ĐẺ CON NÀO THÌ SƯỚNG?
Các nhà văn ở Nhà số 4 rất hay bàn về con cái, họ thường ngẫm ngợi và đưa ra những khái quát sinh động.
Nhà thơ Thanh Tịnh có câu: “Bố đút con ăn, bố cười con cười; con đút bố ăn, bố khóc con khóc”.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu có câu (trong truyện ngắn Mẹ con chị Hằng): “Đời người là vay của cha mẹ, trả cho con cái.”
Nhà văn Sương Nguyệt Minh một lần vô tư bộc bạch “Đối với tôi, tiền tài địa vị chỉ là thứ phù phiếm. Cái quý giá nhất đời tôi là con cái. Hai thằng con trai của tôi là hai khối vàng ròng!” Một nhà văn tiền bối nghe vậy tức khí vặc: “Con chú là vàng, thế con tôi là cứt à?!”
Khi nghe kể lại chuyện này, lớp nhà văn 7x rất “rét”.
Thế nên, thường thì, để tránh làm tổn thương những người sinh con một bề... âm, anh em Nhà số 4 hiện nay ít phân biệt con trai con gái, chỉ đọc câu, nghe nói cũng của nhà thơ Thanh Tịnh: “Đẻ con gái sướng đến lúc chết. Đẻ con trai chết mới sướng”; và câu nghe nói của nhà văn Từ Bích Hoàng: “Đẻ con trai, nó lấy vợ thì mình mất con, nó có con thì mình mất vợ”.
Qua quan sát thực tế của nhà cháu, thấy hai câu trên tuyệt vời minh triết. Thằng cu đầu, chỉ xoắn bố lúc bé, bắt đầu dậy thì là sẵn sàng phát biểu xanh rờn “Con chỉ mong bố đi công tác quanh năm”. Khi là sinh viên thì “bố ơi bố à” với tần suất đều đều theo chu kì... xin tiền. Nhưng từ khi ra trường, có công ăn việc làm, đặc biệt có “gấu” thì bố đã trở thành khái niệm của... một thời đã xa. Hai cu sau cũng... tương tự. Phức cảm Oedipus, nhà cháu hiểu, nên coi đó là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa.
Thôi đành ru lòng mình vậy, đợi đến khi “ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân” (theo cách nói của nhà thơ Bảo Sinh) bố muốn ăn gì các con trai sẽ cúng nhé!
Nhưng hôm qua về nhà, nhà cháu thấy có sự bất thường. Ông cu thứ hai khẽ khàng gõ cửa. Mới nghe câu “Bố ơi...” tóc gáy nhà cháu đã dựng ngược: “Lại tiền học phí chứ gì. Để bố xoay”. “Dạ... không. Con tặng bố cái này!”
“Cái này” là bức vẽ trong tợt đấy ạ! Hóa ra là cu làm bài tập vẽ chân dung. Và người mẫu được cu sinh viên khoa đồ họa vi tính FPT “đè” ra “thịt” là ông bố già, nghèo, xấu và khó tính.
Ngắm bức tranh, nhà cháu bỗng hoài nghi câu nói của nhà thơ Thanh Tịnh. Hình như đẻ con trai, khi sống vẫn có thể sướng như thường, hehe!
Sài Gòn, 12. 2023
Bình Địa Mộc
[Sưu tầm]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét