thơ văn sẽ từng bước mở ra những hướng đi mới, nhằm hòa nhập vào cộng đồng. Bản thân tác phẩm cũng biết cách sàng lọc, phân hóa để đi đường dài với bạn đọc. Tác giả cũng biết cách cải tạo đất, chọn giống, gieo mầm để đứa con tinh thần của mình chào đời khỏe mạnh, nằm trong chiếc nôi văn hóa bạn đọc, lắng nghe giọng ru hời của các bà mẹ bao dung. Chợt nghĩ quá trình thai nghén, sinh nở ấy sẽ rất đau đớn và vô cùng nghiệt ngã. Tập truyện dài Bồ Công Anh Nhỏ của Hồ Xuân Đà ra đời trong mùa dịch cúm Covid 19 vừa qua là ví dụ. Một sự cố gắng lớn, thể hiện tác động mạnh mẽ giữa nghệ sĩ và cuộc sống, giữa nghệ thuật và nhân sinh rất đáng tự hào và trân trọng.

Bồ Công Anh Nhỏ là tác phẩm văn học viết về tuổi mới lớn, đang học trung học cơ sở hoặc bỏ học nửa chừng vì hoàn cảnh khó khăn đều có thể tiếp cận. Độ tuổi này tâm sinh lý thay đổi, dễ nên và cũng rất dễ hư, vốn làm cho các bậc phụ huynh ngày đêm trăn trở. Sự bất thường, nổi loạn của các em là điều không thể tránh khỏi. Còn nổi loạn đến mức nào, bất thường đến đâu ít nhiều phụ thuộc vào sự giáo dục, theo dõi, giúp đỡ của cha mẹ, thầy cô. Song không thể phủ nhận, đó là sự yêu thương, đùm bọc sẻ chia đối với người thân trong gia đình, bạn bè thầy cô ngoài xã hội luôn thường trực, cháy bỏng trong các em. Còn ai khơi dậy, vun đắp nhằm thổi bùng ngọn lửa nhân văn ấy là câu chuyện khác. Câu chuyện của các em học sinh với cô giáo trong tác phẩm Bồ Công Anh Nhỏ do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành, giá bìa 69.000 đồng. Sách dày hơn 140 trang viết mềm mại, mượt mà, diễn đạt theo ngôn ngữ học trò, lý giải vấn đề theo cảm xúc của tuổi mới lớn thông qua nhân vật Bụi Phấn.

Bụi Phấn là em bé cá tính, thường im lặng, giấu cảm xúc vào bên trong hành động. Dào dạt ước mơ, muốn thay đổi, muốn hành động. Em giàu lòng vị tha, yêu thương cháy bỏng. Em sẵn sàng chấp nhận, đương đầu với mọi thử thách, kể cả khắt khe khó chịu của gia đình cũng như mọi người chung quanh để vươn lên trở thành người lớn, trong tâm hồn trẻ con. Em có những hành động và suy nghĩ hướng đến cộng đồng, hướng đến bạn bè bằng sự khác biệt trong học tập, chơi đùa, giao tiếp với thầy cô. Những cảm nhận tinh túy, cách hành xử ngây ngô đan xen vào nhân vật, hòa quyện vào tập thể lớp, tạo nên bức tranh sinh động, hấp dẫn. Về phía phụ huynh, tôi nghĩ đọc tác phẩm này sẽ phải giật mình nhìn lại mình, tự vấn bổn phận làm cha, làm mẹ hay thái độ ứng xử với con cái đã đúng mực chưa, đã hợp lý chưa? Là thông điệp không thể thiếu đối với quý vị vốn ngày ngày tất bật với cơm áo gạo tiền.

Bồ Công Anh Nhỏ là bầu trời chữ nghĩa bay lên từ Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, chắt chiu từ tinh dầu độ lượng của cô giáo, chưng cất ấm áp trong lòng người mẹ. Nhưng hơn hết Bồ Công Anh Nhỏ được hình thành từ trái tim người phụ nữ chịu khó chịu thương, hết lòng vì gia đình nhỏ của mình trong cuộc sống đầy chông chênh, trắc ẩn. Lời văn duyên dáng, lối kể nhẹ nhàng, cách giải quyết vấn đề nhân văn tạo ấn tượng đẹp cho nhân vật, cho người đọc song hành cùng hoài bão, khát vọng của tuổi mới lớn. 

Được biết Bồ Công Anh là loài cây dại gần gũi thân quen với con người, có thể ăn được, uống được. Bởi nó chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, hàm lượng khoáng chất cao, đầy đủ các loại Vitamin… Là loài thảo dược quý, sau khi bào chế sẽ giúp cho con người chữa lành các loại bệnh như viêm, nhiễm. Nó còn làm đẹp da, bổ máu, bổ tỳ. Tuy nhiên tôi lại muốn Bồ Công Anh Nhỏ của nữ sĩ Hồ Xuân Đà mãi mãi đồng hành với chúng ta như Lá Diêu Bông với Hoàng Cầm, như “đừng tắm chiều nay biển lắm người” với Nguyễn Bính, như “giang hồ ta chỉ giang hồ vặt” với Phạm Hữu Quang.

Tôi muốn Hồ Xuân Đà với Bồ Công Anh Nhỏ trở thành đôi tình nhân lãng mạn, dìu nhau đi suốt chặng đường văn học. Là tác phẩm viết về thiếu nhi hay nhất, nổi tiếng nhất. Tác phẩm sẽ có mặt trên các kệ sách gia đình, giá sách siêu thị, được bày bán khắp nơi, để phụ huynh học sinh sở hữu món quà tinh thần vô giá, viết bằng trái tim cô giáo xinh đẹp và rất đáng yêu!

Sài Gòn, 6.2020
Bình Địa Mộc

Nhà thơ Khét / Nhà văn Hồ Xuân Đà
& Bình Địa Mộc 
 

1 nhận xét: