Nhà văn Thu Trân
Bài thu hoạch Chuyến đi thực tế sáng tác Cần Giờ
Người tham gia Bình Địa Mộc
1. Theo em về phố ư? Anh không thể
Em biết đấy
Ông nội anh ngày xưa
Ngâm mình dưới nước
Giấu thân trong bùn
Ngụy trang thành chiến sĩ Đặc công rừng Sác tiêu diệt sinh lực địch
Bảo vệ tuyến đường thủy huyết mạch
Để vận chuyển khí tài quân lương
Trên dòng sông Lòng Tàu dìu dặt
Những Nhà Bè
Cát Lái
Thành Tuy Hạ
Những Rạch Dừa
Long Bình
Kho đạn
Kho xăng
Đều in dấu chân ông đêm đêm thầm lặng
Đều có máu ông nhuộm đỏ chân ngày
Đều có đồng đội ông ngã xuống
Em biết đấy
Trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi
Người Mỹ rải chất độc khai hoang hủy hoại môi trường đến vàng võ xác xơ
Sau năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm
Người dân phá nốt cỏ cây còn lại để đổi lấy cái ăn cái mặc
Cánh rừng trở nên cạn kiệt tiêu điều
Cha anh đã trồng lại từng cây Đước trên khoảng đất trắng mênh mông
Diện tích hơn bốn chục ngàn héc ta bạc màu
Mầm bệnh sốt rét ác tính rình rập
Bán nhật triều chờ chực cuốn trôi nhà cửa mùng mền chăn chiếu
Muỗi mòng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng
Một ca nước ngọt đỡ khát
Một chén bo bo đỡ đói
Một ước mơ khu Dự trữ sinh quyển thế giới bồng bềnh trong giấc ngủ
Theo em về phố ư?
Anh không thể
Bởi hơn hai mươi năm tái tạo
Khu rừng ngập mặn Cần Giờ đã phục hồi
Trên bảy mươi lăm ngàn héc ta
Trên hai trăm loài động thực vật tiếp tục sinh sôi nẩy nở
Những Kỳ đà
Trăn đất Trăn gấm
Những Rắn hổ chúa
Cá sấu hoa cà
Rái cá
Mèo cá
Giang sen
Cốc đỏ
Dõi theo bước chân anh mỗi ngày
Cùng cây Đước tiên phong
Cây Mắm
Cây Sú
Cây Bần bất chấp phong ba
Cùng anh lớn lên
Cùng anh trưởng thành
Cùng anh nuôi dưỡng
Lá phổi xanh thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sắc màu
Cần Giờ, 12. 2021
Bình Địa Mộc
2. Cần Giờ yêu thương
Bây giờ mới đến Cần Giờ
Mà lâu lắm đã thẫn thờ mây bay
Dưới tàn cây Đước vẫy tay
Tiễn người đi rễ ken dày bước chân
Bán nhật triều lớp bâng khuâng
Lớp đau đáu ắp đầy mầm thời gian
Bầy khỉ mang tính bầy đàn
Một con đói bụng cả ngàn con kêu
Mạng thuyền lịch sử xanh rêu
Chở đoàn quân bóng ngã nghêu chiều tà
Chèo khua khuấy đảo ta bà
Nghe âm âm sóng vỡ òa chân kinh
Nghe lành lạnh phía tâm linh
Cô du kích đứng một mình. Đợi ai?
Khăn quàng bá súng bờ vai
Lao xao một sợi nắng phai cuối mùa
Con ong hút mật se sua
Khoe đôi cánh mỏng gió lùa ngát hương
Cần Giờ man mác yêu thương
Dòng sông Soài Rạp mở đường ra khơi
Biển Đông tôm cá đầy vơi
Cho ngư dân mấy ngàn đời ấm no
Cần Giờ giờ biết chăm lo
Đôi môi muối mặn cắn vò võ đêm
Cần Giờ, 12.2021
Bình Địa Mộc
3. Ghi chép Cần Giờ
Phát huy kết quả cuộc thi thơ Nhân nghĩa Đất Phương Nam thành công mĩ mãn vừa qua. Nay Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác Cần Giờ 3 ngày 2 đêm trong bối cảnh cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Mà ở đó mọi người đều ý thức rõ ràng công tác phòng chống dịch bệnh cũng như hậu quả nặng nề do COVID - I9 gây ra là một bài học vô giá. Không ai được phép lãng quên. Không ai được phép chủ quan, lơ là dù chỉ một phút, một giây. Hẳn đi đâu, về đâu cũng phải tuân thủ thông điệp 5K + vaccine. Hẳn làm gì thì làm, cũng phải nêu cao trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, cá nhân đối với tập thể. Suy nghĩ ấy phải đặt lên hàng đầu. Hành động ấy phải thực hiên trước hết, trên hết. Theo đó chúng tôi rời khỏi Sài Gòn trong tâm thế thỏa mái. Với tinh thần lạc quan tin tưởng, hăng hái tiến về Cần Giờ. Là một huyện tiền tiêu duy nhất trực thuộc Tp. Hồ Chí Minh thân yêu!
Gần trưa Đoàn dừng chân tại nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác, nơi yên nghỉ cuối cùng của 1.219 liệt sĩ. Sau 2 tiếng di chuyển bằng ô tô. Nếu không qua phà Bình Khánh có lẽ thời gian trên sẽ dừng lại ở đơn vị phút. Được biết phà là phương tiện hữu ích nối liền các miền sông nước với nhau. Với số lượng, số lượt vận chuyển khá cao, giá cước cực rẻ. Song cũng là trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế địa phương. Nếu việc đi lại kia được đưa vào giá thành sản phẩm, được quy đổi thành hàng hóa. Cho nên việc thay thế các tuyến phà này bằng một cây cầu bê tông cốt sắt vĩnh cữu luôn nằm trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện Cần Giờ trong một tương lai gần là vô cùng cấp bách, vô cùng bức thiết. Mà đứng trước vong linh các anh hùng liệt sĩ Rừng Sác tôi tin rằng các nhà văn, nhà thơ của chúng ta sẽ âm thầm khấn vái, sẽ thành tâm cầu nguyện cho cây cầu bắt qua sông Soài Rạp sớm được thực hiện, sớm được khởi công.
Kính viếng nghĩa trang liệt sĩ xong Đoàn hân hạnh được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo huyện tại trụ sở ủy ban. Được các anh, các chị trình bày Tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa 5 năm của huyện nhà. Đồng thời Khái quát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển 5 năm tiếp theo, giai đoạn 2021- 2025. Mà điểm nổi bật trong toàn bộ nội dung báo cáo là các chỉ tiêu đều tăng trưởng dương. Sản lượng hàng hóa năm sau cao hơn năm trước. Thành tích năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ Cần Giờ. Biểu lộ ấm lòng tri ân của quân và dân huyện biển này với các thế hệ cha ông đi trước đã ngã xuống, đã vĩnh viễn nằm yên nơi Rừng Sác huyền thoại. Mà trong đó khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình, chính cánh rừng ngập mặn này đã trở thành động lực mạnh mẽ, không thể thiếu trong tiến trình hội nhập với thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung.
Chiều cùng ngày Đoàn ghé thăm căn cứ Rừng Sác, thăm Lăng Ông Thủy Tướng. Được tận mắt chứng kiến bộ xương cá Ông khổng lồ lưu giữ tại Lăng, nhằm tỏ lòng biết ơn của ngư dân đối với thần linh biển cả mênh mông. Được tận mắt chứng kiến địa chỉ đỏ Rừng Sác, được xem lại một số di tích lịch sử chiến đấu hào hùng của quân và dân huyện Cần Giờ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Được thấy sự trưởng thành vi dịu của cây Đước, cây Bần, cây Mắm trong công cuộc trồng cây gây rừng trên nền đất quanh năm ngập mặn ngày nay với diện tích hơn 2.215 ha. Trong đó có 514 ha đã và đang được khai thác để phục vụ du lịch. Với đầy đủ các loài sinh vật cảnh đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hơn thế nữa nơi đây còn khoanh vùng nuôi dưỡng hơn 1000 cá thể khỉ vốn rất dạn dĩ với con người, gần gũi với thiên nhiên.
Ngày thứ hai chúng tôi tham quan núi Giồng Chùa. Là một núi đá nhỏ nằm giữa rừng ngập mặn. Nơi đây lưu truyền nhiều giai thoại dân gian li kì hấp dẫn. Như ngày xưa có một bà tiên gánh đá xây hai đầu núi nhưng chẳng may đi đến giữa sông thì đòn gánh bị gãy. Nửa gánh đá ấy rớt xuống đây và mọc thành ngọn núi. Người ta gọi đấy là núi Giồng Chùa. Hay trong kháng chiến chống Mỹ núi Giồng Chùa là điểm luân chuyển vũ khí, phương tiện của con tàu Không số từ ngoài Bắc vào Nam. Lực lượng vận tải chiến lược của căn cứ Rừng Sác đã tiếp nhận hàng hóa rồi bàn giao lại cho lực lượng tiếp ứng tuyến trên. Đại loại những câu chuyện nửa hư, nửa thực ấy cuốn hút chúng tôi đến quên hết sự mệt mỏi trong chuyến hành trình về nguồn lần này.
Được sự hướng dẫn nhiệt tình của các anh, các chị trong ủy ban. Chúng tôi tiếp tục đến thăm Ban quản lý Rừng phòng hộ, thăm gia đình anh Trần Minh Tùng bằng thuyền vỏ lãi chạy dọc theo con sông Dần Xay và sông Lòng Tàu xanh ngắt một màu bình yên. Được biết anh Trần Minh Tùng là một trong nhiều gia đình điển hình trồng cây giữ rừng tại địa phương này. Qua đó chúng tôi được nghe những câu chuyện buồn vui kể về đời sống vật chất lẫn tinh thần của những người giữ rừng phòng hộ, bên cạnh niềm kiêu hãnh rất đổi nông dân của họ. Niềm kiêu hãnh đó sẽ được nhân lên theo thời gian sống, giữ rừng. Bởi ngoài nghị lực, ý chí phi thường ra người giữ rừng phòng hộ còn phải biết linh hoạt, uyển chuyển nhằm thích ứng, thích nghi với địa hình phứt tạp, với diễn biến của khí hậu cực đoan. Với mực nước thủy triều lên xuống mỗi ngày 2 lần, có đỉnh không bằng nhau. Người giữ rừng phải biết lợi dụng tình hình đặc thù này để linh hoạt sử dụng xuồng máy tác nghiệp, để canh giữ rừng khỏi bàn tay tội ác của bọn lâm tặc rắp tâm phá hoại. Những chiếc xuồng máy là phương tiện chiến đấu duy nhất sẵn sàng xé rừng, luồn lách qua hàng chục, hàng trăm km đường thủy để theo dõi, kiểm tra bảo vệ rừng bằng mọi giá. Đôi khi bằng cả mạng sống của họ nữa. Đồng thời cũng tại cánh rừng này, người giữ rừng ổn định công việc rồi lấy vợ, sinh con. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, để cùng nhau bảo vệ, gìn giữ lá phối xanh cho thành phố. Bởi, rừng mà mất thì mình cũng chẳng còn nguồn gì để sống!
Đổi lại, rừng ngập mặn cũng hào phóng ban tặng cho người giữ nó, cho nông dân ở đây một lượng thủy hải sản dồi dào. Như tôm, cá, cua, ốc. Về chất đốt thì có củi từ những gốc cây Đước, cây Bần, cây Mắm đã lão hóa, đã chết khô. Họ gom lại rồi đem về đun nấu. Tuy nhiên cái khó ở đây là hệ thống bưu chính viễn thông như đường truyền internet, đường điện sinh hoạt. Điện thoại liên lạc, cáp quang còn hạn chế. Bên cạnh đó đường bộ, đường thủy hầu như còn yếu, còn thiếu. Rồi trường học, trạm y tế, nước ngọt, bưu điện kể cả cây ATM rút tiền cũng còn nhiêu khê, bất cập nếu không muốn nói tất cả bằng không.
Ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng kết thúc chuyến đi thực tế sáng tác. Đoàn đến thăm đình thần Dương Văn Hạnh, đền thờ liệt sĩ Lý Nhơn, thắp hương các anh hùng liệt sĩ qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, thăm làng muối. Được biết nghề làm muối ở đây có khoản 400 hộ canh tác, hơn 1.400 lao động tham gia sản xuất. Quy trình làm muối được diêm dân tóm tắc như sau:
- Nước biển từ các kênh rạch chảy vào khuôn lóng, khoảng 3 ngày sau cho nước từ khuôn lóng vào các khuôn rang là phần khuôn phơi bốc hơi lần thứ nhất. Đợi khoảng 3 ngày sau, khi khuôn rang gần cạn nước. Vì nước bốc hơi họ lại châm thêm nước từ khuôn lóng ở trên xuống khuôn ăn ở dưới, tiếp tục cho nước từ khuôn rang sang các khuôn chứa. Khuôn chứa có kích thước nhỏ hơn khuôn lóng và khuôn rang. Sau 3 ngày lại chập 2 khuôn chứa vào khuôn ăn. Lúc này thì nồng độ muối trong khuôn chứa lên cao. Khuôn ăn là khuôn nhỏ nhất, có tính chất quan trọng nhất trong việc kết tinh muối nếu như thước đo nồng độ muối bấy giờ nhảy lên 27, 28 chữ thì muối sẽ kết tinh. Kết thúc chu kỳ sản xuất.
Tuy nhiên tại thời điểm Đoàn tham quan ruộng muối chỉ có vài người chuẩn bị cải tạo đất để đến tháng 12 bắt tay vào sản xuất. Tầm tháng 5 năm sau thì thu hoạch. Thường một ngày lao động của diêm dân bắt đầu từ sáng tinh mơ đến lúc chạng vạng gà đi ngủ. Mới nghe qua thôi đã thấy vô cùng vất vả, vô cùng khó khăn. Song muối là nghề truyền thống bao đời nay, là nguồn sinh kế nuôi sống gia đình nên họ không nở bỏ nghề hay đổi sang nghề khác mưu sinh có thể thuận lợi hơn. Chúng tôi xin chúc cho bà con làng muối luôn dồi dào sức khỏe, hăng say lao động nhằm gìn giữ và phát huy nghề làm muối được lưu truyền qua bao đời nay.
Chia tay với diêm dân Lý Nhơn trong sự tiếc nuối vì chưa mục sở thị những vuông muối, chóp muối trắng ngần thấm đượm mồ hôi của người sản xuất. Trên đường về Đoàn tranh thủ ghé thăm và thắp hương tượng Trần Hưng Đạo ở Thôn Tam Hiệp. Đoàn thực tế sáng tác lần này có 20 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Trong đó có một số anh chị từng gắn bó với đề tài nông nghiệp, nông thôn. Từng có tác phẩm lưu chiểu trên văn đàn thành phố như nhà văn Trầm Hương, nhà văn Cẩm Châu, nhà văn Thu Trân, nhà báo Lê Thiếu Nhơn. Đồng hành với Đoàn còn có các nhà thơ Nguyên Hùng, nhà thơ Phan Trung Tín, nhà thơ Bùi Phan Thảo, nhà thơ Bình Địa Mộc, nhà thơ - ca sĩ Phan Thu Nguyệt, nhà thơ - ca sĩ Cúc Vàng, nhà thơ Thanh Bình, nhà thơ Thánh Ngã, nhà thơ Mai Khoa, nhà thơ Hoàng Anh, nhà thơ Minh Hồng, nhà thơ Nhật Quỳnh, nhà thơ Trương Nam Chi. Ngoài ra còn có anh Huỳnh Bá Tòng – Cán bộ văn phòng Hội đã theo suốt cuộc hành trình. Cùng tư vấn trao đổi những kinh nghiệm quý báu về các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài thành phố, cùng chia sẻ buồn vui với anh em văn nghệ sĩ vốn còn xa lạ với vùng sâu vùng xa. Cùng trăn trở với rừng, với cây, với con nước ròng, nước lớn chơi vơi trên dòng sông Sòi Rạp bảng lảng sương mù.
Trong hành trang về nguồn lần này Đoàn ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh cũng như sự đón tiếp chu đáo ân cần của các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch huyện. Các cán bộ phòng Văn hóa thông tin, cán bộ Rừng phòng hộ, cán bộ Quản lý khu di tích, khu du lịch đều rất nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn cũng như thuyết minh cho Đoàn mọi thắc mắc để sau khi kết thúc chuyến đi các nhà văn, nhà thơ sẽ cho ra đời những tác phẩm văn học giá trị nhằm động viên sức chiến đấu bền bĩ của quân và dân huyện Cần Giờ. Cùng ý chí vươn lên mạnh mẽ hướng ra Biển Đông đầy tiềm năng và hứa hẹn. Đặc biệt các buổi giao lưu văn nghệ giữa Đoàn với địa phương cũng rất hay, rất ý nghĩa. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhớ!
Cần Giờ, 12. 2021
Bình Địa Mộc
rất tuyệt vời
Trả lờiXóa