Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

TẢN VĂN: DÂN VI BỔN

(ảnh chặt cây ở Hà Nội: nguồn internet)

Vừa mới hết tháng giêng, nhưng nếu ai quan tâm đến hiện tượng tiêu cực xã hội sẽ thấy một loạt các vấn đề nhạy cảm liên tiếp xảy ra, bắt buộc cư dân mạng phải “xuống đường” đấu tranh đòi lẽ phải, giống như “giọt nước tràn ly” vậy.

1.- Đó là vào sáng mùng một Tết Ất Mùi, ban bí thư trung ương đoàn thanh niên do đồng chí bí thư thứ nhất Nguyễn Đắc Vinh dẫn đầu tới thăm, chúc Tết các vị nguyên lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước và thắp hương tưởng nhớ đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chuyến thăm nầy đoàn đã ghé qua nhà nguyên tổng bí thư trung ương đảng Nông Đức Mạnh, tại đây phóng viên chụp và đăng tải lên báo hình ảnh đồng chí Nông Đức Mạnh ngồi cùng ông Nguyễn Đắc Vinh trên bộ bàn ghế xa lông gỗ quý, chạm trỗ đắc tiền, mang hơi hướng vua chúa lên báo Tiền Phong. Ngay sau đó dư luận kịp thời phản ảnh về sự xa hoa, vương giả của một cán bộ lãnh cao cấp, đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam vốn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư luôn sống hòa mình giản dị, gần gủi với quần chúng nhân dân trong mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, nhằm trấn an dư luận báo Tiền Phong online đã tức tốc gỡ hình ảnh nhạy cảm nầy xuống, nhưng googel vẫn lưu lại nên đến mồng hai Tết thì hình ảnh nầy đã tràn ngập khắp các trang mạng xã hội facebook, blog, báo “lề trái” … họ thẳng thắn chỉ trích cuộc sống xa hoa lộng lẫy tại tư gia Nông Đức Mạnh với tâm lý từ bàng hoàng đến kinh hoàng xoay quanh câu hỏi “tiền đâu?”. Bởi, khi đương chức ông này là một trong những người đi đầu trong việc hô hào toàn đảng, toàn dân kiên quyết chống tham ô, lãng phí. Và, luôn miệng phát biểu những lời hay ý đẹp để kêu gọi mọi người noi gương và học tập đạo đức Hồ Chí Minh v.v…

(ảnh ông Hồ Đắc Vinh/ ông Nông Đức Mạnh: nguồn internet)

2.- Đồng hành trong chuỗi sự kiện thăm, chúc Tết nhất là đối với các bậc cao niên, người có công đóng góp cho đất nước vốn là truyền thống quý báu của người Việt Nam. Với tinh thần đó tân hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên đến thăm và chúc Tết giáo sư Vũ Khiêu tại nhà riêng của ông.

Và, tại đây giáo sư Vũ Khiêu đã không ngại ngần ôm hôn thắm thiết hoa hậu, hình ảnh nầy cũng được các phóng viên chụp lại và đăng tải lên báo. Tương tự như trường hợp của ngài Nông Đức Mạnh, cư dân mạng khi nhìn thấy hình ảnh phản cảm nầy lập tức lên tiếng phản ứng dữ dội, với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau song tựu trung lại vẫn là cách hôn, cái hôn, thần thái khi hôn chưa ổn. Ví dụ, thay vì hôn ở trán đối với người đứng vai trên hôn người ở vai dưới thì ông lại hôn ở má, hay hôn thoáng qua nhẹ nhàng để biểu lộ tính cách xã giao thì ông lại hôn nhiệt tình, say đắm với một tay choàng vào hông, còn tay kia áp sát vào má còn lại, mắt nhắm nghiền có vẽ như đang thỏa mãn dục vọng tầm thường của một ai đó chứ không phải của một vị giáo sư đáng kính đang ở tuổi … 100 đối với cô hoa hậu có thể nói “ăn chưa no, lo chưa đến” kia.

(ảnh GS Vũ Khiêu/hoa hậu Kỳ Duyên)

Tệ hại hơn, cũng nhân dịp nầy giáo sư đã tặng cho cô 2 câu đối lấy uy “trí như bạch tuyết tâm như ngọc - vân tường y thường hoa tường dung” cũng có gì đó chưa ổn giống “cái hôn” tai họa trên. Đại ý là “hai câu này về vần điệu đã sai, mà cũng chẳng ra là câu đối. Câu đầu thì dùng chữ Hán Việt, câu sau lại dùng rặt chữ Hán, ý tứ 2 câu lại chẳng có chút nào liên quan. Được biết câu thứ 2 "vân tường y thường hoa tường dung" đạo lại của Lý Bạch viết trong bài thơ Thanh Bình Điệu, tả vẻ đẹp gợi dục của Dương Quý Phi sau một đêm mây mưa với Đường Minh Hoàng (ý kiến một cư dân viết trên facebook).

Dường như ở đời “không ưa thì dưa cũng dòi”, vậy nên thông qua sự việc tặng câu đối nầy, cư dân mạng lại lục tìm trong google 2 câu đối khác của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến chúc mừng và tặng giáo sư tròn 100 tuổi “sơn hà linh khí tại - kim cố nhất hiền nhân". Qua đó, phần lớn các trang mạng tập trung chê chứ không thấy khen, bởi câu đối nầy nếu xét về yêu cầu đối từ, đối ý, đối lời, bằng trắc đối nhau thì nó hoàn toàn … không đối và không phải là câu đối. Đồng thời, theo blog Tuấn Công Thư Phòng (http://tuancongthuphong.blogspot.com/2014/09/ve-oi-cau-oi-thu-tuong-tang-gs-vu-khieu.html) thì nội dung câu đối nầy được tặng cho người … quá cố chứ không phải người sống như sau:

- Theo chúng tôi, nội dung bức trướng phù hợp với “cung bái” (kính viếng), hơn là "cung hạ” (kính mừng). Vì sao? Vì chỉ với người đã khuất, người ta mới nói ra cái ý như "Kiều rằng: những đấng tài hoa, Thác là thể phách, còn là tinh anh". “Tinh anh” hay “linh khí” chỉ có thể tồn tại mãi mãi một khi nó lìa khỏi “quán trọ” “thể phách”. Các bức hoành phi trên bàn thờ, người ta cũng hay dùng những câu như: “Hạo khí trường tồn” (Khí chất tốt đẹp còn mãi trường tồn) “Anh thanh như tại” (Thanh danh đẹp tốt vẫn như lúc còn sống) để xưng tụng, tưởng nhớ người đã khuất. Hoặc đôi câu đối thờ: “Vạn cổ đan tâm minh nhật nguyệt, Thiên thu nghĩa khí tráng sơn hà” (Muôn thuở lòng son cùng nhật nguyệt, Ngàn năm nghĩa khí tựa sơn hà). Ở đây “Sơn hà linh khí tại” có thể được hiểu: dù (cụ, ông, ngài) đã chết nhưng tài năng, đức độ, sự nghiệp vẫn còn sống mãi với non sông đất nước. Chết mà như còn sống vậy”.

Mà giáo sư thì vẫn còn sống sờ sờ ra đó nên “trái bóng” laị đá sang sân của … thủ tướng. Thật đáng buồn!


(ảnh chặt cây ở Hà Nội: nguồn internet)

3.- Như vậy, thông qua 2 sự kiện điển hình trên chúng ta thấy rằng đời sống văn hóa mạng ngày càng đa dạng và phong phú, nhất là facebook vốn được coi là cái chợ “chồm hổm”. Vì bất kỳ có hiện tượng, hình ảnh tiêu cực gì diễn ra ngoài xã hội nếu được đăng tải lên mạng là lập tức cư dân tham gia tìm hiểu, chứng minh, phân tích dưới nhiều góc độ, hiểu biết khác nhau nhằm mục đích tìm bằng được cái đúng, cái sai trên tinh thần phản biện công khai, kể cả việc “ném đá” … như trường hợp Sở Xây dựng Hà Nội vừa qua cho chặt 6.700 cây xanh để trồng mới lại cây con, đã dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của nhân dân cả nước, nhất là những ai đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến nầy. Họ đã viết bài, làm thơ, chụp hình đưa lên hầu khắp các trang mạng trong và ngoài nước. Thậm chí có người không kiềm chế được sự bức xúc của mình đòi “chặt đầu” người ra lệnh … chặt cây. Đáng trách hơn, một quan chức ở địa phương nầy đã phát biểu một cách hồ đồ rằng “việc chặt cây xanh không cần hỏi ý kiến nhân dân” như một vạc đầu hất tung vào chảo lữa dư luận, phút chốc bùng lên dữ dội.

Vì vậy, trước phản ứng tích cực, thấu tình đạt lý của cư dân mạng. Kết quả là vào thứ sáu ngày 20/3/2015, sau hơn một tuần tàn phá không gian xanh Hà Nội ông chủ tịch thành phố yêu cầu dừng ngay việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể. Theo đó, sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay. Những cây đã hạ chuyển thì phải thay cây mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị; tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định.

Song cái cốt lõi của vấn đề mà người viết bài nầy muốn chia sẻ đó là tinh thần “dân vi bổn”. Đã đến lúc truyền thông báo chí, các cơ quan mặt trận tổ quốc vốn là đơn vị phản biện cho đảng và nhà nước nên tái thể hiện tư tưởng “dân chủ hóa các hoạt động” của mình trên mọi phương tiện và hãy lắng nghe, trân trọng tiếp thu ý kiến nhân dân nếu muốn chính quyền ngày càng vững mạnh. Đặc biệt là phát huy tính công khai, khách quan của mạng xã hội chứ không phải cài cắm đội ngủ “dư luận viên” để theo dõi cư dân mạng. 

Quảng Nam, ngày 20.3.2015
Bình Địa Mộc


12 nhận xét:

  1. Họ đốn, chặt rễ..mất cây niềm tin rùi ! Chát ngắt...MỘC Ợ

    Trả lờiXóa
  2. Cư dân mạng cũng là dân mà cấm dân nói thì làm sao cấm được . Mạng giờ đã là cuộc sống của đa số dân mà anh Mộc .

    Trả lờiXóa
  3. Xã hội không lấy dân làm gốc là xã hội phong kiến . Lãnh tụ còn óc quân vương, còn muốn ngồi trên ngai vàng thì xã hội này đâu còn dân chủ nữa mà đòi "dĩ dân vi bổn"? Cho nên lời nói "việc chặt cây xanh không cần hỏi ý kiến nhân dân" đã biểu lộ tính chất của xã hội này rồi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nước ta vẫn còn tư tưởng phong kiến mà anh, tuy rằng đảng ta xuất xứ từ châu âu theo chủ nghĩa Mac Le-nin nhưng thời gian đô hộ của Tàu lâu hơn, khó thay đổi lắm. Tks anh đã chia sẻ!

      Xóa
  4. Họ nói cần gì hỏi dân vì gỗ bán được tiền phải đánh úp zậy mới thành chuyện đã rồi (?)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nước ta lâu lâu có chiện động trời anh hỉ, thôi kệ, có rứa mới biết sức mạnh của dân, nếu nhà nước tiếp tục làm sai. Và, những cái sai "khó đỡ" chắc chắn dân sẽ vùng lên, mất nước như chơi!

      Xóa
  5. Nhận xét của Mộc rất chính xác và có tính xây dựng. Đúng bản tính bộc trực của người xứ Quảng mình nhưng liệu họ có biết sửa sai hay không? Chắc khó lắm cũng như vụ tượng đài bà mẹ anh hùng 411 tỉ được dân góp ý nhiều lần nhưng họ vẫn cứ tiến hành xây dựng. Đất nước này sẽ ra sao nếu cứ làm sai hoài? Bó tay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chung quy lại cũng vì cái tỷ lệ hoa hồng ngầm thối lại cho chủ đầu tư nó lớn quá anh ạ, Quốc hội cũng có đôi lần thảng thốt rằng ... dư luận nói kinh phí xuống công trình có 45%, còn 55% trôi nổi ở đâu đó chứ không qui kết vào túi ai được, vì ai cũng biển lận, cũng tham ô, hay còn gọi là "cưỡng bức chi phi" đó anh. Đây là thực trạng, là căn bệnh trầm kha mà đảng và nhân dân đang hì hục chống đỡ, còn thành công hay thất bại lại tùy vào ... chính người chống thống nhũng, chống tham ô, người giữ pháp luật như vụ ông chánh thanh tra chiếm giữ 6 căn nhà công ở SG, vụ ông trưởng công an tỉnh xây biệt thự trái phép trên đèo Hải Vân vậy!

      Xóa

  6. http://www.giaoducvietnam.vn/Xa-hoi/Co-nen-coi-viec-chat-cay-xanh-o-Ha-Noi-la-pha-hoai-co-to-chuc-hay-khong-post156679.gd

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/can-bo-chi-dao-thay-the-cay-xanh-bi-dinh-chi-3160806.html

      Xóa