Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

TẠP VĂN SÀI GÒN - SÀI GÒN trong TẠP VĂN

Ảnh trao tặng thưởng Thơ 1-2-3

Tổng hợp những bài viết về buổi Tọa đàm Tạp văn Sài Gòn - Sài Gòn trong Tạp văn.

VHSG- Một tọa đàm mini chủ đề “Sài Gòn trong tạp văn” vừa được nhóm Văn Học Sài Gòn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn – chi nhánh phía Nam tổ chức. Đây cũng là buổi trò chuyện về văn chương hiếm hoi từ sau đại dịch COVID-19 đến thời điểm này.


       Nhà giáo Khánh Huyền
        
Cô giáo Khánh Huyền – giáo viên trường THCS Đức Trí cho biết, cô từng cho các em học sinh thực hiện các đề tài về Sài Gòn. Kết quả là cô-trò có được những giờ học đầy hào hứng, hiệu quả, lan tỏa được tình yêu, sự hiểu biết và khám phá vẻ đẹp của thành phố trong lòng các em nhỏ. “Trong buổi báo cáo tổng kết, các em đã tổ chức lớp học thành một không gian café đậm chất Sài Gòn. Sau đó, một nhóm sáu em yêu thích văn chương lập fanpage để được tiếp tục viết, chia sẻ cảm nhận về Sài Gòn bằng những góc nhìn trẻ thơ nhưng sinh động, nhiều cảm xúc” – cô Huyền chia sẻ.

Nhà văn Trần Nhã Thụy &
Nhà thơ Doãn Minh Trịnh  

Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận định, tạp văn viết về các vùng đất thì tỉnh, thành nào cũng có. Nhưng để trở thành một vệt dài ấn tượng trong văn chương thì chỉ có tạp văn viết về Hà Nội và Sài Gòn – TPHCM. “Tôi đặt họ bên cạnh nhau, trong dòng sách viết về Sài Gòn có thể nói đó là đại diện rõ ràng cho ba thế hệ người viết: nhà văn Trần Tiến Dũng, blogger-tác giả Đàm Hà Phú và nhà văn trẻ Anh Khang. Ba văn phong khác nhau, cho dù là từng trải, trầm tĩnh hay giang hồ, hóm hỉnh, lãng mạn thì với tôi, họ đều là những cây bút viết về Sài Gòn thật hay. Mỗi góc nhìn đều lấp lánh vẻ đẹp của họ về một Sài Gòn khoan dung, giản dị, đời thường mà đa dạng và bền vững theo thời gian” – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhìn nhận. Bản thân chị cũng là tác giả đã in các cuốn sách: Sài Gòn bao giờ cũng thế, Nghĩ ngợi đường xa (trong đó có riêng một phần chủ đề Mưa nắng Sài Gòn)…Ở vai trò của nhà khảo cổ học và góc nhìn bảo tồn, gìn giữ và xây dựng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã có những bài viết rất giá trị, lưu giữ lại những vẻ đẹp, những điều đã mất của thành phố từng được mệnh danh “hòn ngọc Viễn Đông”.

Nhà thơ Phan Hoàng 
& PGS-TS Bùi Thanh Truyền  

Tọa đàm “Sài Gòn trong tạp văn”, nói theo nhà thơ Phan Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM bước đầu là một khai mở cho những tọa đàm, hội thảo có quy mô lớn hơn sẽ được tổ chức tiếp tục về chủ đề này. Bởi lẽ, các tác phẩm viết về Sài Gòn khi được gọi tên thành một dòng sách riêng biệt, ấn tượng cũng chính là văn chương đã ôm trọn trong lòng nó những giá trị lịch sử, đất và người. “Dường như người cầm bút nào đến Sài Gòn cũng muốn viết về nơi này. Có những trang viết hoài niệm về Sài Gòn trước năm 1975, cũng có những trang viết về Sài Gòn hôm nay của những cây bút trẻ. Sài Gòn của quá khứ, hiện tại hay tương lai đều là những trang viết rất đẹp. Sự rung cảm trong trang viết về Sài Gòn hôm nay cũng không khác gì những trang viết ngày xưa. Dẫu thành phố vẫn có những bất tiện, kẹt xe, ngập nước…; Nhưng trên tất cả những trang viết là tình yêu dành cho mảnh đất này” – nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ thêm.

Nhà giáo Đỗ Thị Phương Lan 
Phó khoa Sư phạm Đại học  

Đề tài Sài Gòn xưa từng trở thành dấu nhấn một thời của văn chương Việt, khi những tên tuổi: nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy… liên tiếp cho ra mắt những tác phẩm, công trình nghiên cứu đặc sắc. Nối gót theo đó là những tạp văn, dự án, sách chuyên đề: Sài Gòn không phải ngày hôm qua (Phúc Tiến), Sài Gòn ký ức thời gian (Nguyễn Ngọc Hà), Sài Gòn mê (nhiều tác giả), Sài Gòn trong Sài Gòn (Nguyễn Duy Quyền), Sài Gòn – Thị thành hoang dại (Khải Đơn), Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ (Đào Thị Thanh Tuyền), Sài Gòn chữ vội trên vai (Vũ Minh Đức), Sài Gòn của em (dự án sách họa cho thiếu nhi của nhà xuất bản Trẻ), Sài Gòn gìn vàng giữ ngọc (chuyên đề của công ty Green Horizon và nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ)… Đặc biệt là những tác phẩm viết về Sài Gòn luôn best-seller của Anh Khang và Đàm Hà Phú.

Khi báo Thanh Niên phát động cuộc thi Thành phố tôi yêu, ngoài những bài viết của các cây bút hiện sinh sống và làm việc tại TPHCM, còn có rất nhiều tác giả ở các tỉnh thành. Kết quả có các tác giả từ Bắc Ninh, Kon Tum, Kiên Giang và cả Brandenburg (Đức) đoạt giải. Cũng như những nhà văn thành danh viết hay về Sài Gòn nhưng lại không phải được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Sự hội tụ những giá trị từ đất, người và tình yêu để những trang viết về Sài Gòn vẫn luôn được tiếp tục với dòng chảy lặng lẽ mà bền bỉ, nối dài qua những thế hệ người cầm bút.


Khi những tâm tình, cảm nhận về Sài Gòn chưa bao giờ cạn thì sự đón nhận của độc giả dành cho dòng sách này chừng như cũng chưa bao giờ vơi đi. Họa sĩ trẻ Lê Rin, khi bắt tay thực hiện dự án artbook có chủ đề Sài Gòn đã nhận ra rằng, so với những đề tài anh từng làm, chia sẻ về các tỉnh, thành khác, thì chủ đề Sài Gòn được quan tâm nhiều nhất. Mảnh đất hội tụ những giá trị, kết nối con người ở các vùng miền, nuôi dưỡng như giấc mơ, gìn giữ ký ức này cũng là nơi đón nhận tình cảm mọi tình cảm nguyên lành. Sài Gòn luôn có thể làm niềm cảm hứng, chứa đựng những giá trị quý giá, những “bí mật” cho người yêu Sài Gòn khát khao tìm kiếm, khám phá. Nhà báo Trần Nhật Vy nói rằng nếu khai thác ở góc độ lịch sử, thì Sài Gòn vẫn còn rất nhiều nơi chờ được “giải mã”. Như những ngôi biệt thự cổ “kín cổng cao tường” đang lưu giữ trong lòng nó những câu chuyện về đất, về người của một thời biến động. Kể cả qua mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua, có thể thấy được một Sài Gòn rất khác (mà khởi đầu cho cảm xúc viết từ dịch bệnh có thể kể đến tập Đi qua hai mùa dịch của cây bút trẻ Dy Khoa, vừa được Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ cho ra mắt vào ngày 30.5 vừa qua tại Đường sách TPHCM).

Nhà văn Trần Nhật Vy, Ngô Đình Hải, 
Xuân Trường, Tô Hoàng  

“Nếu viết truyện ngắn, tiểu thuyết chúng ta có thể hư cấu. Nhưng khi viết để trao đổi, chia sẻ lẫn nhau về những giá trị xưa cũ, nếu anh không đủ sự am hiểu thì phải rất thận trọng” – nhà văn Ngô Đình Hải, người vẫn âm thầm với những trang viết về Sài Gòn bày tỏ. Đó như một lời nhắc nhở cho thế hệ người viết trẻ cho những lần giở về ký ức Sài Gòn xưa và nay qua trang viết. Không đếm hết những tác phẩm viết về Sài Gòn, nhưng những thế hệ người cầm bút đã cùng lan tỏa tình yêu dành cho mảnh đất này.

SONG GIANG
BÁO PHỤ NỮ TPHCM


Dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó. 

VHSG- Nhiệt tình tham dự cuộc tọa đàm “Tạp văn Sài Gòn – Sài Gòn trong tạp văn” từ đầu đến cuối, nhà báo Lam Điền của báo Tuổi Trẻ đã có bài tường thuật khá tỉ mỉ và thú vị, VHSG xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc.

 Sài Gòn – Ảnh: L.ĐIỀN

Buổi tọa đàm “Tạp văn Sài Gòn – Sài Gòn trong tạp văn”, do chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn cùng nhóm Văn học Sài Gòn vừa tổ chức sáng 29.5, ghi nhận thể loại tạp văn vốn có lợi thế phát triển và là nơi lưu giữ ký ức lịch sử về Sài Gòn.

Nhà văn Trần Nhã Thụy – giám đốc chi nhánh Miền Nam Nhà xuất bản Hội Nhà văn, người giữ vai trò điều phối buổi tọa đàm – nhận định rằng các cây bút viết tạp văn có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam, nhưng để hình thành một vệt tạp văn viết về một vùng đất thì đến nay mới chỉ có hai nơi: Hà Nội và Sài Gòn.

Sài Gòn ‘thuận tay’ với tạp văn

Có mặt tại buổi tọa đàm, nhà thơ lão thành Hoài Vũ cũng đồng ý rằng mảnh đất Sài Gòn mà rộng ra là giới nhà văn phương Nam có vẻ thuận tay với thể loại tạp văn, bút ký. Điều này được minh chứng từ văn giới trước 1975 và vẫn còn phát triển đến hôm nay.

Nhà thơ Hoài Vũ phát biểu – Ảnh: VHSG

Cho nên, theo cách nhìn của nhà văn Trần Nhã Thụy, cùng với khối lượng các tác phẩm tạp văn viết về Sài Gòn, bản thân Sài Gòn hiện diện trong tạp văn như thế nào, cũng là một vấn đề để các nhà văn cùng nhau trao đổi nhằm có cái nhìn bổ ích cho công việc viết lách.

“Sài Gòn trong tạp văn có nhiều chiều kích, nhiều góc nhìn, nhiều cung bậc khác nhau; và dường như ai đến với Sài Gòn cũng đều muốn viết một cái gì đó, có lẽ nhờ vậy mà Sài Gòn trở thành vùng đất để các cây bút tạp văn vẫn còn khai thác mãi”, Trần Nhã Thụy tóm lược.

Trong cái nhìn minh định một giá trị cho tạp văn Sài Gòn, nhà văn Phan Hoàng ghi nhận nếu văn chương miền Bắc ghi nhận ký ức về đô thị Hà Nội thì ký ức/ lịch sử Sài Gòn lại được thể hiện qua tạp văn và tùy bút. “Nếu sau này tìm kiếm tư liệu về ký ức đô thị Sài Gòn, các nhà nghiên cứu phải tìm trong những trang tạp văn, tùy bút, bút ký”, Phan Hoàng khẳng định

.
Nhà văn Phan Hoàng Sài Gòn – Ảnh: L. ĐIỀN

Đòi hỏi người cầm bút có vốn sống, nói thẳng điều tai nghe mắt thấy…

Trước biến thiên của lịch sử và bao nhiêu tâm sự về Sài Gòn mà các nhà văn nhiều thế hệ đã viết, nhà văn – đạo diễn Tô Hoàng đưa ra một nhận định có phần bất ngờ: Dù là tạp văn, muốn viết hay thì yếu tố quan trọng nhất là tự do tư tưởng. “Tôi không thích định kiến và quy chụp, tự do thoải mái thì viết văn sẽ hay”, ông nói.

Nhà văn Cao Chiến và Tô Hoàng  

Đồng cảm với quan điểm của Tô Hoàng, cô giáo Hoàng Kim Oanh đến từ Trường đại học Sài Gòn nêu ý kiến rằng tạp văn có lợi thế là nói thẳng những điều mắt thấy tai nghe. Thế nhưng, cái yêu cầu tự do tư tưởng mà nhà văn Tô Hoàng nêu ra ấy liệu chúng ta đang có như thế nào?

“Chúng ta nên có cách ứng xử nghe lời nói nghịch như thế nào cho phải, vì người ta còn có thương thì mới nói dù cho là lời nói nghịch. Chứ nếu cứ ca ngợi một chiều thì liệu có phải là văn chương không?”, Hoàng Kim Oanh thẳng thắn.

Nhà báo Trần Nhật Vy – Ảnh: L. ĐIỀN

Trong khi nhà văn Cao Chiến tự bạch rằng ông viết như một cách để “trả nợ Sài Gòn” – mảnh đất đã cưu mang ông và các nhà văn, nhà báo Trần Nhật Vy nêu ra một kinh nghiệm trong nghề viết là nên có bước chân thực địa.

“Hôm rồi ngồi cà phê, tôi mới được người ta chỉ cho ngôi nhà ở Đa Kao vốn trước kia là của ông Năm Lửa – một nhật vật khét tiếng của lực lượng Hòa Hảo một thời, rồi mộ nhà văn Trương Minh Ký giờ ở đâu, các di tích một thời là dấu mốc không thể thiếu một khi phải viết về những chặng đường lịch sử Sài Gòn… tất cả đều cần các nhà văn có công tìm hiểu thực tế”, nhà báo Trần Nhật Vy chia sẻ.

Họa sĩ Lê Sa Long và các nhà báo: 
Lê Công Sơn, Tiểu Vũ, Lam Điền

Quả thật, nhà văn nếu có tích lũy vốn sống thực tế như vậy, sự am hiểu về Sài Gòn mới đạt độ sâu, nhìn Sài Gòn không phiến diện mà có sức bao dung, thấy bề nổi của Sài Gòn hôm nay nhưng không quên phần chìm của Sài Gòn từ nhiều thế hệ trước… Từ đó, những tác giả tạp văn về Sài Gòn trong tương lai mới thực sự đưa được Sài Gòn vào trang viết.


Theo ông Phan Hoàng – người đang sinh hoạt cùng nhóm Văn học Sài Gòn – cuộc tọa đàm lần này có tính chất gợi mở để chia sẻ với giới quan tâm một giá trị của tạp văn trên bình diện mối quan hệ với lịch sử văn hóa, ký ức đô thị qua từng góc nhìn của từng cây bút cụ thể.

Đây có thể trở thành đề tài cho các hội thảo sâu hơn về sau hoặc là một đường hướng sáng tác sẽ còn được các nhà văn theo đuổi… chúng ta hãy chờ thực tế cuộc sống trả lời.

LAM ĐIỀN/TTO


Sài Gòn trong tạp văn 

Chương trình do nhóm Văn học Sài Gòn phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Chi nhánh phía Nam thực hiện; thu hút sự tham dự đông đảo của các thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo trong và ngoài TPHCM.


Tọa đàm Tạp văn Sài Gòn với chủ đề “Sài Gòn trong tạp văn”.

Với thời lượng hơn 3 giờ, nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết đã được các khách mời chia sẻ xung quanh những góc nhìn, tình cảm, những câu chuyện lịch sử của Sài Gòn, đặc biệt là những tạp văn gắn với Sài Gòn trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Phan Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, người cũng đã có nhiều tác phẩm viết về Sài Gòn - TPHCM chia sẻ: “Nội dung của cuộc tọa đàm này đối với chúng tôi xem đây như là một cuộc gợi mở để cho những cuộc tọa đàm cảm hứng sâu hơn nữa về Sài Gòn, bởi vì đây là một đề tài rất lớn. Sài Gòn là đề tài luôn thu hút, luôn luôn quyến rũ và luôn luôn mời gọi tất cả các cây bút, đặc biệt là những cây bút từ vùng xa đến, luôn luôn cảm nhận được tình yêu của mình đối với Sài Gòn đã lớn rồi mà họ đặt bút xuống viết thì có những điều lạ lẫm...”.
Tọa đàm “Sài Gòn trong tạp văn” 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vào lúc 9g sáng thứ Sáu ngày 29.5, tại Phòng Tọa đàm ở 371/16 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM, Văn Học Sài Gòn phối hợp Nhà xuất bản Hội Nhà văn – Chi nhánh phía Nam sẽ tổ chức buổi Tọa đàm Tạp văn Sài Gòn: “Sài Gòn trong tạp văn”, đồng thời trao Tặng thưởng “Thơ 1-2-3” tháng 5.2020 cho 5 tác giả và trưng bày 12 bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long vẽ chân dung 12 nhà văn mà anh yêu thích.


Theo kế hoạch của nhóm chủ trương Văn Học Sài Gòn, tọa đàm “Sài Gòn trong tạp văn” diễn ra đầu năm 2020 nhưng do đại dịch Covid-19 phải dời lại. Và dự kiến sắp tới sẽ là tọa đàm “Mối quan hệ giữa Văn chương và Báo chí” diễn ra vào cuối tháng 6.2020.

Cuộc tọa đàm “Sài Gòn trong tạp văn” do nhà văn Trần Nhã Thụy chủ lực, với sự hỗ trợ của nhà thơ Phan Hoàng, PGS-TS Bùi Thanh Truyền, TS Hà Thanh Vân, ThS Doãn Minh Trịnh, họa sĩ Lê Sa Long. Khách mời giới hạn gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo quan tâm và sáng tác tạp văn về Sài Gòn – TPHCM.

Còn phần Tặng thưởng “Thơ 1-2-3” tháng 5.2020, dự kiến ban đầu chỉ trao cho 3 tác giả, nhưng cuối cùng căn cứ vào số lượng đông đảo lẫn chất lượng bài tham gia, ban tổ chức quyết định trao cho 5 tác giả. Những tác giả ở TPHCM và vùng lân cận được mời đến nhận trực tiếp, còn tác giả ở xa chúng tôi sẽ chuyển khoản tiền mặt và quà tặng qua bưu điện. Tin tức cụ thể chúng tôi sẽ thông báo sau.

Nhân đây chúng tôi cũng xin cảm ơn tấm lòng các nhà tài trợ cho chương trình hoạt động của Văn Học Sài Gòn vì mục đích “Sáng tạo & Nhân văn”: Công ty King Coffee, Công ty Dược Phú Mỹ (PMPHARCO), Công ty Luật Thành Văn.

VHSG


Tạp văn Sài Gòn – Sài Gòn trong Tạp văn.

Một buổi sáng bình yên sau đại dịch Covid 19, tại con hẽm số 371/16 đường Hai Bà Trưng quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Ban biên tập trang Văn học Sài Gòn, cùng với Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam chi nhánh phía Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm Tạp văn Sài Gòn “Sài Gòn trong Tạp văn”. Đồng thời trao Tặng thưởng “Thơ 1-2-3” tháng 5. 2020 cho 5 tác giả và Trưng bày 12 bức vẽ chân dung 12 nhà văn của họa sĩ tài hoa Lê Sa Long kết hợp thực hiện. Một không gian khiêm tốn chừng vài chục chỗ ngồi ấm áp trên lầu 1; một không khí thân mật, cởi mở, nhưng không kém phần hài hước của 2 MC: Nhà văn Trần Nhã Thụy và Nhà giáo Doãn Minh Trịnh đã đưa anh em văn nghệ sĩ: Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình, nhà báo, nhà giáo… Trở về với hiện thực sáng tác sau một thời gian im ắng; hầu như ngưng hẳn vì lệnh cách ly, vì chế độ giãn cách xã hội. 

Sài Gòn nói vậy nhưng không phải vậy! Bởi khi có thể là cuộc đất này; con người này, nắng gió này sẽ râm ran hoạt động trở lại. Có nghĩa bởi có đi, có viết, có ngồi lại trao đổi mới tìm thấy con đường phía trước; chí ít là một quãng, một băng thông rộng – hẹp; nhằm thỏa mãn niềm đam mê, thỏa chí tang bồng. Song viết như thế nào? Bàn bạc trao đổi nội dung gì? Vẫn là câu hỏi, là đề tài bỏ ngõ từ nhiều năm nay… Đặc biệt đối với thể loại Tạp văn mà có người gọi nôm na đó là “mũi xung kích; mũi tiến công chủ lực” trên mặt trận sáng tác lại càng hun hút thâm sâu. Song có người lại bảo tạp văn hay tản văn; truyện ngắn hay tiểu thuyết chỉ là cách gọi tương đối, nhằm giúp bạn đọc phân biệt thể loại; còn tác phẩm ấy có sống trọn đời với họ hay không, lại tùy thuộc vào nội dung chuyển tải, vào câu chuyện nhân văn, vào bản sắc nhân vật.

Quả không sai nhưng tạp văn lại có yêu cầu cao hơn một chút. Nó vừa là một tác phẩm văn xuôi ngọt ngào; vừa là những bài thơ trữ tình lãng mạn. Đọc tạp văn bạn có thể vui ngây ngất; có thể buồn thăm thẳm; nên người viết tạp văn cần có kỷ thuật và bút pháp riêng biệt; không giống như các thể loại khác. Có thể hiểu tạp văn là một áng văn chương vô cùng phức tạp chăng? Không hẳn như vậy! Bởi văn là người, văn là đạo, văn cũng là đời. Chúng ta sống ra làm sao, nghĩ như thế nào thì viết như thế ấy. Ví dụ chúng ta viết về đề tài yêu nước trong không khí “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” thì dứt khoát phải có cạnh tranh. Kể cả cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh; không loại trừ thủ đoạn. Nhưng cũng đề tài này người viết hướng ngòi bút sang tinh thần khách quan vô tư. Chẳng hạn “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” ắt tác phẩm sẽ có cái kết nhẹ nhàng và dễ chịu.

Thân thiện, hào phóng, chịu chơi… Đó là một trong những đặc điểm nổi bật của người Sài Gòn. Tư tưởng họ thông thoáng, nhìn nhận và thấu hiểu mọi vấn đề theo góc độ đơn giản, không phứt tạp. Cái gì bỏ được thì bỏ, cái gì buông được thì buông. Họ cũng sẵn sàng vào cuộc, chia sẻ khó khăn với mọi hoàn cảnh khi cần thiết, có thể. Nên viết về Sài Gòn tác giả cũng cần phải có cái nhìn đặc trưng như vậy, bên cạnh sự tung tẩy, bứt phá nhộn nhịp vốn dĩ. Bởi dòng chảy đời sống văn hóa Sài Gòn miệt mài không ngừng nghỉ. Năm 1954 sau khi hòa bình lập lại, một bộ phận cư dân miền ngoài di dân vào các tỉnh miền Nam làm ăn sinh sống. Năm 1975 sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng một số đông nữa vào đây lập nghiệp. Theo đó người Sài Gòn ra đi. Một số đi Kinh tế mới; một số di tản sang các nước Châu âu thể theo nguyện vọng và hoàn cảnh. Cũng từ bước ngoặc lịch sử này, dòng người từ Sài Gòn ra đi ít hơn dòng người từ các nơi đổ về. Bởi nhiều lý do chính đáng và không chính đáng.

Họ đến đây để ngủ qua đêm sau một hành trình lã mệt; họ đến và ở lại một ngày hay mãi mãi tùy vào nhiệm vụ, tùy vào thực tế. Họ đến để ngước nhìn ngôi nhà cao tầng sừng sững giữa bầu trời Phương Nam lộng gió; họ đến để ngồi bệt xuống công viên ghế đá, nhâm nhi ngụm cà phê ngọt - đắng. Hoặc đôi khi chỉ để nhai một mẫu bánh mì, nhìn cô Ba Sài Gòn thướt tha trong tà áo dài. Do vậy Sài Gòn sớm hình thành nhiều phong cách tư duy, nhiều ứng xử vùng miền khác nhau; không ai giống ai, nhưng hào hiệp và nghĩa trượng là có thật. Sài Gòn ra đi và trở về trong mỗi câu thơ, nốt nhạc; trong mỗi trầm tư và sâu lắng. Nên Sài Gòn rất dễ thương, dễ nhớ là vậy!

Tuy nhiên buổi tọa đàm hôm nay chỉ dừng lại ở một biên độ mở. Hy vọng trong một tương lai gần sẽ có các buổi tọa đàm tiếp theo; được phân khúc, phân kỳ hẳn hoi nhằm khai triển theo không gian và thời gian nhất định với các cấp độ nhất định, giai tầng, lãnh vực nhất định. Ngoài ra trong buổi tọa đàm hôm nay Ban tổ chức cũng không quên gởi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các nhà tài trợ hào phóng như Công ty King Coffee; Công ty Dược Phú Mỹ (PMPHARCO); Công ty Luật Thành Văn… Đã tạo điều kiện tinh thần lẫn vật chất để buổi tọa đàm thành công như mong đợi. Với tinh thần “Sáng tạo & Nhân văn” thông qua ý tưởng và mục đích này, chủ đề Tạp văn Sài Gòn “Sài Gòn trong Tạp văn” sẽ sớm được nhân rộng trên phạm vi toàn thành phố, đến các trường đại học, các câu lạc bộ sáng tác với quy mô lớn hơn, nguồn kinh phí dồi dào hơn để Tạp văn Sài Gòn được phát huy và truyền lửa cho thế hệ mai sau.

Sài Gòn, 5.2020
Bình Địa Mộc 


Tặng thưởng Bình Địa Mộc 


1 nhận xét: