Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Con đường tiểu ngạch & sự thật đau lòng



HÃY NHÌN THẲNG VÀO SỰ THẬT

Mọi người cứ nhao vào chửi Tàu về chuyện bất ngờ dừng thông quan làm ùn tắc hàng ngàn công-tơ-nơ nông sản, làm nông dân ta chết đứng, mất Tết, sạt nghiệp… mình thấy chỉ đúng 1 phần. Về sâu xa mà nói thì Tàu có thể luôn chơi bẩn ta, làm ta suy yếu, nhưng phần chủ yếu là do ta có quá nhiều bất cập để họ có thể tận dụng mà chơi xấu thôi.

Thử nhìn xem “cái chết của nông sản Việt” lần này là do đâu nhé. Nó đơn giản lắm. Ai cũng biết giá thành của một sản phẩm đến tay người dùng là bao gồm cả chi phí vận chuyển. (Mác cũng nói rồi, chỉ hơi lòng vòng chút thôi: giá trị thặng dư nằm trong lưu thông nhưng cũng nằm ngoài lưu thông, nó được tạo ra bởi lưu thông mà cũng không phải bởi lưu thông…). Cái chết của ta bắt đầu từ việc có quá nhiều BOT, một nước nhỏ như Việt Nam mà hiện có tới 127 trạm BOT hút máu mỗi ngày và quá nhiều “luật lệ” trên đường kiếm bánh mì, giá xăng dầu cao do ăn lãi khủng cứ 100.000đ tiền xăng có tới 54.000đ là thuế phí...khiến chi phí vận chuyển bị đội lên rất cao tất cả tính vào giá, trong khi đường sá lại không đủ tốt để đảm bảo vận chuyển nhanh, làm tăng thêm chi phí bảo quản hàng hóa, đường sắt thì lại quá èo uột. Ai đời chi phí cho 1 kg hàng hóa từ Hải phòng về Hà Nội hay từ Nam ra Bắc lại lớn hơn cả chi phí vận chuyển từ Mỹ hay châu Âu về Việt Nam.

Như vậy, để có cùng giá bán sản phẩm với các nước láng giềng khác thì nông dân, thương lái Việt buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất, cắt giảm lợi nhuận để bù cho chi phí vận tải quá cao kia. Vậy là chết rồi, giảm chi phí sản xuất trong khi không được đầu tư công nghệ gì mới thì chỉ có cách là giảm chất lượng hàng hóa xuống, ăn bớt ăn xén công đoạn, bỏ các chi phí bảo quản đi… vv và vv. Và dần dần thì chất lượng hàng hóa sẽ xuống tới đáy, chẳng bán được cho ai ngoài xuất khẩu tiểu ngạch sang Tàu. Và lại trong tình trạng nếu chỉ ùn tắc 1-2 ngày là phải đổ bỏ vì không được bảo quản đúng tiêu chuẩn. Chứ nếu sản phẩm của ta mà tốt thì “thằng Tàu” chỉ cần chơi bẩn một lần là ta cạch mặt nó ra, làm ăn với người khác ngay chứ.

Nhưng rồi, nhu cầu tiêu dùng của dân vùng biên Tàu cũng theo thời gian mà nâng dần lên, họ cũng không muốn dùng những thứ nông sản kém chất lượng, gần hết thời hạn bảo quản nữa. Họ chuyển sang mua hàng của Lào, của Thái cùng giá mà chất lượng tốt hơn hẳn, thời gian đặt hàng cũng nhanh hơn (do vận chuyển nhanh hơn). Vậy họ chỉ còn việc chọn đúng thời điểm nào ta bị tổn thương nặng nề nhất mà đóng đường biên thôi. Một công đôi việc, người dân họ được lợi còn dân ta thì chết đứng!

Đến đây thì chắc ai cũng thấy cái chết “từ từ mà bất chợt” này bắt nguồn từ đâu rồi chứ? Một nền kinh tế, một nền sản xuất hay một đất nước có sức cạnh tranh hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, vào hạ tầng. Mà trong đó giao thông là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Trong bao năm qua, chúng ta đã “hút máu” làm bại liệt đôi chân giao thông vận tải bằng các dạng BOT, bằng những công trình cầu đường bị rút ruột kém chất lượng, vì “bình ổn giá xăng dầu” ở mức cao ngất ngưởng, vì lương trả không đủ sống cho các lực lượng tham gia kiểm soát giao thông buộc họ phải đẻ ra luật lá để sống rồi. Thì bây giờ, mọi thành phần tham gia sản xuất, thương lái đều phải chịu quả đắng của nó chứ chẳng phải do “thằng Tàu” đâu. Chẳng riêng gì nông dân, ngay cả lương công nhân của ta cũng rẻ mạt là bởi các chủ đầu tư phải cắt xén để bù cho cái chi phí vận tải, chi phí “luật lá” khi đặt nhà máy tại Việt Nam đấy. Ở đây có “thằng Tàu” nào đâu mà công nhân cũng khóc.

Vậy nên, hỡi các nhà quản trị kinh tế vĩ mô, hãy tiên trách kỷ hậu trách nhân và nhìn xa hơn chút, để các doanh nghiệp Việt, các nhà sản xuất Việt có được hậu thuẫn để tăng năng lực cạnh tranh. Đừng vì vài cái BOT, vài đồng giá xăng giá điện mà để họ chết tức tưởi rồi lại đổ tại “thằng Tàu” nữa.

Nguyên Tống

_________________

Sài Gòn, 2. 2024
Bình Địa Mộc 
(sưu tầm)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét