Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

BẦU CỬ MỸ - AI THẮNG CŨNG ĐƯỢC!

 Kết quả hình ảnh cho bầu cử mỹ
TẠI SAO LẠI THẾ? 

Mình mới là kẻ cư trú hợp pháp dài hạn, chưa có quốc tịch (kiểu như KT3 so với hộ khẩu vậy đó), chưa được đi bầu. Song cũng theo dõi tình hình chút chút. Với mình thì ngày mai ai thắng, ai thua cũng được hết. Bằng chút ít hiểu biết hạn hẹp, mình tóm dăm ba điều như thế này, mong các bậc cao kiến chỉ giáo thêm, nếu có gì chưa đúng- bởi mình viết lách lăng nhăng chớ có phải nhà kinh tế đâu. Cái chuẩn của nước Mỹ đã nằm trong hiến pháp, ra đời mấy trăm năm trước, nên cho dù các đời tổng thống có "lệch qua lệch lại" một chút thì nó vẫn cứ trong chuẩn mực chung. Theo mình hiểu thì Cộng Hòa thiên về đường lối tư bản gốc, với nền kinh tế tự do triệt để, cạnh tranh sòng phẳng, nhà nước hạn chế tối đa sự can thiệp- hoặc không can thiệp (đọc mấy cuốn sách kinh tế học Friedrich Hayek thì rõ). Vì vậy mới có nước Mỹ hôm nay. Anh nào giàu cứ việc giàu, sau đó cả xã hội sẽ giàu theo. Một ví dụ cụ thể, người ta không đánh thuế quá nặng anh giàu, vì sao, vì anh giàu sẽ tạo công ăn việc làm, nuôi mấy anh nghèo, chẳng mất đi đâu cả. Ngược lại, nhiều nước theo đường lối xã hội, đánh thuế nặng mấy anh giàu, tưởng như thế là có tiền nuôi mấy anh nghèo. Kết quả là anh giàu... dọn đi chỗ khác làm ăn, "trốn thuế", cuối cùng tất cả đều... ngơ ngác. Còn phe Dân Chủ, ngả chút ít sang chiều hướng kinh tế có sự điều chỉnh, can thiệp của nhà nước. Ví dụ hãng GMC vừa rồi lóp ngóp chết, vì hoạt động không hiệu quả, anh Obama rót cho ít vốn, vậy là hãng này sống lại, dưới sự phản đối quyết liệt của phe "không nên để nhà nước can thiệp". Phe Dân Chủ cũng chịu khó bỏ thuế ra làm phúc lợi, chăm lo cho người nghèo nhiều hơn. Tức là vừa lo làm ăn, vừa lo... ba cái lặt vặt, chứ không làm một lèo, để tự mọi thứ điều tiết. Thực ra cuộc tranh luận giữa tự do triệt để và cần có sự điều tiết của nhà nước đã có từ thời hai nhà kinh tế học lừng danh: Hayek- Keynes, chả thế mà lên google, mới gõ chữ Hayek đã thấy nó gợi ý luôn: Hayek vs Keynes. Nhật Bản lúc đang phát triển mạnh nhất, đã vấp phải một cú trượt thê thảm, dẫn đến kinh tế giờ này vẫn chưa hồi phục nổi, vì nhà nước đã nhảy vào can thiệp tín dụng, tạo nên bong bóng và bong bóng xì, khiến tất cả xì theo. Các chuyên gia kinh tế đang dự báo, Trung Quốc hiện tại đang theo vết xe đổ của Nhật Bản. Ngay cả ở Mỹ, khi tín dụng dễ dãi, nhà đất phì bong bóng, đó cũng là nguyên nhân kinh tế... lâm sàng. Nếu nghĩ đến lợi ích dài lâu thì theo Cộng Hòa, còn muốn lợi ích lai rai thì theo Dân Chủ, mình thì mình nghĩ vậy. Khi còn ở VN, mình luôn khoái Cộng Hòa, vì đường lối "tư bản gốc" mà người ta kêu là "bảo thủ". Còn sang Mỹ, thành thằng nhà nghèo, hóng phúc lợi, mình sẽ theo Dân Chủ. 

8/11/2016 


1 nhận xét: