Tác giả: Hoàng Hải Vân
Cuối tuần qua giá Bitcoin đã chạm tới mức kỷ lục 42.000 đô la. Trong vòng 1 tháng qua. Giá đồng tiền kỹ thuật số này đã tăng phi mã lên gấp đôi. Ta thấy gì về hiện tượng này?
Trước hết xin nói xa xôi một chút. Bạn có 1000 đô la mang cất vào tủ. Nếu lạm phát 5% thì năm sau bạn vẫn còn 1000 đô la nhưng sức mua chỉ tương đương với 950 đô la năm ngoái. Nghĩa là bạn đã mất trắng 50 đô la. Tài sản mà mất nếu không bị cháy nổ hư hỏng thì nhất định phải có đứa ăn trộm. Đứa lấy trộm 50 đô la của bạn không ai khác chính là nhà nước. Nó không cần cạy tủ nhà bạn để chui vào lấy mà nó chỉ cần in thêm tiền để tiêu khiến cho đồng tiền bạn nắm giữ giảm giá. Cái đó nói nhẹ gọi là đánh thuế trá hình. Nói nặng là cướp đoạt trá hình. Bạn bị cướp mà bạn không hề biết là do có một đám trí thức lừa đảo gọi là các nhà kinh tế học vĩ mô được nhà nước sử dụng để tung hỏa mù che mắt bạn.
Thoạt kỳ thủy nhân loại không có tiền. Giả sử tôi trồng chuối ăn không hết và bạn nuôi gà cũng ăn không hết. Tôi mang buồng chuối sang nhà bạn đổi lấy một con gà. Đó là kinh tế hàng đổi hàng. Nhưng buồng chuối của tôi không mang đi xa được kể cả con gà của bạn cũng vậy. Nên người ta dùng một vật trung gian gọn nhẹ tương đối khó kiếm thay cho buồng chuối hay con gà để giao dịch. Ban đầu là vỏ sò sau đó là miếng kim loại. Nhưng những vật trung gian đó ngày càng dễ kiếm nên giá trị của chúng giảm xuống tương ứng. Đó là tình trạng sơ khai của cái gọi là lạm phát. Dần dần nhân loại đã mày mò tìm ra những thứ khó kiếm nhất nhưng vẫn có thể kiếm được đó là bạc cuối cùng là vàng. Số lượng vàng có trong cộng đồng gia tăng hàng năm rất ít do việc đào đãi gặp không ít khó khăn vất vả. Cho nên người ta tạm chấp nhận lượng vàng gia tăng hàng năm không nhiều hơn việc gia tăng tổng sản vật mà cộng đồng làm ra được. Nhìn chung dùng vàng làm vật trung gian trao đổi không dẫn đến lạm phát. Và để cho giản tiện thay vì cầm vàng đi trao đổi người ta làm một tờ giấy chứng nhận. Tờ giấy đó chính là tiền. Tiền đó dựa trên số vàng mà phát hành gọi là bản vị vàng. Cũng có nơi dùng bạc, gọi là bản vị bạc. Nước Mỹ từ năm 1800 đến năm 1913 trước khi FED ra đời trong vòng 113 năm lạm phát bằng 0 là do bản vị vàng khống chế.
Một xã hội tự do trước hết là một xã hội mà tài sản của cá nhân được cộng đồng bảo vệ. Cho nên vàng được coi là Chiến sĩ bảo vệ tự do. Dưới chế độ bản vị vàng nhà nước không thể tùy tiện in thêm tiền nếu không có số lượng vàng tăng thêm bảo đảm. Bởi vậy ngân sách của nhà nước chỉ có tiền thuế mà thần dân của nhà nước đó nộp. Nhà nước nào cũng thích đi gây sự hoặc tự phong thêm nhiều sứ mệnh để ra oai. Mà muốn vậy thì phải tăng thuế nhưng tăng thuế quá thì dân không chịu nên người ta đã phải tìm cách khác. Cách đó là xóa bỏ bản vị vàng để tự tiện in tiền. Gọi là tiền giấy pháp định. Trừ cuộc chiến của Napoleon và nội chiến ở Mỹ nhìn chung thế kỷ 19 ở phương tây rất hòa bình không có cuộc chiến tranh nào lớn. Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra ngoài những nguyên nhân về địa chính trị. Nguyên nhân quan trọng nhất là các chính phủ bắt đầu rời khỏi bản vị vàng để in tiền đi gây chiến.
Các cha già lập quốc Mỹ rất cẩn thận trong vấn đề tiền nong nên đã cấm in tiền giấy để ngăn chặn nhà cầm quyền làm loạn. Nhưng cuối cùng phái tả đã lách Hiến pháp xóa bỏ bản vị vàng. Chuyện này tôi đã đề cập trong các tút trước. Tổng thống Reagan từng có ý định khôi phục bản vị vàng nhưng không thành công. Và nhìn chung nhân loại không thể nào quay trở lại bản vị vàng được nữa. Sau khi Mỹ thả lỏng việc kiểm soát vàng thì vàng mới được giải phóng. Giá vàng tăng giảm theo nhu cầu của thị trường. Vài chục năm trở lại đây mỗi khi có khủng hoảng các chính phủ in tiền tung ra để kích cầu thì vàng tăng giá. Tài sản được chui vào vàng để trú ẩn. Nhưng do thế giới trở nên quá hỗn loạn nhân loại phải tìm thêm phương tiện trú ẩn khác. Khoảng 10 năm trở lại đây người ta đã mày mò ra một thứ khó kiếm tương tự như vàng. Đó là Bitcoin và một số loại tiền kỹ thuật số khác.
Bitcoin do một hoặc một nhóm người ẩn danh thiên tài đã dựa vào thành tựu của công nghệ thông tin để thiết lập ra. Đó là đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung không phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương của bất kỳ nước nào. Công nghệ của nó đạt đến cảnh giới không thể bị phá sập và không ai có thể can thiệp vào được để mọi người có thể giao dịch tự do trên một mạng lưới. Nguồn cung của nó dựa vào nỗ lực của các Thợ đào. Họ đào nó còn khó hơn là đào vàng. Bởi vì đào vàng còn có thể gặp may nếu trúng một mỏ vàng lớn làm tăng mạnh nguồn cung còn Bitcoin thì chỉ giới hạn mỗi năm có thể đào ra một lượng nhất định. Từ 10 năm nay nhân loại đã bắt đầu mang tài sản vào Bitcoin trú ẩn đề phòng lạm phát. Ở đây tôi chỉ nói về triết lý của nó ai quan tâm đến kỹ thuật có thể tự tìm hiểu trên mạng.
Bitcoin từ khi bắt đầu sử dụng rất ít người quan tâm và rất ít có giá trị. Dần dần có nhiều người quan tâm và tăng đột biến lên 20.000 đô la vào cuối năm 2017. Sau đó giảm dần xuống thấp nhất chỉ còn hơn 3100 đô la. Đến năm 2020 Bitcoin lại tăng đột biến. Riêng mức tăng của năm ngoái là 300% và trong vòng 1 tháng qua đã tăng hơn gấp đôi. Mức 42.000 đô la dự đoán chưa phải đỉnh. Có người còn dự đoán nó sẽ tăng lên 500.000 đô la. Nhưng dự đoán đó đúng sai thế nào chúng ta không biết được. (Update: Hôm nay đầu tuần Bitcoin giảm 11% so với ngày cuối tuần xuống còn hơn 35.800 USD. Có lẽ do thị trường tăng nóng nhà đầu tư bán mạnh để chốt lời)
Mức tăng đột biến của Bitcoin xuất phát từ hai yếu tố: Thứ nhứt là việc các chính phủ tung tiền ra chưa từng thấy để cứu trợ dân chúng và các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Vũ Hán khiến cho dân chúng đang nắm giữ tài sản tin rằng sẽ có lạm phát trong tương lai gần. Thứ hai khả năng Đảng Dân chủ nếu chi phối cả lập pháp và hành pháp Mỹ sẽ dẫn tới việc tiếp tục cung tiền vô tội vạ để phình to chính phủ. Điều này khiến cho người nắm giữ tài sản tin rằng cả tương lai xa cũng sẽ lạm phát.
Với việc hàng loạt các chính phủ đã Hợp pháp hóa giao dịch Bitcoin cũng như các đồng tiền kỹ thuật số khác thì liệu tiền nhà nước tung ra mà không dựa trên sự bảo đảm nào trong tương lai có biến thành rác hay không? Chúng ta ngày hôm nay không dự đoán được! Còn dân chúng thì vẫn đang tìm nơi trú ẩn cho tài sản của mình để phòng ngừa bị các nhà nước tước đoạt. Đó là vàng và hôm nay có thêm Bitcoin.
Triết lý của cuộc sống là vậy. Còn trong thực tế hiện tại viết cái tút này tôi hoàn toàn không có ý khuyên mọi người đầu tư vào Bitcoin và vàng hay không. Mỗi người hãy tìm cách tốt nhất để giữ tiền của mình đầu tư vào đâu thì tùy ý nhưng không đầu tư theo phương thức đánh bạc. Bởi trên đời này các con bạc sạt nghiệp thì nhiều còn làm giàu bằng đánh bạc thì hoàn toàn không có.
P/s: Ở Mỹ cũng như Việt Nam người nào làm ra tiền bằng sức lực và trí tuệ lương thiện của mình thì hiểu được nền tảng của tự do. Nền tảng đó là quyền tài sản thường gọi là quyền tư hữu không bị xâm phạm. Muốn vậy chính phủ phải nhỏ gọn thuế má thấp không phù phép tăng tiền mà không có bảo đảm. Không can thiệp vào việc chi tiêu và đời sống riêng tư của người dân. Còn người nào làm ra tiền dựa vào các khoản tài trợ của chính phủ sống dựa vào đám đông hoặc mánh lới khai thác lợi ích từ các chương trình của chính phủ phình to thì người đó không những không hiểu tự do là gì mà còn chống lại những người bảo vệ tự do.
Sài Gòn, 01.2021
Bình Địa Mộc
(sưu tầm)
không biết thì không nên mua bitcoin
Trả lờiXóa