Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

VIỆT NAM - DÂN TỘC TÍNH


NHẬN ĐỊNH RẤT CHỦ QUAN VỀ LỊCH SỬ VÀ DÂN TỘC TÍNH VIỆT NAM 

Chiếc thuyền thúng trước những con nước lớn!

1. Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì? Theo anh/chị nó đã chuyển biến như thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn? 
2. Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc? 
3. Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? 
4. Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn? 
5. Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt? 

Cảm ơn nhà văn Kim Cúc cho tôi có dịp thổ lộ vài điều băn khoăn, ám ảnh không dứt tâm trí mình trong nhiều năm nay. Mà có lẽ cũng ám ảnh nhiều bạn tôi, những người “cả nghĩ” về đất nước, về dân tộc mình qua bao nhiêu biến cố dồn dập suốt hơn một thế kỷ rồi, mà vẫn cứ loay hoay như chiếc thuyền thúng trước những con nước lớn! 

Lịch sử Việt Nam, tôi mạn phép tóm tắt: Không chịu thằng “ngoại” nào cưỡi cổ nhưng lại nhẫn nhục làm “tôi” cho thằng chủ “người mình”! Làm “tôi” cho chủ nhưng mắt trước mắt sau ăn cắp, lãn công, “làm chui” việc riêng. Khi đói quá thì sẵn sàng “cướp kho thóc” nhưng ngày thường thì không chịu nghĩ xa làm sao cho thóc luôn đầy bồ! Hậu quả: Sau mỗi lần đuổi được ngoại bang thống trị, lại rơi vào lạc hậu trì trệ, để rồi lại bị ngoại xâm, bị rơi vào vòng luẩn quẩn!

Thế giới quan của người Việt: Không ra khỏi luỹ tre làng. Cái này hình như bao trùm lên đời sống và tâm hồn của người Việt. Dù trải qua hơn một thế kỷ Âu hoá cưỡng bách rồi tự nguyện, dù hằng triệu người đã ly tán, trưởng thành trong môi trường Âu Mỹ, nhưng mọi thay đổi dường như vẫn mới ở lớp bên ngoài. Nói hình ảnh: Cái mùi ao bèo và đốt rác bao đời vẫn nằm sâu trong hồn chúng ta! Nói thêm: Bộ phận dân Nam tiến qua bao đời ly hương, rồi được hưởng nền trực trị của Pháp, được viện trợ của Mỹ nhào nặn, có phần nào thoát khỏi luỹ tre, nhưng sau 1975 lại dần dần chịu sự thống trị trở lại của “văn hoá làng”! 

Cái “thế giới quan” ấy quyết định “nhân sinh quan” của người Việt, mà ở đây tôi mạn phép chỉ nói đến một đặc điểm tiêu cực nhất, vẫn còn chi phối xã hội chúng ta ngày hôm nay. Đó là cái lòng riêng tư ích kỷ, chỉ biết đến mình, gia đình vợ con mình, cái nhà riêng của mình, và kết phe nhóm cũng để tranh đoạt cho cái riêng! Theo quan sát cá nhân, sự ích kỷ, chia rẽ, phe nhóm manh mún vẫn là tình trạng nổi bật nhất của mọi cộng đồng người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Chỉ khi nào có đại nạn chung như bão lụt, chiến tranh thì người Việt Nam mới tạm quên lợi ích riêng nhỏ nhoi để sát cánh vượt qua. Sau đó, lại tự động trở về bản tính ích kỷ nhỏ nhen! Thứ nữa, cái sự mưu lợi ích kỷ nhỏ nhen ấy, do chỉ có nguồn lực xoay xở từ mẩu đất ruộng nhỏ xíu, nên chủ yếu là dựa vào khôn vặt, ranh vặt, “gà què ăn quẩn cối xay”, không nghĩ lớn làm lớn được! Và cứ phải giả dối, lừa lọc nhau để tồn tại! 

Điều này quyết định đến cả chuyện chính trị và tâm linh. Người Việt rất khó có một lý tưởng sống vượt khỏi nồi cơm bé nhỏ. Về mặt xã hội: Dễ dàng đi theo “Đảng Cộng sản”, lý do trước hết vì ở thế kỷ 20, “Đảng Cộng sản” là lực lượng duy nhất có năng lực giành được độc lập cho đất nước bằng bạo lực (cần nói rõ, bạo lực đã là đường lối của hầu hết đảng phái Việt Nam yêu nước); khi nhanh chóng nhận ra sự huyễn hoặc của “lý tưởng CS”, người Việt không dám công khai chống lại, bèn rũ bỏ/chuồn khỏi bằng mọi thủ đoạn: Dân thì “lách luật”, “chui”; quan thì mồm dạy đạo đức CS trong khi tay cứ việc biến “công” thành “tư” (điển hình nhất là biến đất đai “sở hữu toàn dân” thành nhà, đất của cá nhân!). Về mặt tâm linh, dễ hùa theo tôn giáo A,B,C nhưng không có niềm tin tâm linh thực sự, mà chủ yếu với đầu óc mê tín và thực dụng: Xì xụp cúng bái là để cầu tài cầu lộc cầu danh! 

Điều này quyết định cả chuyện “thể chế”. Trong lịch sử, chế độ tập quyền chưa bao giờ kéo dài được ở Việt Nam. Chỉ ngắn ngủi đầu Lê, đầu Nguyễn. Liệu có thể nói chế độ Việt Nam hiện nay là chế độ “độc tài toàn trị”? Đó là nói cho thuận miệng, chứ thực tế thì sao? Lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ biết đến một thời kỳ độc tài thực sự và hữu hiệu ở miền Bắc khi nó làm cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam. Nền độc tài ấy sau 1975 đã rạn nứt dần và đổ vỡ khi nó chứng tỏ bất lực trong việc xây dựng đất nước. Giờ đây, chúng ta đang ở trong một thể chế quái lạ, vừa là độc tài toàn trị của một đảng, vừa mang đậm tính vô chính phủ, vô thiên vô pháp, với sự hoành hành của các phe nhóm thân hữu! Đất nước làm thế nào đi lên trong một cấu trúc quyền lực kiểu mafia ấy? 

Tương lai nào cho đất nước? Tôi thực sự buồn trước thực tế cay đắng này: Từ thế kỷ XX, tuơng lai Việt Nam do tương quan thế lực của các cường quốc quốc tế quyết định. Việc mà người Việt Nam có thể làm và nên làm lúc này là: Nỗ lực xây dựng một xã hội tiến bộ, cũng qua đó có được sự trưởng thành để có đủ bản lĩnh và trình độ nhằm tranh thủ đúng thời cơ (đã nhiều lần để mất!), tận dụng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để tự cường, thoát khỏi tình trạng lạc hậu trì trệ và thân phận hoặc là nô lệ hoặc là con bài trong tay người khác! Có lẽ điều may mắn của dân tộc hôm nay là ở chỗ: Sau cả một thế kỷ kẻ thù của độc lập dân tộc bị gắn liền với phương Tây tư bản chủ nghĩa, thì nay ngược lại, đó lại là thế lực ta phải dựa vào để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhờ đó, ta xác định được con đường đúng để trưởng thành của dân tộc Việt Nam là: Vứt bỏ ảo tưởng về sự “vĩ đại” (vì “đánh thắng mấy đế quốc”), về “con đường đi riêng” (không giống ai), về “truyền thống, bản sắc” (lạc hậu, đậm Hán) của mình. Kiên trì, kiên quyết thoát Trung (thoát Á)! Học phương Tây một cách toàn diện, căn cơ. 

Đó chính là con đường người Nhật, người Nam Hàn đã đi. Đó là điều khiến cho người Hồng Kông hôm nay khác hẳn người Tàu lục địa. Nói học phương Tây, xin xác định: phải học một cách bài bản từ Giáo dục, Khoa học, Thiết chế (như “thời Tây” đã học), không phải “học đòi” một cách tự phát kiểu “vọng ngoại” như thấy trong đời sống hằng ngày hiện nay, phần lớn là học cái “rỏm”, cái ăn chơi… 

Cuối cùng, nếu nói về hy vọng, niềm hy vọng của tôi đặt vào lớp trẻ hôm nay. Họ không bị bịt mắt bởi một quá khứ hận thù và định kiến, có điều kiện học hỏi thế giới văn minh, nên dễ thấy con đường phát triển hợp lẽ tự nhiên. Tôi đã thấy xuất hiện ngày càng đông những người trẻ có lý tưởng sống không mù quáng, có bản lĩnh, có tầm nhìn vượt khỏi luỹ tre làng, đang tích cực hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã dứt khoát chọn con đường đúng cho dân tộc! Con đường “thoát Trung, thoát Cộng”! Họ sẽ làm nên tương lai của đất nước.

Sài Gòn, Cuối năm 2019 
Hoàng Hưng


1 nhận xét: