(ảnh minh họa: nguồn internet)
Trưa.
- Con trai ơi, trưa rồi xuống ăn cơm kẻo đói bụng.
Con trai ngồi vào bàn ăn ra chiều phấn khởi, mẹ chia vui gắp cục thị gà chiên giòn rụm bỏ vào chén cho con, hỏi.
- Con xin được việc chưa, nếu chưa thì vào chỗ bố làm đỡ cũng được.
- Dạ, chưa nhưng để từ từ đã mẹ, vì thực ra mấy tháng nay cũng nhờ cả vào mấy bác cùng cơ quan với bố đấy chứ. Nào việc xin chỗ nầy, nộp đơn chỗ kia, nội dung phỏng vấn, ai tổ chức thực hiện công tác nhân sự ở đấy đều do các bác ấy tiền trạm, chứ con đâu có biết gì.
Mẹ tỏ vẽ nóng ruột.
- Mẹ muốn biết kết quả cuối cùng như thế nào cơ.
- Dạ, cũng có vài công ty nhận hồ sơ, mời đến phỏng vấn. Nhưng, thưa mẹ họ hỏi toàn chuyện của bố như miếng đất ở khu tái định cư bố đã cất nhà chưa, hay khi nào thì bố về hưu, mẹ lúc này làm gì đại loại thế. Họ chẳng đói hoài đến chuyên môn của con nên con rất ái ngại, chưa trả lời dứt khoát có nên làm với họ hay không.
- Thế còn chỗ bác Khang - công ty bất động sản, là bạn nối khố của bố con đấy.
- À, con nhớ rồi, chỗ đấy thì công tác phỏng vấn có phần chuyên nghiệp và thực tế hơn. Nhưng, con ghét cuối cùng họ lại hỏi chuyện vợ con của con ra sao, đã có bạn gái chưa chẳng hạn. Còn con học ngành gì, nguyện vọng làm việc như thế nào, mức lương yêu cầu họ lại gạt qua một bên, cứ chăm bẳm chuyện gia đình, bực ơi là bực. Làm công tác tuyển dụng mà họ quên mất điều cơ bản, đó là quyền riêng tư của người lao động do chính người đó tự quyết định, chẳng liên quan gì đến cơ quan đoàn thể mà tham gia vào phỏng vấn, đặt câu hỏi linh tinh thật là vô duyên hết sức, chưa nói đến mất dân chủ mẹ ạ.
Mẹ chau mày, phân bua.
- Không hẳn thế con ạ, bác ấy hỏi vậy là có ý gã con gái cho con đấy, nếu như con đồng ý về đầu quân công ty nhà bác. Đấy là mối quen biết với gia đình ta từ thời bao cấp đến nay, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử đều có nhau, cùng chung lưng đấu cật với nhau mà.
- Dạ, thôi chuyện người lớn bố mẹ tự giải quyết đi, con không thích xen vào hay nói một cách khác hơn con không muốn làm nhân chứng lịch sử cho bất kỳ ai, kể cả gia đình ta. Bởi bản thân lịch sử luôn chứa đựng cả tốt lẫn xấu rồi.
Chiều.
- Con trai ơi, xem ti vi xong chưa, đi với mẹ qua thăm bác Khang một chút kẻo bác ấy trách.
- Dạ, mẹ chờ con chút. Con download tài liệu công ty phân bón nầy xong đã.
- Có cần thiết như thế không hả con?
- Cần chớ mẹ, vì muốn cuộc phỏng vấn đạt kết quả tốt, mình phải tìm hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu nhân sự đối tác mẹ ạ. Đó gọi là biết địch biết ta trăm trận trăm thắng.
- Vâng, mẹ biết rồi, con tiếp tục công việc đi, mẹ chờ.
Một lác sau con trai từ trên lầu vừa đi xuống cầu thang, vừa tranh thủ xem tài liệu. Mẹ thấy con chăm chú quá nên không nỡ nói thêm gì bởi, đó là “quyền riêng tư”. Ngồi ăn được một chặp, mẹ mới gợi ý.
- Hồi trưa mẹ có nói sơ qua về việc bác Khang định gã con gái cho con, nhất thời con chưa hiểu nên chưa chịu phải không. Nhân đây mẹ nói rõ thêm để lác nữa qua thăm nhà họ con đủ tự tin để trả lời cho bác ấy rõ.
- Thôi, mẹ ạ. Con là thanh niên chưa vợ, đi học ở nước ngoài về, có bằng thạc sĩ hẳn hoi chẳng lẽ không tìm được cô nào khác hay sao mà bố mẹ phải “đặt hàng” trước với người ta. Hồi trưa con đã nói rồi đó, từ nay trở đi bố mẹ đừng áp đặt bất cứ việc gì, nhất là những việc đại sự mang tính quyết định đời người như nhà cửa, hôn nhân, công việc. Bởi, đời người còn dài lắm biết bao nhiêu biến cố và nhiều thứ phát sinh không lường trước được, mà bố mẹ thì càng ngày càng già, sống chết lúc nào chẳng biết kể cả thường dân hay quan chức. Vả lại bố mẹ lớn tuổi rồi, không đủ sức khỏe, thời gian, tiền bạc đu theo tụi con đâu. Thật đấy!
Bất giác mẹ nhìn ra thật xa, trong tâm tưởng bà hiễn hiện một đứa trẻ lên năm chạy tung tăng ngoài ngõ, bỗng dưng bị vấp té ngã lăn quay xuống đất nhưng không dám gọi mẹ vì sợ la. Bây giờ nó lớn rồi, đang tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Nó đang ngồi trước mặt bà đây mà như người xa lạ; nó đang nói chuyện phải quấy với bà đây mà giống như hai mẹ con bàn chuyện hàng xóm, chẳng liên quan tới mình. Nó đang lững thững nơi vuông sân thông ra cái ngõ phẳng lì, mà mỗi bận trưa về nắng cắt từng lát chả cá xiên mặt đất. Bà quay mặt giấu đi cảm xúc của mấy chục năm về trước.
- Thế con đã chọn cho mình được cô nào ưng ý chưa để bố mẹ còn lo cưới hỏi. Con biết đấy bố con sang năm về hưu rồi, mà về hưu thì chẳng mời mọc được ai đâu, mời như thế kỳ lắm.
- Thưa mẹ, chính vì mời nhiều người mới kỳ đó chứ không phải là về hưu hay đương chức đâu. Theo con, nếu đám cưới chỉ cần mời nội ngoại hai bên và bà con chòm xóm. Cần thiết thì mời thêm vài người bạn thân, mà bạn thân của bố mẹ con đoán cũng chỉ vài người thôi chứ lấy đâu ra trăm nọ, trăm kia mà nhiều với chả ít.
- Ừ, thôi thế cũng được, mời nhiều về hưu rồi làm sao đi lại cho họ được. Thế con định bao giờ thì cho bố mẹ xem mặt cô dâu đấy.
- Dạ, cũng có vài ba cô nhưng hầu như các cô ấy đều có chung một câu hỏi là bố anh làm gì, khi nào về hưu, chắc nhà cửa đất đai nhiều lắm hả. Thậm chí có cô còn biết tỏng bố con làm chủ tịch tỉnh nữa nên con cance hết rồi. Còn nếu muốn lấy vợ, chắc con phải lấy một cô giáo dạy tiểu học giống như mẹ. Vì theo con giáo viên vừa có thời gian, vừa có kiến thức để dạy bày con cái sau nầy, chứ nếu phó thác hết cho nhà trường và xã hội thì không tiện chút nào, nếu không muốn nói rằng thiếu trách nhiệm với con cái.
Mẹ ừ miễn cưỡng.
- Nhưng nghề nầy lương, thưởng thấp lắm con ạ. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân, nhất là những ngày lễ tết người ta cũng làm nhà nước, cũng phục vụ cho nhân dân như mình mà họ được tiền trăm, tiền triệu còn mình tiền chục đôi khi năm nầy có, năm kia lại không.
- Mẹ ạ, nhưng mẹ phải biết tiền nào của nấy chứ. Người ta lương, thưởng cao thì thời gian, công sức họ bỏ ra nhiều. Giáo viên ngày dạy cứ cho là 8 tiếng đi, rồi sau đó về nhà với chồng con có phải sướng hơn không. Còn cán bộ nhân viên các ngành khác nhất là lãnh vực kinh tế, có khi một ngày làm việc từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ ngồi lì trong phòng, căng lắm mẹ ạ. Chưa kể làm sai dẫn đến thất thoát tài sản, tiền bạc thì phải đền bù, bị cắt thi đua, mất tiền thưởng có khi ngồi tù mọt gông. Thêm nữa, nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì họ ngưng hợp đồng, lo tìm việc khác không dễ dàng gì đâu. Còn giáo viên, xin lỗi mẹ, lỡ có đi trễ về sớm vài phút thì gởi lớp cho đồng nghiệp coi hộ. Thậm chí dạy sai, dạy sót thì tiết sau điều chỉnh, dạy bù chả hề hấn gì với chế độ một thầy một trò.
Sáng hôm sau, theo thói quen mẹ gọi con trai dậy ăn điểm tâm nhưng không ngờ con dậy trước mẹ rồi vội vàng dắt xe ra cổng. Mẹ hỏi.
- Con đi đâu sớm vậy?
- Dạ, con đi bệnh viện!
- Ủa con đau gì mà đến đó?
- À không, con đến đó để lấy kết quả xét nghiệm HIV/AIDS mẹ ạ, vì học sinh - sinh viên đi học ở nước ngoài về tất yếu phải xét nghiệm cho an toàn.
- Mẹ biết rồi, nhưng bác sĩ họ nói sao?
- Dạ, hôm trước bác sĩ nói con bị K + , sau đó ổng hỏi con ở đâu, làm gì, bố mẹ là ai. Con trả lời đến chỗ … bố làm chủ tịch tỉnh thì ổng giật tờ giấy xét nghiệm lại, nói. Để tôi xem thử cậu bị … mấy cộng.
Nghe con trai hồn nhiên kể chuyện dương tính HIV/AIDS mẹ thất thần. Bà từ từ quỵ xuống như cây chuối sau bão. Ngoài sân đàn gà con chíp chíp bâu quanh gà mẹ, báo hiệu sự sống tiếp tục sinh sôi nẩy nở, song những âm thanh ngọt ngời ấy không ngăn nổi tiếng chim cú lợn đêm qua vọng lại đến rợn người!
Quảng Nam, 11.2015
BÌNH ĐỊA MỘC
(ảnh minh họa)
Cô em như thế ai mà chả chết . tránh xa kiểm tra cận thận !!
Trả lờiXóa